Lời cảnh tỉnh từ biến thể Omicron: Thế giới cần chạy đua lấp đầy khoảng cách vaccine

Nếu như cách đây chỉ một tháng, đại dịch Covid-19 có dấu hiệu cải thiện và nhiều nước đã bắt đầu tính đến chuyện sống chung an toàn với dịch bệnh thì sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã thổi bùng nỗi sợ hãi trên khắp thế giới.

Bên cạnh thắt chặt kiểm soát biên giới và tăng cường các lớp bảo vệ của vaccine, thế giới cũng đang chạy đua nhằm lấp đầy khoảng cách vaccine. Theo Liên Hợp Quốc, chấm dứt sự bất bình đẳng cũng là chấm dứt đại dịch.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Sau Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Pháp, Thổ Nhĩ hôm qua (18/12) trở thành quốc gia mới nhất cam kết cung cấp 15 triệu liều vaccine cho châu Phi. Trái ngược với tình trạng thiếu vaccine diễn ra trong suốt cả năm, thời gian gần đây, châu lục này đã nhận được khoảng 2 triệu liều vaccine mỗi tuần và dự kiến sẽ nhận được từ 800 triệu đến gần 1 tỷ liều vaccine thông qua cơ chế COVAX trước cuối năm nay hoặc trong quý I/2022.

Cũng giống như Delta, khi biến thể Omicron xuất hiện, các nhà khoa học đều nhấn mạnh rằng không nước nào có thể thoát khỏi đại dịch chỉ bằng cách tập trung bảo vệ công dân nước mình. Điều này càng được thể hiện rõ trên vấn đề tiêm chủng. Những chính sách như đẩy mạnh tiêm tăng cường ở các nước giàu sẽ chỉ càng làm gia tăng sự bất bình đẳng vaccine trong khi đây chính là điều góp phần khiến biến chủng mới hình thành ở phía nam châu Phi.

Giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức Y tế thế giới Matshidiso Rebecca Moeti cảnh báo: "Châu Phi hiện chính thức ở trong làn sóng thứ tư của đại dịch và nguyên nhân một phần là do biến thể Omicron. Số trường hợp mắc mới tại châu Phi đã tăng 83% so với tuần trước và đây cũng là mức tăng nhanh nhất được ghi nhận kể từ tháng 5 năm ngoái”.

Tới nay, 44,3% dân số thế giới đã tiêm vaccine đầy đủ, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 70 - 80% . Trong số này phần lớn là người dân ở các nước nước giàu và chỉ 0,6% nguồn cung vaccine toàn cầu được chuyển tới các nước thu nhập thấp. Ước tính, hơn 80% trong tổng số 1,2 tỷ người ở châu Phi vẫn chưa nhận được bất kỳ mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19 và mới chỉ có 8% được chủng ngừa đầy đủ.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mới đây lo ngại: "Chiến lược tích trữ vaccine đã thất bại và biến thể Omicron đã chứng minh điều này. Vì vậy, tôi hy vọng các quốc gia hiểu rằng từ bây giờ, chúng ta cần phải có một cách tiếp cận công bằng để giải quyết đại dịch, nếu không tất cả đều sẽ trở thành nạn nhân”.

COVAX, sáng kiến của Liên Hợp Quốc nhằm phân phối vaccine cho những nước nghèo nhất thế giới, đang gặp khó khăn lớn. Thiếu kinh phí trong giai đoạn đầu và thiếu cam kết từ nước phát triển, COVAX sẽ chỉ đạt chưa đầy một nửa mục tiêu phân phối 2 tỷ liều trong năm 2021.

Trong khi đó, vấn đề khiến tỷ lệ tiêm chủng ở các nước đang phát triển ở mức thấp không chỉ là việc nước giàu tích lũy vaccine, mà còn liên quan công tác phân phối như năng lực bảo quản, thiếu nhân lực hay thậm chí là cả ống tiêm. Lo ngại lớn nhất lúc này là virus có thể gây ra lây nhiễm mãn tính trong cộng đồng bị suy yếu hệ miễn dịch. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là "lò ấp" hoàn hảo cho các đột biến mới trong tương lai./.

Thu Hoài/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/loi-canh-tinh-tu-bien-the-omicron-the-gioi-can-chay-dua-lap-day-khoang-cach-vaccine-post912804.vov