Lợi đủ đường

Xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới. Vấn đề này cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với các đô thị của Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, dù muộn, dù chậm nhưng nhà máy đốt rác có thu hồi năng lượng vẫn là niềm hy vọng của câu chuyện xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay.

Theo Ngân hàng Thế giới, lượng chất thải rắn tăng mạnh trên toàn cầu, từ 3,5 triệu tấn/ngày năm 2010 dự báo sẽ tăng lên 6 triệu tấn/ngày vào năm 2025. Chi phí toàn cầu cho việc xử lý rác từ đó cũng tăng lên từ 205 tỷ USD năm 2010 lên 375 tỷ USD vào năm 2025. Đây là những con số rất cao, yêu cầu các quốc gia phải tìm cách cải thiện, kéo giảm.

Tại Việt Nam, với tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh, lượng rác thải cũng tăng lên nhanh chóng. Ở đô thị mỗi ngày phát sinh khoảng 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, con số này ở nông thôn cũng khoảng 25.000 tấn. Lượng rác này hiện nay chỉ đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (70%). Ô nhiễm môi trường, không còn nơi chôn lấp rác, người dân chặn xe rác đưa về nơi xử lý xuất hiện thời gian gần đây ở Đà Nẵng, Hà Nội… là tiếng chuông cảnh báo đối với việc xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp.

Theo phân tích của bà Lưu Linh Hương, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, biện pháp chôn lấp rác đã và đang tồn tại nhiều bất cập như tốn quỹ đất, không đảm bảo vệ sinh khi lượng nước rò rỉ từ rác ngày càng ngấm sâu vào lòng đất ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm, các khí thải từ bãi rác cũng rất lớn. Các loại khí nhà kính phát sinh trong các bãi chôn lấp bao gồm CO2 , CH4 , N2O… là tác nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu.

Một số chuyên gia cho rằng, phương pháp đốt rác phát điện được xem là “bài toán” khả thi nhất cho các đô thị trong bối cảnh hiện nay. Khi áp dụng công nghệ này, nó không chỉ giảm được quỹ đất dành cho chôn lấp rác thải mà còn giảm nhiều tác động đến môi trường. Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT, nhìn nhận đốt rác phát điện đang là công nghệ tối ưu của thế giới trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay. Chất thải phát sinh từ công đoạn này sẽ được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho công đoạn khác. Chu trình đó giúp giảm phát thải, giảm ô nhiễm, giảm chi phí tạo nguồn nguyên liệu mới, giảm tiêu hao năng lượng, nguyên liệu, hạn chế tối đa chi phí xử lý rác thải. Đốt rác phát điện cũng nằm trong chu trình nền kinh tế tuần hoàn. Rác thải được đánh giá là nguồn tài nguyên và sẽ tái tuần hoàn, thu hồi năng lượng từ quá trình xử lý.

Có thể thấy rằng, phương pháp đốt rác phát điện sẽ giải quyết được được 2 bất cập: thiếu quỹ đất chôn lấp và gây ô nhiễm môi trường nước, không khí ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống xung quanh khu vực bãi chôn lấp. Trong điều kiện các nguồn tài nguyên có sẵn đang dần cạn kiệt, dẫn đến việc gia tăng giá hàng loạt nguyên liệu đầu vào thì công nghệ biến rác thải hữu cơ thành năng lượng không chỉ mang tới một giải pháp hữu hiệu, thân thiện môi trường trong vấn đề xử lý chất thải tại Việt Nam, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, muốn phát triển sản xuất điện từ rác thải, vấn đề hết sức quan trọng hiện nay là phải tăng cường tuyên truyền người dân phân loại rác tại nguồn trước khi chuyển giao.

HÀ VĂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/loi-du-duong-695150.html