Lời căn dặn nguyên giá trị

94 năm trôi qua, lịch sử và thực tiễn tiếp tục khẳng định tư tưởng, quan điểm, những lời chỉ dẫn, căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với báo chí cách mạng vẫn vẹn nguyên giá trị.

Nhà báo cách mạng - Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc (Ảnh tư liệu).

Phong cách nhà báo Hồ Chí Minh

Với mỗi người dân Việt Nam, Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ lỗi lạc, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, nhà văn hóa kiệt xuất, mà còn là nhà báo vĩ đại, ngọn bút sắc sảo, giàu tính chiến đấu, phong cách mẫu mực, phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống, có tính giáo dục cao.

40 năm với tư cách là nhà báo, làm chủ bút nhiều tờ báo và trực tiếp viết rất nhiều bài báo, Bác Hồ luôn nêu cao tinh thần của một nhà báo vô sản, cách mạng và chân chính; luôn quan tâm đề cao đạo đức của người làm báo, viết báo. Người đòi hỏi cán bộ báo chí cũng phải là những chiến sỹ cách mạng, là người cán bộ cách mạng.

Với người cán bộ cách mạng nói chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Nhà báo Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng sáng ngời về tinh thần chiến đấu, tính trung thực, cách thể hiện ngắn gọn, súc tích và mang đầy tính nhân văn cao cả. Đó là nét rất riêng, độc đáo, sáng tạo trong phong cách làm báo của Người, mãi mãi là tấm gương sáng để những người làm báo học tập và noi theo.

Theo quan niệm của Bác, những người làm báo gồm: người viết, người in, người sửa bài, người phát hành. Lúc thì Bác dùng khái niệm “nhà báo”, lúc thì dùng khái niệm “người làm báo”, nhưng khái niệm chung nhất Bác thường dùng là “cán bộ báo chí”. Vấn đề hàng đầu Người đòi hỏi những người cán bộ báo chí là phải có đạo đức tốt đẹp và trong sáng: “... Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động...” hay: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.

Người chia sẻ: “Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm”. Dù đối tượng cụ thể đó là ai thì họ vẫn là nhân dân, là quần chúng cách mạng nên tính quần chúng là điều báo chí phải hết sức coi trọng. Bởi thế, trong mỗi bài báo Bác viết, đều hết sức ngắn gọn, cô đọng, súc tích, văn phong giản dị, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, không dài dòng, sáo rỗng.

Tuy nhiên, ngắn gọn không có nghĩa là “cụt lủn” mà là “gọn gàng, sáng sủa, mạch lạc, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn”, “chớ lạm dụng chữ”, “đánh đố quần chúng”, “sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”... Cách viết như vậy, là biểu hiện đặc trưng phong cách báo chí của Người, vừa đậm đà tính dân tộc, vừa giàu tính hiện đại; vừa chứa chan tính quần chúng, vừa hừng hực tinh thần chiến đấu, có giá trị lý luận và thực tiễn cao, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nhà báo chiến sĩ noi gương nhà báo Hồ Chí Minh

Trước thềm kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2019), Báo Quân đội nhân dân kết hợp với một số đơn vị tổ chức Tọa đàm với nội dung “Nhà báo chiến sĩ noi gương nhà báo Hồ Chí Minh”.

Trải qua các thời kỳ, báo chí Quân đội luôn giữ vững tôn chỉ, mục đính trong quá trình tác nghiệp; không ngả nghiêng trước sự chống phá của các thế lực thù địch và ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường.

Đồng thời, khẳng định những kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của đội ngũ nhà báo trong Quân đội; kịp thời động viên đội ngũ nhà báo chiến sĩ tiếp tục phát huy truyền thống, tôi luyện “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng Nguyễn Kim Tôn, Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội khẳng định: Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh và đặt nền móng vững chắc cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí cách mạng Việt Nam luôn hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang, xứng đáng là “công cụ sắc bén” của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của quần chúng nhân dân; góp phần quan trọng vào những thành công to lớn của sự nghiệp cách mạng qua các giai đoạn lịch sử dân tộc.

Nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương

Nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương

Nhắc đến quan điểm của Bác về tư cách người làm báo: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương phân tích, nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng. Có nghĩa là, đạo đức số 1 của những người làm báo phải là dùng cây bút, trang giấy làm vũ khí sắc bén chiến đấu cho mục đích vẻ vang của cách mạng, chứ không phải làm báo là để “lưu danh thiên cổ”, “muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn”.

Nhấn mạnh, Quân đội nhân dân có nhiệm vụ cao cả là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lợi ích tối cao của Nhân dân nên theo nhà báo Hà Đăng, một nhà báo quân đội, trong khi đề cập tới việc rèn luyện phẩm chất đạo đức nhà báo nói chung, trước hết phải tự mình rèn luyện để xứng đáng là một chiến sĩ quân đội, xứng đáng với danh hiệu Bộ đội cụ Hồ. Phẩm chất đạo đức cao quý nhất của Quân đội ta cũng là của từng chiến sĩ Quân đội như Bác Hồ đã dạy: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy, Phó Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân bày tỏ: “Theo Hồ Chí Minh, tất cả những người cầm bút viết báo đều là chiến sĩ đấu tranh cho chính nghĩa, giúp người ngay thẳng, chân chính, phê phán thói hư, tật xấu, cái phi nghĩa, trừ diệt kẻ gian ác. Do đó, những lời dạy của Người đối với những người làm báo cũng là lời dạy đối với nhà báo chiến sỹ”.

Trung tá, nhà báo Lê Quang Huy, Trưởng phòng thời sự Truyền hình, Trung tâm phát thanh truyền hình quân đội, chia sẻ: “Theo tôi, đó là phải học phong cách, học tư tưởng, học đạo đức về làm báo và điều đặc biệt nhất là phải học được khả năng tự học, rèn được khả năng tự rèn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm báo suốt cuộc đời. Trong thời đại ngày nay, “cơn sóng thần số hóa” thay đổi luôn cách chúng ta làm báo, đòi hỏi nhà báo phải có thêm hàng trăm kỹ năng mới, rất nhiều các kỹ năng phải học, phải thay đổi hàng ngày, nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi đó chính là cái Tâm và phẩm chất của nhà báo cách mạng như tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Vân Nhi

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/loi-can-dan-nguyen-gia-tri-post28594.html