Lợi bất cập hại phương pháp sinh con 'thuận tự nhiên'

Phương pháp sinh con thuận tự nhiên gây xôn xao dư luận mấy ngày qua đang được các chuyên gia y tế phản bác là phương pháp phản khoa học. PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khẳng định 'Chúng ta tôn trọng tự nhiên nhưng không phải chấp nhận mọi tự nhiên vì tự nhiên luôn ẩn chứa nhiều điều bất thường'.

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Lợi bất cập hại phương pháp sinh con thuận tự nhiên

Mới đây trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh và thông tin chia sẻ của một bà mẹ ở Hưng Yên kể về quá trình sinh con thuận tự nhiên tại nhà, tự tay đỡ đẻ, không tiêm phòng, không cắt rốn, da kề da liên tục trong bốn giờ sau sinh. Kèm theo bài viết là hình ảnh đi kèm, chụp toàn bộ phần nhau thai được đựng trong chiếc chậu, dính liền với cơ thể bé thay vì được cắt ngay sau khi sinh như các ca thông thường.

Chiều 14-3, trên mạng xã hội lan truyền thông tin một sản phụ tự sinh tại nhà theo phương pháp sinh thuận tự nhiên đã tử vong cả mẹ lẫn con. Nguyên nhân là sản phụ này đã tham gia một lớp tập huấn về sinh con thuận tự nhiên với chi phí 15 triệu đồng. Trong quá trình chuyển dạ, mẹ kiệt sức, con bị ngạt không được sơ cấp cứu kịp thời nên dẫn đến cả hai mẹ con bị tử vong.

Liên quan đến sự việc trên ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, Vụ đã nắm được thông tin qua mạng xã hội. Ngay chiều nay, 14-3, Vụ đã có công văn gửi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Từ Dũ yêu cầu xác minh, báo cáo sự việc nêu trên, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các sai phạm nếu có theo quy định hiện hành. Báo cáo này sẽ phải gửi về Bộ trước 16 giờ ngày 15-3. Sáng mai, ngày 15-3, ông Nguyễn Đức Vinh và lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ sẽ có buổi gặp mặt báo chí, thông tin chi tiết về vụ việc này.

Nội dung sinh con tại nhà, không cắt dây rốn được bà mẹ chia sẻ trên mạng xã hội. (Ảnh: Facebook)

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Hoài Đức, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình khẳng định, sinh con theo phương pháp tự nhiên là phản khoa học, đặc biệt việc không cắt dây rốn cho trẻ không khác gì thời "trung cổ". Việc sinh tại nhà, sản phụ sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ tai biến như băng huyết, mất tim thai, đờ tử cung, nhiễm trùng, hậu sản… Đặc biệt, những sản phụ mang thai bất thường như thai to, ngôi ngược, rau bám tiền đạo hoặc thai bị tràng hoa quấn cổ nếu thuận theo tự nhiên sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng cả hai mẹ con.

TS Đức cũng nhấn mạnh, việc không bảo đảm vệ sinh, không vô khuẩn, không tiêm trùng uốn ván cho con rất nguy hiểm bởi sẽ bị tăng nguy cơ nhiễm trùng, dẫn tới nhiễm trùng huyết, rất nguy hiểm cho tính mạng.

Y học sản khoa hiện đại sẽ xử trí những bất thường của cuộc đẻ tự nhiên

Mang câu chuyện sinh con "thuận tự nhiên" trao đổi với chuyên gia sản khoa đầu ngành - PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, cuộc vượt cạn của mỗi bà mẹ đều đứng trước ngưỡng cửa nguy hiểm. “Chúng ta tôn trọng tự nhiên nhưng không phải chấp nhận mọi tự nhiên vì tự nhiên luôn ẩn chứa nhiều điều bất thường. Cuộc vượt cạn luôn có nhiều rủi ro và không phải cuộc đẻ nào cũng thuận theo tự nhiên. Khi chuyển dạ không thuận theo tự nhiên, nếu không có kiến thức về sản khoa, không có y học hiện đại thì sẽ không thể xử trí những bất ngờ có thể xảy ra” – TS Ánh nói.

Y học sản khoa hiện đại sẽ theo dõi một thai sản tự nhiên để biết cuộc đẻ không còn thuận tự nhiên nữa. Các bác sĩ theo dõi tiến triển cuộc chuyển dạ, nghe tim thai, theo dõi sự giãn nở của tử cung, sức khỏe của người mẹ, sự biến chuyển của cơn co. Khi thấy những bất thường như rối loạn nhịp tim thai, vỡ ối suy tim thai, rối loạn quá trình chuyển dạ, hoặc có cuộc chuyển dạ tiến triển quá nhanh, đứa trẻ ra khỏi cơ thể mẹ như “xé rào” có thể làm vỡ tầng sinh môn, trực tràng… thì các bác sĩ sẽ có những tư vấn và xử trí sản khoa kịp thời để hạn chế thấp nhất những nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cả mẹ và con. Sản khoa hiện đại sẽ nắm bắt được những bất thường đó để giúp cuộc vượt cạn an toàn.

Trong các cuộc vượt cạn tự nhiên, để giúp các sản phụ có thể giảm đau trong lúc đẻ, y học sản khoa hiện đại có kỹ thuật đẻ kiểm soát, đẻ theo dõi, đẻ giảm đau… Sau sinh, các bác sĩ sẽ giúp các sản phụ phương pháp cho trẻ bú sớm sau sinh, phương pháp da kề da. Những đứa trẻ non tháng nếu có dấu hiệu thiếu vitamin K, các bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung sớm vitamin K cho bé, nhờ đó mà hằng năm giảm được hàng trăm cháu bị tai biến mạch máu não vì thiếu vitamin K.

TS Ánh cho biết, y học sản khoa hiện đại không phải can thiệp bừa bãi các trường hợp đang diễn biến thuận lợi. Vì sự can thiệp quá sâu sẽ làm tăng tỷ lệ mổ đẻ, tăng cuộc đẻ từ dễ thành khó. “Sản khoa hiện đại theo dõi tự nhiên chứ không can thiệp vào tự nhiên” – TS Ánh nhận định.

Hiện nay, việc sinh con tự nhiên vẫn diễn ra ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở khu vực miền núi cao hơn từ 3-4 lần so với khu vực đồng bằng và thành thị. Vì thế, nhiều năm qua, Bộ Y tế đặc biệt chú trọng đào tạo các cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số cho các vùng khó khăn, giúp những người phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận với các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh. Hiện nay, đã có 2.611 cô đỡ thôn bản hoạt động trong tổng số 8.165 thôn bản khó khăn. Cô đỡ thôn bản được coi là cánh tay nối dài của ngành y, giúp giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong con trong nhiều năm qua.

Bộ Y tế khuyến cáo không nên tự sinh con tại nhà

Ngày 6-3, Bộ Y tế đã ra văn bản khuyến cáo, mặc dù sinh đẻ là một quá trình sinh lý bình thường, nhưng khi mang thai, sinh đẻ, người phụ nữ phải đến cơ sở y tế để được quản lý thai, chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ và chăm sóc mẹ và con sau đẻ đúng theo quy trình chuyên môn. Việc sinh đẻ tại nhà, tự đẻ mà không có cán bộ y tế hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ, sinh con và theo dõi, chăm sóc sau sinh có thể dẫn đến những nguy cơ, tai biến trầm trọng như băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm trùng, mất tim thai, uốn ván sơ sinh, thậm chí tử vong mẹ và con…

Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tỉnh, thành phố thông tin, quán triệt đến các đơn vị trực thuộc có liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tăng cường công tác quản lý thai, chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ, chăm sóc sau sinh tại các địa phương, đặc biệt là tuyến cơ sở, nhằm hạn chế tối đa tình trạng đẻ tại nhà, tự đỡ đẻ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông, tuyên truyền vận động người dân tại địa phương đi khám thai và sinh đẻ tại cơ sở y tế, đặc biệt, tránh những hành vi có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ và em bé.

Bộ Y tế khuyến cáo không nên tự sinh con tại nhà

Ngày 6-3, Bộ Y tế đã ra văn bản khuyến cáo, mặc dù sinh đẻ là một quá trình sinh lý bình thường, nhưng khi mang thai, sinh đẻ, người phụ nữ phải đến cơ sở y tế để được quản lý thai, chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ và chăm sóc mẹ và con sau đẻ đúng theo quy trình chuyên môn. Việc sinh đẻ tại nhà, tự đẻ mà không có cán bộ y tế hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ, sinh con và theo dõi, chăm sóc sau sinh có thể dẫn đến những nguy cơ, tai biến trầm trọng như băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm trùng, mất tim thai, uốn ván sơ sinh, thậm chí tử vong mẹ và con…

Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tỉnh, thành phố thông tin, quán triệt đến các đơn vị trực thuộc có liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tăng cường công tác quản lý thai, chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ, chăm sóc sau sinh tại các địa phương, đặc biệt là tuyến cơ sở, nhằm hạn chế tối đa tình trạng đẻ tại nhà, tự đỡ đẻ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông, tuyên truyền vận động người dân tại địa phương đi khám thai và sinh đẻ tại cơ sở y tế, đặc biệt, tránh những hành vi có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ và em bé.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tieu-diem/item/35788602-loi-bat-cap-hai-phuong-phap-sinh-con-thuan-tu-nhien.html