Lời cảnh báo về biến đổi khí hậu từ thảm họa cháy rừng ở Australia

Cháy rừng diễn biến xấu khiến hàng trăm trường học phải đóng cửa và giới chức yêu cầu cư dân ở những vùng giáp rừng sơ tán tới những khu vực trung tâm thành phố để tránh nguy hiểm.

Hiện trường vụ cháy rừng tại Bobin, cách Sydney (Australia) 350km về phía bắc, ngày 9/11/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Hiện trường vụ cháy rừng tại Bobin, cách Sydney (Australia) 350km về phía bắc, ngày 9/11/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Giới chức Australia cảnh báo nhiệt độ tăng cao và gió mạnh vượt mức dự báo "thảm khốc", trong bối cảnh hàng triệu người dân ở vùng duyên hải phía Đông quốc gia này đang chống chọi với thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong ít nhất một thập niên qua.

Hai bang Queensland và bang New South Wales (NSW) đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Chỉ huy RFS của bang NSW, ông Shane Fitzsimmons, kêu gọi người dân sơ tán sớm, khi chưa phải đối mặt với sức ép thực sự của ngọn lửa. Chính quyền địa phương cảnh báo ngay cả những ngôi nhà kiên cố cũng có thể không chống chịu nổi trong các điều kiện thảm họa.

Từ ngày 5/11, các nhà chức trách đã nâng cảnh báo thành phố Sydney phải đối mặt với tình trạng cháy rừng nghiêm trọng và lần đầu tiên thành phố này bị tăng mức cảnh báo kể từ năm 2009 sau đợt cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử Australia. Khói mù đã bao phủ bầu trời Sydney từ sáng sớm 11/11.

Với dân số hơn 5 triệu người, Sydney có nhiều vùng bụi rậm rộng lớn, đa số đang rất khô sau nhiều tháng không hề có mưa ở toàn khu vực bờ biển phía Đông này.

Khói mù từ các đám cháy rừng tại khu vực giáp ranh giữa bang Queensland và New South Wales khiến chất lượng không khí tại thành phố Brisbane lớn thứ ba của Australia xuống mức thấp đáng báo động. Theo thông tin từ Cục Khí tượng học Australia, phần lớn khói mù tại khu vực thành phố Brisbane và Gold Coast là do đám cháy rừng tại khu vực giáp ranh giữa bang Queensland và NSW.

Tình trạng ô nhiễm sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ người dân của thành phố và lượng khói mù lớn này chưa có dấu hiệu sẽ tan nhanh. Lượng bụi mịn PM10 tại thành phố Brisbane đo được ở mức 50µg/m, cao gấp đôi chỉ số 25µg/m cho phép.

Lực lượng cứu hỏa Australia nỗ lực dập lửa cháy rừng tại Taree, cách Sydney 350km về phía bắc, ngày 9/11/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cháy rừng diễn biến xấu khiến hàng trăm trường học phải đóng cửa và giới chức yêu cầu cư dân ở những vùng giáp rừng sơ tán tới những khu vực trung tâm thành phố để tránh nguy hiểm.

Khói do cháy rừng không chỉ bao phủ bầu trời nhiều thành phố lớn của Australia, mà còn bay tới các nước láng giềng như New Zealand, Vanuatu...

Trước tình hình này Chính phủ New Zealand thông báo sẽ tăng cường lính cứu hỏa tới Australia để hỗ trợ nước này đối phó với thảm họa cháy rừng.

Cháy rừng là mối lo ngại thường trực ở Australia trong mùa Hè nóng và khô, nhưng năm nay các đám bùng phát sớm hơn với sức tàn phá mạnh hơn. Các đám cháy bùng phát trong điều kiện thời tiết cực kỳ khô nóng bởi một số vùng của các bang Queensland và NSW đã trải qua tình trạng hạn hán trong suốt 3 năm qua mà các chuyên gia cho là tác động của biến đổi khí hậu.

Từ đầu tháng Mười đến nay, chỉ riêng ở bang NSW, cháy rừng thiêu rụi hơn 850.000 ha. Năm 2009, trận cháy tồi tệ nhất đã phá hủy hàng nghìn ngôi nhà ở bang Victoria, làm 173 người thiệt mạng và 414 người bị thương trong một ngày./.

H.Hà/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/loi-canh-bao-ve-bien-doi-khi-hau-tu-tham-hoa-chay-rung-o-australia/140037.html