Lời cảnh báo sau vụ một bé trai tử vong vì bỏng nước sôi

Chỉ bị bỏng ở đùi và cẳng chân phải, nhưng một bé trai 9 tháng tuổi ở Bắc Giang đã tử vong do sai lầm đáng tiếc của gia đình khi cho cháu bé đắp thuốc lá không rõ nguồn gốc của thầy lang gần nhà mà không đến viện. Vết bỏng bị nhiễm trùng, cháu bé bị sốc nhiễm khuẩn nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu.

Đây không phải là trường hợp hy hữu mà đã có nhiều trường hợp tử vong hoặc suýt mất mạng do bị bỏng nhưng không đến viện mà tự chữa ở nhà, hoặc đắp thuốc lá của thầy lang.

Những cái chết oan

Chia sẻ về ca bệnh đáng thương ở Bắc Giang, TS.BS Lê Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chống độc Nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Ngày 14-3, chúng tôi nhận điện báo từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang về trường hợp của cháu bé sau 4 ngày đắp thuốc lá của thầy lang, cháu có diễn biến xấu, sốt cao, nổi ban rải rác toàn thân, li bì, hôn mê, phù tăng lên, kém ăn nên gia đình mới đưa bé đi viện. Khi được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, cháu bị sốc nhiễm khuẩn nặng, rơi vào trạng thái ngừng tuần hoàn. Các bác sĩ đã xử trí sốc nhiễm khuẩn và cấp tốc chuyển cháu lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Nhưng khi cháu được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương (2h30’ ngày 14-3) thì cháu đã tím tái, ngừng tim. Các bác sĩ khẩn trương tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, nhưng trẻ không đáp ứng. Vào 3h cùng ngày, bệnh nhi không qua khỏi.

Cách đây không lâu, Viện Bỏng Quốc gia cũng tiếp nhận và cấp cứu 1 bệnh nhi 2 tuổi từ Nam Định chuyển lên. Cháu bé chỉ bị bỏng nước sôi vùng thân và chi sau (10% diện tích cơ thể), nhưng gia đình tự điều trị tại nhà bằng thuốc uống và thuốc bôi không rõ nguồn gốc. 8 ngày tự điều trị, cháu sốt cao, mệt nhiều, thở ậm ạch, vùng bỏng thấm dịch nhiều, gia đình mới đưa cháu đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, nhưng do tình trạng bệnh nhân quá nặng, diễn biến xấu dần, nên bệnh viện đã chuyển cháu đến Viện Bỏng Quốc gia. Nhưng do cháu đã rơi vào sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng nặng, hôn mê sâu…, không còn khả năng cứu chữa và gia đình xin cho cháu về. Đây là một trường hợp tử vong quá đau lòng vì diện tíchbỏng không quá rộng.

Một ca phẫu thuật cho bệnh nhân bị bỏng tại Viện Bỏng Quốc gia.

Một ca phẫu thuật cho bệnh nhân bị bỏng tại Viện Bỏng Quốc gia.

Tuyệt đối không tự làm “bác sĩ”

Tôi đã gặp một số phụ huynh có con bị bỏng điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia, họ đều ân hận khi không cho con đến viện điều trị, mà tự làm “bác sĩ” hoặc tìm đến thầy lang. Anh Hà Văn Cương (Thường Tín, Hà Nội) là một ví dụ. Con trai anh Cương bị bỏng do ngã vào nồi canh vừa sôi, bỏng 30% diện tích cơ thể.

Thay vì đưa con ngay tới bệnh viện, anh lại tìm đến thầy lang gần nhà. Sau 3 ngày đắp lá, cháu Bảo bị co giật, sốc, gia đình đưa tới bệnh viện gần nhà cấp cứu. Bác sĩ nói cháu bị nhiễm trùng máu, phải thở ôxy. Ngay sau đó, cháu được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch, huyết áp tụt sâu, co giật, ngừng tim. “Cháu phải lọc máu, thở oxy, tim ngừng mấy lần nhưng may cứu được. Bác sĩ nói trường hợp của cháu rất nặng, khó qua khỏi”, anh Cương cho chúng tôi biết.

Sau đó, cháu được chuyển đến Viện Bỏng Quốc gia để điều trị tiếp. Chia sẻ với tôi, anh nói: “Em vô cùng ân hận, chỉ vì sai lầm của mình mà con nguy hiểm tới tính mạng. Vào Viện Bỏng, cháu phải Điều trị Hồi sức nhiều ngày khi biến chứng vào phổi, ngừng tim 2 lần, một số bộ phận bị hoại tử, tiếp tục lọc máu và thở máy. Sau 3 lần phẫu thuật cấy ghép da, hơn 1 tháng điều trị hồi sức, con mới thoát khỏi lưỡi hái tử thần”. Được biết, đây là trường hợp bị biến chứng rất nặng sau đắp thuốc lá chữa bỏng được cứu sống. Tuy nhiên, anh Cương cho biết, cháu phải điều trị phục hồi chức năng gần 1 năm mới tạm ổn định.

Theo Viện Bỏng Quốc gia, trẻ em chiếm khoảng 50% tổng số nạn nhân bỏng, trong đó lứa tuổi từ 1-5 chiếm khoảng 50 – 60% số trẻ em bị bỏng. Đây là lứa tuổi trẻ rất hiếu động, thích khám phá tìm hiểu xung quanh nhưng lại chưa ý thức và chưa có khả năng phòng tránh các mối nguy hiểm. Trẻ em khi bị bỏng dù diện tích nhỏ cũng có thể gây rối loạn toàn thân, diễn biến bệnh bỏng thường phức tạp hơn, quá trình điều trị cũng gặp khó khăn hơn người lớn do các cơ quan chưa hoàn thiện.

Ở trẻ nhỏ, diện bỏng từ 10% diện tích cơ thể là bỏng nặng, vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị đúng cách.

Theo TS.BSLê Ngọc Duy, các bác sĩ đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng nhiễm trùng nặng vết bỏng, thậm chí ảnh hưởng tính mạng do đắp lá thuốc điều trị nhưng vẫn còn rất nhiều người quá tin tưởng vào tác dụng kỳ diệu của phương pháp này.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên tự ý điều trị cho con bằng các loại thuốc lá, các loại cây không rõ nguồn gốc. Nếu chẳng may bị bỏng, trước tiên cần cho bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, băng nhẹ hoặc che phủ vết thương bằng gạc, vải sạch rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí kịp thời.

Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/loi-canh-bao-sau-vu-mot-be-trai-tu-vong-vi-bong-nuoc-soi-634407/