Lối đi nào cho kinh tế kiểu 'truyền thống'?

Hà Nội từng đưa ra ý tưởng quy định taxi phải sơn đồng màu. Tôi chợt nghĩ nếu Thủ đô văn hiến, hay một số thành phố có một hệ thống kiểu như 'taxi đen' ở London - cạnh tranh bằng chất lượng, bằng văn hóa chứ không đơn thuần ở giá cả. Khi đó, thay vì ủng hộ taxi công nghệ như hiện tại, rất nhiều người chuyển qua ủng hộ taxi truyền thống. Bởi lĩnh vực nào cũng thế, luôn có nhiều phân khúc khách hàng.

Một góc chợ gốm Bát Tràng.

Nếu đến làng Bát Tràng ăn cỗ cưới, nhiều người sẽ nhận ra, nhiều đám sử dụng toàn bát, đĩa... Trung Quốc. Trung tâm gốm lớn nhất miền bắc, lâu đời nhất cả nước, đôi khi lại sử dụng đồ gốm nhập ngoại!

Hẳn nhiều người sẽ rất ngạc nhiên. Song, đó là câu chuyện của thời đại "ngôi làng toàn cầu", doanh nghiệp, hàng hóa Việt phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của những doanh nghiệp nước ngoài. Khi bước vào thời đại công nghiệp 4.0, là sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài có sự phát triển cao hơn về công nghệ. Điển hình là cạnh tranh giữa taxi kiểu "truyền thống", và taxi công nghệ.

Ngay khi đặt chân đến Việt Nam, những hãng taxi công nghệ như Grab, Uber đã đem đến hứng khởi cho người dùng. Không còn nỗi lo xe chạy vòng vèo. Không còn nỗi lo đồng hồ tính giá cước sai. Tất cả đều được báo sẵn trên điện thoại thông minh. Thậm chí khách chỉ cần "chạm" vào ứng dụng trên smartphone, tài xế sẽ tự liên lạc và đến đón. Dễ hiểu, taxi công nghệ nhanh chóng đẩy nhiều hãng taxi kiểu truyền thống vào "cửa tử".

Taxi kiểu truyền thống không chịu ngồi yên. Một số hãng khiếu nại với nhà quản lý về cung cách hoạt động của taxi công nghệ. Còn hãng taxi công nghệ Grab đang bị kiện...

Hiện tại, Grab đang gặp nhiều bất lợi. Bộ Giao thông vận tải trình dự thảo Nghị định 86, yêu cầu quản lý taxi công nghệ như taxi thông thường. Còn vụ kiện, TAND TP Hồ Chí Minh chưa đưa ra phán quyết, song Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hồ Chí Minh cho rằng Grab có những vi phạm trong hoạt động vận tải và khuyến mại, yêu cầu Grab phải bồi thường cho Vinasun hơn 41 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù kết quả như thế nào đi chăng nữa, đó thật ra mới là khởi đầu của những câu chuyện dài hơn - va chạm giữa những phương thức kinh doanh mới, với các hình thức sản xuất, kinh doanh kiểu truyền thống.

Trở lại câu chuyện của gốm Bát Tràng, tôi đã trao đổi với nhiều nghệ nhân "làng Bát". Họ cho biết, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc ứng dụng dây chuyền máy móc, tăng năng suất lao động. Bát Tràng không thể cạnh tranh với hàng gốm sứ Trung Quốc "nhiều, nhanh, rẻ". Thế mạnh của Bát Tràng chính là tay nghề. Phần lớn lò gốm Bát Tràng "bỏ qua" phân khúc gốm gia dụng bình dân và hướng đến phân khúc trung, cao cấp trong cả hàng nội địa lẫn xuất khẩu. Lựa chọn hướng đi này giúp Bát Tràng là một trong những ngôi làng giàu có nhất cả nước.

Cũng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, nhiều nghệ nhân ở làng mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội) bảo rằng, đồ mây tre đan của Việt Nam rất khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc, vì họ áp dụng nhiều máy móc vào sản xuất. Nếu muốn cạnh tranh, chỉ còn hai cách: Một là, cũng áp dụng máy móc tăng năng suất loại hàng phổ thông; hai là, hướng tới "hàng kỹ" - hàng cao cấp, thể hiện cái tài, cái khéo của người nghệ nhân.

Vinasun hay các hãng taxi truyền thống khác có thể thắng Grab ở tòa án. Nhưng sự thật thì, từ lâu, phần lớn các hãng taxi truyền thống đã thất bại trong chinh phục tình cảm của người tiêu dùng. Vụ kiện cáo, rồi những thay đổi phương thức quản lý của Nhà nước có thể sẽ "kéo" giá dịch vụ của kiểu vận chuyển như Grab sẽ tăng lên. Song, cảm tình của người tiêu dùng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến lựa chọn của họ trong tương lai.

Dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải đối mặt với những phương thức làm ăn mới có nhiều hàm lượng kỹ thuật, công nghệ hơn, có ưu thế hơn. Muốn tồn tại thì phải thích ứng. Taxi truyền thống, có thể cải tổ để tiết kiệm nhân lực, bổ sung những phần mềm gọi xe, nâng cao chất lượng, giảm giá thành. Cách thứ hai, chính là cách người Bát Tràng đã thực hiện. Thay vì đối đầu với taxi công nghệ về giá, cạnh tranh với họ bằng chất lượng.

Hẳn nhiều người biết đến Thủ đô London có những chiếc taxi màu đen. Để trở thành tài xế "taxi đen", người ta phải học từ hai đến bốn năm, phải thuộc lịch sử hàng nghìn con đường, với hàng trăm nghìn địa điểm, phải trải qua một kỳ thi cực kỳ hóc búa. Bước lên taxi đen, nghĩa là khách hàng đang được đồng hành với một cuốn "bách khoa thư" sống về Thủ đô London. Khi taxi công nghệ "tấn công" London, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng những chiếc "taxi đen" lịch lãm vẫn có lượng khách hàng riêng, và được rất nhiều người bảo vệ. "Taxi đen" không phải là phương tiện vận chuyển nữa. Nó giống như một biểu tượng văn hóa. Bởi thế, khi Uber bị cấm hoạt động ở London, có người tiếc rẻ, nhưng lại có nhiều người đồng tình vì họ muốn giữ "taxi đen".

Hà Nội từng đưa ra ý tưởng quy định taxi phải sơn đồng màu. Tôi chợt nghĩ nếu Thủ đô văn hiến, hay một số thành phố có một hệ thống kiểu như "taxi đen" ở London - cạnh tranh bằng chất lượng, bằng văn hóa chứ không đơn thuần ở giá cả. Khi đó, thay vì ủng hộ Grab như hiện tại, rất nhiều người chuyển qua ủng hộ taxi truyền thống. Bởi lĩnh vực nào cũng thế, cũng luôn có rất nhiều phân khúc khách hàng.

TUỆ MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/38058202-loi-di-nao-cho-kinh-te-kieu-truyen-thong.html