Lợi dụng CS hỗ trợ cho ngư dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ bị xử lý như thế nào?

Ông Trần Văn P. (1971, ở Nghĩa Hưng, Nam Định ) có gửi câu hỏi tới báo ĐS&PL như sau: Chính sách hỗ trợ cho ngư dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ hiện nay thực hiện theo luật nào ?

Ông P. phản ánh, chính sách có hạn chế số người vay vốn hay không mà ông cùng nhiều người dân cùng địa phương muốn vay vốn Ngân hàng để đóng tàu lớn nhưng gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục. Ở địa phương ông, có người không thiếu vốn cũng làm hồ sơ vay vốn Ngân hàng, người này có người quen ở cơ quan chức năng sở ngành giới thiệu và chỉ cho cách chạy Ngân hàng A để có “1 suất” vay vốn rồi dùng vào việc khác, ông có bằng chứng về việc này. Việc người cần thì không tiếp cận được nguồn vốn, người có thừa lại được cấp thêm vậy có sai luật không ?

Ảnh minh họa

Về nội dung này, Luật sư Lê Minh Đức (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) xin trả lời như sau:

1 . Về các chính sách hỗ trợ đang áp dụng cho ngư dân đóng tàu để đánh bắt xa bờ, ông có thể tham khảo thêm các văn bản sau :

- Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành ngày 7/7/2014.

- Nghị định 89/2015/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung 1 số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành ngày 7/10/2015.

- Nghị định 17/2018/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung 1 số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành ngày 2/2/2018.

Các Nghị định trên có nêu rõ các đối tượng được hỗ trợ vay vốn, điều kiện và hạn mức vay cụ thể. Đồng thời cũng có các ưu đãi về lãi suất vay, thời hạn cho vay, chế độ bảo hiểm và miễn 1 số khoản thuế với người khai thác thủy, hải sản.

2 . Các chính sách nêu trên không có giới hạn số lượng ngư dân được hỗ trợ, mà chỉ có các mức hỗ trợ đối với các trường hợp vay vốn khác nhau. Ông có thể tham khảo kỹ các điều kiện trong chính sách và nhờ cán bộ Ngân hàng giải thích lý do từ chối hồ sơ vay vốn của ông. Vì nhiều lý do khác nhau mà các Ngân hàng đã họp và tổng kết được như : chủ tàu vay vốn xong không dùng đúng mục đích dẫn tới không có khả năng trả nợ, tàu đánh cá thực tế liên tục có lãi hàng trăm triệu mỗi chuyến ra khơi nhưng vẫn liên tục báo lỗ, chây ỳ không trả, chờ được xóa nợ …. khiến Ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi nợ, dẫn tới nợ xấu tăng cao. Nên việc Ngân hàng siết chặt công tác kiểm duyệt hồ sơ vay vốn là có thể hiểu được.

3 . Người có hồ sơ không đủ điều kiện mà cố tình làm giả các tài liệu cần thiết , hay dùng biện pháp gian dối để qua mặt cán bộ Ngân hàng kiểm duyệt nhằm vay tiền của Ngân hàng phục vụ mục đích riêng là đã phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 của Bộ Luật hình sự 2015. Ngân hàng sẽ phối hợp cơ quan chức năng để xử lý hình sự và thu hồi khoản đã cho vay.

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

4 .Nếu cán bộ Ngân hàng cố tình duyệt hồ sơ không đủ điều kiện, không đúng đối tượng của chính sách do đã nhận “quà cho, biếu, tặng” của người có hồ sơ cần xét duyệt thì cán bộ đó đã vi phạm pháp luật theo Điều 354 Tội nhận hối lộ của Bộ luật hình sự 2015. Do đó, nếu ông có bằng chứng cụ thể trong tay, ông có thể tố cáo ra cơ quan công an để đưa vị cán bộ biến chất này trước pháp luật. Tùy theo mức độ vi phạm sẽ có hình phạt tương xứng như sau :

“Điều 354. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.”

Chúng tôi xin đưa câu trả lời dựa trên những câu hỏi của ông đặt ra để ông nếu còn gì thắc mắc xin ông vui lòng lại Tòa soạn để được hướng dẫn.

Văn Hiệu

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/loi-dung-chinh-sach-ho-tro-cho-ngu-dan-vay-von-dong-tau-danh-bat-xa-bo-51507.htm