Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để lừa đảo bị xử lý thế nào?

Việc lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để chiếm đoạt tài sản phạm tội gì, bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?

Hình minh họa.

Hỏi: Tôi tên là Kim Xuyến (trú tại TP Thanh Hóa). Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, em trai tôi tên Th. không có việc làm nên có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Được sự giới thiệu của người quen là chị H., tôi được biết có chương trình đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản của Bộ lao động Thương bình và Xã hội với mức phí phải đóng là 105.000.000 VNĐ.

Tôi đã nộp đầy đủ số tiền 105.000.000 VNĐ thông qua gửi tiền mặt cho chị H. nộp hộ là 45.000.000 VNĐ, số còn lại 60.000.000 VNĐ tôi đã chuyển khoản cho anh H. (chuyển theo sự hướng dẫn ngày 20/07/2018 của chị H. rằng anh H. là Trưởng phòng đào tạo Trung tâm môi giới A có địa chỉ tại Hà Nội).

Tuy nhiên trong quá trình tham gia kỳ thi ImJapan thì em trai tôi được nghe phổ biến rằng Trung tâm này không có bất kỳ mối liên kết nào với Bộ LĐTB&XH và Trung tâm lao động ngoài nước. Em tôi nhận thấy mình phạm luật thi đã dừng thi và đăng ký thi lại vào kỳ thi tới (tức ngày 24/9/2018) để lấy lại số tiền đã nộp trên.

Mặc dù vậy, anh H. không chịu trả lại tiền cho gia đình tôi với lý do là anh H. đã dùng quan hệ của mình với Bộ LĐTB&XH để xin xỏ mới có được hồ sơ cho em trai tôi dự thi, nếu em trai tôi không thi kỳ thi lại vào ngày 24/9/2018 mới trả lại tiền còn dự thi thì không trả lại.

Sau rất nhiều lần gia đình tôi điện thoại đòi tiền và nói sẽ kiện, hiện tạị bên trung tâm đã thanh toán lại cho tôi số tiền là 88.000.000đ (tổng tiền tôi đã nộp qua anh H., chị H. là 105.000.000đ, bên môi giới trừ 15.000.000 tiền học phí hai tháng và em tôi có ứng 2.000.000đ tiền ăn), tuy nhiên, bên môi giới có những lời lẽ đe dọa gia đình tôi rằng sẽ tạo áp lực để em trai tôi không thể thi đỗ kỳ thi ngày 24/9/2018 (gia đình tôi có giữ ghi âm lại tất cả các cuộc gọi có liên quan). Vậy xin hỏi quý báo:

- Việc lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để cố tình thu tiền sai quy định và giữ tiền để chiếm đoạt như vậy phạm tội gì, bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?

- Việc đe dọa và lợi dụng mối quan hệ để gây áp lực khiến em tôi trượt trong kỳ thi sắp tới có vi phạm pháp luật không, nếu có thì bị xử lý như thế nào?

Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Công ty luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp - Đoàn luật sư TP Hà Nội trả lời:

Để xem xét một người có phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không" thì cần xem xét việc người đó có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác hay không. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Nếu thủ đoạn gian dối có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy theo từng trường hợp cụ thể, thủ đoạn gian dối đó có thể là hành vi "Che giấu tội phạm" hoặc là hành vi phạm tội khác như tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", tuy nhiên phải có thiệt hại về tài sản xảy ra.

Trong trường hợp của bạn, nếu có căn cứ chứng minh giữa nhà bạn với chị H., anh H. có các hành vi như: thỏa thuận, giao kết, thống nhất với nhau về mức tiền lương, chế độ, chính sách đãi ngộ, thời gian lao động và việc sẽ được đi xuất khẩu lao động; Chị H., anh H. đã có hành vi gian dối, nói không đúng sự thật về những quyền lợi, chế độ, thời gian xuất khẩu lao động của em trai bạn trước khi gia đình tiến hành giao tiền;

Sau đó, thực tế em trai bạn không được các chế độ như đã thỏa thuận và chị H., anh H. có chiếm đoạt tài sản của gia đình bạn… Nếu có các căn cứ trên thì có thể cho rằng chị H., anh H. phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015.

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”:

Theo đó, người phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thì có thể bị phạt tù. Tùy từng tính chất, mức độ, mục đích của hành vi, số tiền chiếm đoạt mà pháp luật quy định từng khung hình phạt khác nhau. Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, hoặc bị phạt tù thấp nhất là 02 năm, cao nhất là 20 năm tù hoặc chung thân.

Tuy nhiên, nếu không có căn cứ chứng minh rằng chị H., anh H. đã có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt được khoản tiền 105.000.000 triệu đồng; hơn nữa, em trai bạn do nhận thấy mình phạm luật đã dừng thi và đăng ký thi lại; việc không thực hiện được lời cam kết của bên anh H. là do anh Th. tự ý dừng thi… thì chưa đủ căn cứ để có thể cho rằng hành vi của chị H., anh H. là phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Về việc bạn cho rằng anh H., chị H. đã đe dọa và lợi dụng mối quan hệ để gây áp lực khiến em bạn trượt trong kỳ thi sắp tới: Nếu chứng minh được bên môi giới có những lời lẽ đe dọa, thô bạo khiêu khích, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm gia đình bạn thì người đó có thể bị phạt vi phạm hành chính theo Điểm a, Khoản 5, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống tệ nạn xã hội:

“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;"

Theo đó, nếu đe dọa bằng những lời lẽ thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm thì có thể sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Trên đây là phần giải đáp của chuyên gia pháp lý về trường hợp của bạn. Mọi câu hỏi đóng góp xin gửi về email của Tòa soạn: Toasoan@phapluatplus.vn hoặc Nguyenxinh@phapluatplus.vn để được giải đáp.

Nguyễn Xinh

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/loi-dung-danh-nghia-co-quan-to-chuc-de-lua-dao-bi-xu-ly-the-nao-d78311.html