Lối đi nào cho xuất khẩu trong đại dịch Covid-19?

Đại diện nhiều doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế đều đồng tình cho rằng, tăng trưởng kinh tế của nước ta dù không bị ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19 nhưng sẽ bị tác động chủ yếu bởi những xáo trộn trong thương mại Việt Nam - Trung Quốc và các quốc gia khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hơn một tháng tính từ thời điểm ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do Covid-19 tại Trung Quốc, đến nay dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 27 quốc gia, vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc. Tính đến hết ngày 19-2, số người tử vong tăng lên tới 2.122 người, số ca nhiễm 75.662 người.

Là quốc gia láng giềng có quan hệ kinh tế - thương mại mật thiết với Trung Quốc, Việt Nam khó có thể tránh khỏi những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), GDP trong quý I/2020 có thể sẽ tăng quanh mức 6,5%, thấp hơn từ 0,2-0,4% so với cùng kỳ năm 2019, sau đó sẽ dần hồi phục từ quý II/2020. Song, với tính chất phức tạp và nguy hiểm của Covid-19, BVSC cũng không loại trừ khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực đến hết quý II/2020.

Công ty Chứng khoán SSI đưa ra nhận định: Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6-6,8% trong quý I/2020 sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức, có thể sẽ chỉ trong khoảng 6-6,5%. Mức tăng trưởng thấp, khoảng 5-6%, sẽ là mối lo ngại. Bị tác động nhiều nhất là ngành dịch vụ.

Theo tính toán của BVSC, trong cơ cấu GDP năm 2019 của Việt Nam, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 41,6%. Mặc dù tỷ trọng này chưa cao như Trung Quốc nhưng khu vực dịch vụ chiếm tới 45% trong tổng mức tăng GDP của Việt Nam. Ngành nông, lâm, thủy sản cũng sẽ chịu tác động tiêu cực từ Covid-19 khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể sẽ sụt giảm.

Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 116,866 tỉ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 41,414 tỉ USD và nhập khẩu tới 75,452 tỉ USD. Như vậy, riêng thị trường Trung Quốc chiếm đến 22,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2019. Ngoài ra, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi năm 2019, xuất khẩu nông sản sang thị trường này đạt 5,92 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước.

Nhìn nhận về tác động của đại dịch Covid-19 tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tại buổi tọa đàm trực tuyến “Covid-19 tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?” được Báo Dân Việt tổ chức mới đây, đại diện nhiều doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế đều đồng tình cho rằng, tăng trưởng kinh tế của nước ta dù không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng sẽ bị tác động chủ yếu bởi những xáo trộn trong thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc và các quốc gia khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nhiều nền kinh tế như Việt Nam, Nhật Bản có sự phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, do phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu và linh kiện từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Phóng viên Báo Năng lượng Mới trích đăng một số ý kiến thảo luận tại buổi tọa đàm này.

Ông Nguyễn Đức Thành -Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR):Thận trọng trong việc sử dụng các công cụv ĩ mô

Trong bối cảnh mạng xã hội lan tỏa những lo lắng hiện nay về Covid-19 thì tăng trưởng GDP quý I/2019 theo dự đoán sẽ giảm tối thiểu 1 điểm phần trăm, thậm chí giảm mạnh hơn nếu tình hình dịch bệnh không sớm được kiểm soát. Năm 2020 là một năm không dễ dàng với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, không có gì phải quá bi quan, kể cả khi GDP quý I tăng trưởng âm.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường khách du lịch quốc tế lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 1/3 trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2019 có 5,8 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, tăng 17% so với năm 2018. Du khách Trung Quốc giảm mạnh không chỉ có nguy cơ phá vỡ mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế mà còn tác động sâu sắc đến doanh thu cũng như đóng góp của ngành du lịch vào GDP quốc gia.

Đối tượng trực tiếp chịu rủi ro do dịch bệnh là doanh nghiệp. Họ sẽ phải chấp nhận chuyển đổi thị trường, thậm chí chấp nhận thất bại rồi sẽ phục hồi. Tiếp theo đó mới đến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước cần thận trọng khi sử dụng các chính sách hỗ trợ thông qua công cụ vĩ mô như tiền tệ, tài khóa, tín dụng. Sự hỗ trợ cần trúng và đúng ngành thiệt hại để sự hỗ trợ có hiệu quả.

Sử dụng công cụ tín dụng cần có sự chọn lọc nhất định, vốn cần được bơm vào các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cụ thể từ Covid-19 (du lịch, xuất khẩu nông sản...). Vẫn có nguy cơ vốn rò rỉ sang lĩnh vực khác hoặc ngành khác, do đó, cơ quan nhà nước nên đặc biệt thận trọng trong việc sử dụng các công cụ vĩ mô.

Thay vì vội vàng trong việc sử dụng các công cụ vĩ mô, các cơ quan chức năng nên tập trung vào các giải pháp vi mô trong nội bộ ngành, thị trường nhất định để hỗ trợ, khơi thông trong tổ chức ngành, giúp doanh nghiệp có thêm những giải pháp mới mang tính kỹ thuật và đặc thù.

Trong 15 năm quan sát những cuộc khủng hoảng tại Việt Nam, tôi khẳng định rằng, lạm dụng chính sách vĩ mô có thể giải quyết được các vấn đề tâm lý nhất thời như trấn an người dân nhưng không có hiệu quả cụ thể trong từng ngành. Các biện pháp điều chỉnh tỷ giá và lãi suất đều cần thận trọng trong lúc này do có thể tác động đến nhiều ngành khác thay vì ngành bị tổn thương nặng nề do Covid-19 như du lịch hay nông sản.

Việc sử dụng công cụ tỷ giá có thể không có giá trị cụ thể trong bối cảnh hiện tại và gây ra tác động đến toàn nền kinh tế. Sử dụng công cụ tín dụng cần có sự chọn lọc nhất định, vốn cần được bơm vào các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cụ thể từ Covid-19 (du lịch, xuất khẩu nông sản...). Vẫn có nguy cơ vốn rò rỉ sang lĩnh vực khác hoặc ngành khác, do đó, cơ quan nhà nước nên đặc biệt thận trọng trong việc sử dụng các công cụ vĩ mô. Trong bối cảnh hiện tại, tôi cho rằng các giải pháp vi mô sẽ mang lại hiệu quả và cần thiết hơn.

TS Đặng Kim Sơn - chuyên gia nông nghiệp: Thay đổi phương cách buôn bán, tư duy về khách hàng

Tôi nghĩ tăng trưởng GDP quý I/2020 sẽ không thể đạt được mức dự báo ban đầu. Vấn đề lo lắng nhất của nông sản Việt Nam và người nông dân trước những tác động do Covid-19 vẫn là thị trường. Đại dịch Covid-19 tác động tới nông nghiệp theo 2 hướng:

Thứ nhất là cầu. Hiện tại thị trường gần nhất và lớn nhất của chúng ta là Trung Quốc bị tác động trực diện từ Covid-19, khiến cầu của thị trường sẽ trở về với những sản phẩm cơ bản như lương thực, thực phẩm và bỏ qua những sản phẩm khác như rau quả... Như vậy, tác động tới trái cây, rau đã nhãn tiền. Nhu cầu giảm thêm một lần nữa từ những ảnh hưởng do việc buôn bán cũng bị hạn chế như chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ ngưng trệ khiến cho cầu giảm. Trong khi đó, giao thương bị gián đoạn do dịch bệnh, sự “ngăn sông cấm chợ” khiến chi phí giao dịch cao, mặt hàng tươi sống của Việt Nam khó khâu bảo quản.

Thứ hai, tiêu dùng trong nước trong ngắn hạn không thể thay đổi ngay được để tiêu thụ lượng lớn hàng dư thừa do không xuất khẩu được. Chưa tính đến dịch bệnh, ngành nông nghiệp đã dự báo năm 2020 sẽ là năm khó khăn. Minh chứng là dịch tả lợn châu Phi khiến cho người chăn nuôi lao đao trong năm 2019, đến năm 2020 vẫn còn rất nhiều tác động khác như khó khăn kỹ thuật, tái đàn, vốn… Hay như năm nay, nông nghiệp đương đầu với hạn hán của sông Mekong, lâu lắm không diễn ra tình trạng này.

Quan niệm coi Trung Quốc là thị trường dễ tính là tư duy sai lầm. Ở vùng lõi nằm dọc khu vực phía đông của Trung Quốc, người tiêu dùng có nhu cầu và đặt ra tiêu chuẩn không kém gì các quốc gia Đông Bắc Á. Còn hàng hóa, nông sản Việt Nam chủ yếu phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng ở Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây. Đó là những vùng nông thôn.

Đại dịch Covid-19 nổi lên đã che mất những tác động đó, nhưng về cơ bản vẫn là những khó khăn phải vượt qua. Như vậy, khó khăn chồng khó khăn và có thể nói chúng ta khó lạc quan về nông nghiệp trong năm nay.

Người nông dân không thể mãi trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước, với những hỗ trợ tạm thời như khoanh vốn, giảm thuế, mở kênh phân phối… Về dài hạn cần có những giải pháp căn cơ như đa dạng hóa thị trường, xây dựng chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến tiêu thụ cuối cùng, chuyển sản xuất manh mún sang quy mô lớn… Tất cả đều là những vấn đề đã được nhắc đến rất nhiều mà chưa làm được. Chính những rào cản từ Trung Quốc như dịch bệnh, yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ ngày càng thắt chặt về chất lượng, tiêu chuẩn đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi phương cách buôn bán, tự nâng cao chất lượng hàng hóa.

Ở Trung Quốc, người ta đang áp dụng mạnh mẽ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp. Ngay cả những vùng xa xôi, hẻo lánh cũng đã tiến hành mua bán trực tuyến qua Internet. Khách hàng ngày hôm nay đã không còn là khách hàng của ngày hôm qua nữa. Quan niệm coi Trung Quốc là thị trường dễ tính, rẻ tiền, không yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm là tư duy sai lầm. Ở vùng lõi nằm dọc khu vực phía đông của Trung Quốc, người tiêu dùng có nhu cầu và đặt ra tiêu chuẩn không kém gì các quốc gia Đông Bắc Á. Còn hàng hóa, nông sản Việt Nam vẫn xuất qua cửa khẩu tiểu ngạch, chủ yếu phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng ở Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây. Đó là những vùng nông thôn của Trung Quốc.

 Nhiều mặt hàng xuất khẩu bị ùn ứ tại các cửa khẩu Việt - Trung

Nhiều mặt hàng xuất khẩu bị ùn ứ tại các cửa khẩu Việt - Trung

Tôi nghĩ đã tới lúc chúng ta phải thay đổi về phương cách buôn bán và tư duy về khách hàng. Nhà nước và các doanh nghiệp lớn phải mở rộng, đa dạng hóa thị trường. Không thể để xảy ra tình trạng không chỉ nông sản, mà vật tư đầu vào phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Ở thị trường Trung Quốc, chúng ta phải tiến vào thị trường cốt lõi, nội địa và cao cấp. Đó mới là thị trường lâu dài. Như vậy, chúng ta phải tính tới bài toán xuất khẩu nông sản Việt Nam bằng đường thủy với đòi hỏi phải có chuỗi lạnh, tức là hàng hóa đi từ xe lạnh, sang container lạnh, xuống tàu lạnh, phải di chuyển liên tục để tới đích trong thời gian ngắn nhất.

Ở đây, tôi nghĩ vai trò đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Công Thương phải làm tốt câu chuyện phát triển thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải làm tốt công tác phòng chống bệnh dịch. Trên nền tảng đó, chúng ta mới có chính sách, quy hoạch vùng, kịch bản phòng vệ để phát triển thị trường một cách bài bản. Khi đó, tiền của Nhà nước và tiền của nhân dân mới được sử dụng hiệu quả, thay vì các gói giải cứu ngắn hạn như hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch Công ty CP Bagico: Không phải đến lúc có dịch bệnh mới gặp khó

Hai thị trường chính của Trung Quốc là thị trường truyền thống (chợ dân sinh) và thị trường siêu thị, thương mại điện tử. Trong đó, thị trường truyền thống là phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả vì Covid-19. Đối với hàng rau quả nói riêng và nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc nói chung, phương thức truyền thống của Việt Nam là xuất tươi và xuất bằng đường bộ sang các chợ truyền thống, chợ bán buôn của Trung Quốc. Do đó, việc cửa khẩu Việt - Trung tạm ngừng trệ trong những ngày qua do Covid-19 chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Ngoài ra, do phần lớn nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời điểm hiện tại là 3 loại trái cây: dưa hấu, thanh long và mít. Các loại trái cây này khi xuất sang thị trường Trung Quốc chủ yếu tập trung tại chợ bán buôn Giang Nam, Quảng Châu. Để bảo đảm công tác kiểm dịch, những chợ này cũng đã bị đóng cửa một thời gian. Như vậy, ngay cả khi cửa khẩu mở cửa thông thương, nếu chợ Giang Nam không hoạt động trở lại thì tình trạng ùn ứ hàng nông sản Việt Nam vẫn chưa giải quyết được.

Không phải đến lúc có dịch bệnh chúng ta mới gặp khó khăn về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nếu như thời gian qua không xảy ra dịch bệnh thì chúng ta vẫn vướng khi phải thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản, vì đến nay chúng ta vẫn “dậm chân tại chỗ” trong việc thực hiện các quy định này. Vấn đề nằm ở chính sách, đến nay đã có quy định cụ thể nào về mã vùng, mã xưởng hay tem truy xuất nguồn gốc hay chưa? Chính sách cần phải làm kịp thời, làm nhanh hơn để hỗ trợ cho xuất khẩu nông sản.

Không phải đến lúc có dịch bệnh chúng ta mới gặp khó khăn về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nếu như thời gian qua không xảy ra dịch bệnh thì chúng ta vẫn vướng khi phải thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản, vì đến nay chúng ta vẫn “dậm chân tại chỗ” trong việc thực hiện các quy định này.

Mã vùng trồng nguyên liệu luôn cố định, không bao giờ thay đổi, nhưng đối với mã xưởng, chúng ta chưa có tiêu chuẩn công nhận. Ví dụ như kim ngạch xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn hằng năm rất cao, nhưng vì sao không có doanh nghiệp nào đầu tư xây dựng xưởng để sơ chế, chế biến? Nguyên nhân vì đầu tư xây dựng nhà xưởng mà một năm chỉ làm 1-2 tháng mùa vụ sẽ không hiệu quả kinh tế. Nếu chúng ta có những tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các xưởng chế biến lưu động, như vậy các xưởng sẽ có thể tháo dời lưu động, ví dụ như làm 2 tháng ở Lục Ngạn, hết mùa vải lại di dời sang các vùng trồng nhãn để làm tiếp hoặc tới các vùng khác nữa.

Cũng phải nói thêm rằng, thế giới luôn mong muốn bán được hàng cho Trung Quốc, đặc biệt là nông sản. Vì vậy, chúng ta đừng nghĩ đến việc bài xích Trung Quốc mà phải làm sao có thể thâm nhập, chiếm lĩnh được thị trường lớn này và có đủ năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác. Hiện nay, thương mại điện tử của Trung Quốc đã phát triển nhưng những mặt hàng xuất khẩu của chúng ta vẫn còn kém về chất lượng, mẫu mã thì sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Nếu làm tốt chúng ta sẽ không còn tình trạng giải cứu hàng nông sản ở biên giới nữa. Càng hỗ trợ thì hệ lụy sẽ càng lớn.

Đức Minh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/loi-di-nao-cho-xuat-khau-trong-dai-dich-covid-19-564700.html