Lợi dụng dịch, doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế

Ông Nguyễn Đức Huy, Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế), cho biết chống gian lận thuế, trốn thuế ngày càng diễn biến phức tạp. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng dịch Covid-19 để thực hiện chuyển giá, trốn thuế.

Kiểm toán Nhà nước vừa có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, Bộ Công an điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi có dấu hiệu trốn thuế thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Tài, giám đốc công ty dịch vụ kho vận PTL và hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp và chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài của Công ty nhôm Toàn Cầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước cho rằng thông qua việc nâng giá thuê kho bãi bất hợp lý, công ty nhôm Toàn Cầu đã chuyển giá sang công ty dịch vụ kho vận PTL số tiền ít nhất khoảng 2.680 tỷ đồng, tương đương 78,72% tổng số tiền thuê kho bãi giai đoạn 2015 - 2019. Còn số thuế thu nhập cá nhân ông Nguyễn Tài phải nộp là 79,6 tỷ đồng. Đến nay, ông Nguyễn Tài đã nộp 400 triệu đồng, số thuế phải truy thu khoảng 79,2 tỷ đồng.

Đây chỉ là vụ việc gần nhất liên quan đến trốn thuế, chuyển giá được cơ quan quản lý phát hiện và báo chí đưa tin. Còn rất nhiều trường hợp khác liên quan đến liên kết chuyển giá trốn thuế khác chưa được phát hiện.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cũng khẳng định tình trạng trốn thuế, né thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận khá phức tạp, nhất là các giao dịch liên kết, mặc dù cơ quan thuế có rất nhiều nỗ lực song cơ chế chính sách chưa thực sự hoàn thiện, chưa phù hợp với thực tế vì vậy có ảnh hưởng đến quản lý thu.

Nguy hiểm hơn, tình trạng chuyển giá trốn thuế không chỉ diễn ra mạnh ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà ngay cả chuyển giá nội địa cũng ngày một phổ biến, gây thất thu ngân sách lớn và làm méo mó môi trường kinh doanh. Chuyển giá nội địa thường xảy ra ở những giao dịch liên kết giữa các công ty mẹ và công ty con thuộc các tổng công ty, tập đoàn lớn của Nhà nước, giữa các DN FDI trong nước có quan hệ liên kết và được hưởng các mức ưu đãi thuế TNDN khác nhau.

Chẳng hạn, trường hợp của Tổng Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) qua kiểm toán phát hiện DN này trốn thuế qua chuyển giá nội bộ. Cụ thể, Sabeco gồm 2 nhà máy hạch toán phụ thuộc, các công ty con và công ty liên kết. Các đơn vị sản xuất bán sản phẩm bia Sài Gòn cho Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn (công ty con 100% vốn của Tổng Công ty). Công ty này lại tiếp tục bán sản phẩm cho 10 công ty cổ phần thương mại khu vực có vốn góp từ 90–94,92%.

Các công ty thương mại khu vực sau đó bán tiếp sản phẩm cho đại lý cấp 1, cấp 2, cấp 3,... là các cơ sở kinh doanh thương mại độc lập. Mô hình tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phức tạp này của Sabeco gây khó cho cơ quan thuế trong việc xác định giá ở mốc thời điểm chính xác trong chuỗi bán hàng của Sabeco để tính thuế.

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước kết luận, theo quy định tại Thông tư 05/2012/TT–BTC, Sabeco phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá bán ra của các công ty thương mại khu vực – đơn vị trực tiếp bán hàng ra khỏi hệ thống của Sabeco chứ không phải giá bán của Sabeco ra Công ty Thương mại Sabeco. Theo đó, Sabeco phải nộp thêm vào ngân sách hơn 408 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng, hoạt động chuyển giá, trốn thuế đã đến hồi cảnh báo và trước hết phải xử lý nghiêm, nhanh chóng các hành vi chuyển giá, trốn thuế.

Tính đến đầu tháng 8, toàn ngành Thuế đã hoàn thành thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế đối với 104 doanh nghiệp có giao dịch liên kết, qua đó đã truy thu, truy hoàn và phạt hơn 269 tỷ đồng. Cơ quan Thuế cũng xác định lại doanh thu, làm giảm lỗ hơn 1.785 tỷ đồng; giảm khấu trừ 1 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 2.373 tỷ đồng...

Thúy Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/loi-dung-dich-doanh-nghiep-chuyen-gia-tron-thue-505184.html