Lời giải cho bài toán quá tải học sinh ở Hà Nội

Năm học 2018-2019, câu chuyện về quá tải sĩ số học sinh, đặc biệt là lứa tuổi mầm non và tiểu học vẫn là chủ đề 'nóng' của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội. Vậy đâu là lời giải cho bài toán quá tải học sinh ở Thủ đô?

Loay hoay xếp lịch học

Học sinh tiểu học phải nghỉ học luân phiên trong tuần, học bù vào cuối tuần hay chỉ học một buổi/tuần; bàn học được thiết kế cho hai học sinh nhưng ghép ba em do quá tải sĩ số... là thực trạng đang diễn ra tại một số trường ở trung tâm Hà Nội. Một trong những trường tiểu học được nhắc đến nhiều nhất thời gian qua là Trường Tiểu học Chu Văn An ở phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai). Đây là ngôi trường mới được xây dựng, nhưng ngay từ khi đưa vào hoạt động (tháng 9-2017) đã rơi vào tình trạng quá tải. Theo bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, nguyên nhân là do địa bàn phường Hoàng Liệt hiện có 82 tòa chung cư, trong đó, 76 tòa chung cư đã đi vào sử dụng. Tổng dân số của phường 85.000 người (tăng 10.000 người so với cùng kỳ năm 2017), nhưng phường chỉ có hai trường tiểu học công lập là Trường Tiểu học Chu Văn An và Trường Tiểu học Hoàng Liệt.

Năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Chu Văn An có tới 1.145 học sinh lớp 1, chia thành 23 lớp với sĩ số trung bình 49 học sinh/lớp, nâng tổng số lớp học của trường lên con số 57, trong khi cả trường chỉ có 41 phòng học. Trước thực trạng này, Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai chọn phương án tối ưu nhất là tổ chức học luân phiên 4 ngày/tuần, tức 8 buổi/tuần và có học luân phiên vào thứ 7. Để sắp xếp được lịch học luân phiên hợp lý, khó khăn không chỉ đến từ phía nhà trường mà ngay cả phụ huynh học sinh.

Tình trạng quá tải sĩ số học sinh cũng diễn ra tại các quận: Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy. Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, cho biết: "Năm học 2018-2019, quận Cầu Giấy có 16.776 học sinh của 51 trường mầm non và 29.518 học sinh của 23 trường tiểu học. Hầu hết các trường công lập trên địa bàn đều có sĩ số trung bình là 53 học sinh mầm non/lớp và 56 học sinh tiểu học/lớp".

Năm học 2018-2019, toàn thành phố có 130.000 học sinh vào lớp 1, tăng 30.000 em so với cùng kỳ năm học trước. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, sĩ số trung bình của học sinh lớp 1 là 35-40 học sinh/lớp, mầm non là 30-35 học sinh/lớp. Thế nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các trường trên địa bàn Hà Nội không bảo đảm sĩ số học sinh theo quy định trên. Ngay quận Tây Hồ-nơi không tập trung nhiều khu chung cư như các quận nêu trên, nhưng trung bình sĩ số lớp tiểu học cũng lên tới 45-50 học sinh/lớp, mầm non khoảng hơn 40 học sinh/lớp. Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ, cho biết: "Mỗi năm, số học sinh ở độ tuổi mầm non và tiểu học tăng 6-10%, tương đương với 1.000 học sinh. Với số học sinh tăng đều mỗi năm như vậy thì cứ 5 năm, quận phải có thêm một trường mới mới đáp ứng đủ nhu cầu".

Giải pháp tình thế

Xây dựng thêm trường, cải tạo mở rộng các trường công lập và đẩy mạnh xã hội hóa các loại hình trường, lớp ngoài công lập là giải pháp trước mắt mà các quận đưa ra. Năm 2019, quận Tây Hồ tiếp tục nâng cấp và mở rộng thêm 9 trường. Theo dự kiến, quý I-2019, trên địa bàn phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) cũng sẽ xây thêm 3 trường công lập mới, gồm cả mầm non, tiểu học và THCS. Để giảm tải học sinh cho các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn, năm 2018, quận Cầu Giấy đã khởi công xây mới trường mầm non công lập tại Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng; hoàn thành và đưa vào sử dụng Trường Mầm non ngoài công lập Tràng An và Trường Tiểu học&THCS FPT Cầu Giấy với quy mô 20 lớp học. Trong giai đoạn 2019-2020, quận Cầu Giấy tiếp tục đầu tư xây mới và cải tạo mở rộng thêm nhiều trường mầm non và tiểu học công lập...

Tuy nhiên, để có đất xây trường mới không phải việc dễ dàng. Theo báo cáo tổng kết 10 năm mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội, 10 năm qua, quy mô giáo dục Hà Nội tăng 434 trường mầm non và phổ thông, trong đó, công lập tăng 163 trường mầm non và phổ thông, tăng 11.438 nhóm lớp. Thế nhưng, những đầu tư đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trước áp lực quá lớn về sĩ số học sinh và thiếu quỹ đất xây trường, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Xây dựng cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù, được nâng tầng các trường học.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, nhìn nhận: Với điều kiện hạ tầng của Hà Nội hiện nay thì việc nâng tầng trường học có thể coi là giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, theo quy định, trường mầm non không được xây quá 3 tầng, trường tiểu học không được xây quá 4 tầng. Tiêu chuẩn trường học phải bảo đảm đạt 15m2/học sinh. Nhưng hiện nay, trường học của Hà Nội mới đang phấn đấu 9m2/học sinh. Vì vậy, trong trường hợp nâng tầng đại trà các trường học, thành phố cần đặc biệt chú trọng yêu cầu chất lượng công trình và an toàn về phòng cháy, chữa cháy; không để trẻ nhỏ học trên tầng cao để bảo đảm sức khỏe. Đặc biệt, với các trường học đặc thù phải chú ý vận chuyển bằng cơ giới, như có thang máy.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD&ĐT), cho biết: "Cục đang soạn thảo văn bản gửi lãnh đạo bộ xem xét, đối với điều kiện cụ thể của từng trường sẽ cho phép nâng tầng hoặc không. Sau khi rà soát việc sắp xếp và tổ chức dạy học mà vẫn thiếu phòng học thì mới nâng tầng. Tuy nhiên, việc tiến hành nâng tầng phải bảo đảm an toàn, chất lượng công trình và chỉ thực hiện nâng tầng ở những địa bàn không có quỹ đất để xây trường mới... Song, nâng tầng trường học của Hà Nội chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, thành phố phải quy hoạch, mở rộng các cơ sở giáo dục".

NGUYỄN HOÀI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/loi-giai-cho-bai-toan-qua-tai-hoc-sinh-o-ha-noi-550821