Logistics Việt Nam thăng hạng: 'Trái ngọt' nhờ nỗ lực hoàn thiện thể chế

Từ vị trí thứ 64 cách đây hai năm, Việt Nam tăng 25 bậc lên vị trí thứ 39 toàn cầu trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu suất dịch vụ logistics (LPI) năm 2018, theo báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cuối tháng 7/2018. Đây là kết quả tốt nhất của Việt Nam kể từ năm 2007, khi WB lần đầu tiên công bố bảng xếp hạng này.

Chỉ số LPI của Việt Nam năm nay đứng trên các nền kinh tế có quy mô lớn hơn trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia. Việt Nam cũng có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương. Tất cả các chỉ số đánh giá LPI 2018 đều tăng vượt bậc, trong đó, mức tăng cao nhất là năng lực chất lượng dịch vụ (xếp hạng 33, tăng 29 bậc) và khả năng theo dõi, truy xuất hàng hóa (xếp hạng 34, tăng 41 bậc). Với kết quả này, Việt Nam đã hoàn thành một mục tiêu mà Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt là "xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt từ 50 trở lên".

Theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả này có được một phần nhờ "lực đẩy" từ Quyết định 200/ QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 do Bộ Công Thương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đầu năm 2017. Đây là văn bản đầu tiên của nước ta định hướng cấp quốc gia về phát triển dịch vụ logistics, tiền đề giúp cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động logistics Việt Nam.

Thực tế, Quyết định 200 đã "mở hàng" tích cực cho sự phát triển của ngành logistics Việt Nam, sau một thời gian dài trì trệ. Tháng 5/2017, tại hội thảo trao đổi về những thay đổi trong thương mại, quy định thuế và hải quan tại Hà Nội, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong cải cách thủ tục hành chính thuế (thành phần quan trọng trong các đánh giá liên quan đến logistics).

Quyết định 200 tập trung vào 2 nhiệm vụ: Ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 140/2007/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh logistics và rà soát, sửa đổi chính sách thuế, phí, giá dịch vụ theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động logistics. Nếu 2 nhiệm vụ này hoàn thành, sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng thêm sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/logistics-viet-nam-thang-hang-trai-ngot-nho-no-luc-hoan-thien-the-che-107057.html