Logistics Việt Nam: Nỗ lực để không 'lỡ tàu'

Việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đã và đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Tuy nhiên, để không bị 'lỡ tàu', Việt Nam cần thực sự nỗ lực giải quyết được những bất cập, khó khăn nổi cộm 'vắt' từ năm này qua năm khác.

Việt Nam cần kết nối đa phương thức vận tải, đẩy mạnh vận tải đường thủy và đường biển. Ảnh: Đăng Nguyên

Doanh nghiệp nhỏ, chi phí cao

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) về Chỉ số hoạt động Logistics (LPI) công bố tháng 7/2018 cho thấy: Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước có xếp hạng ở top đầu trong các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam có được kể từ khi WB thực hiện việc xếp hạng LPI trong thập niên vừa qua.

Theo Bộ Công Thương: Hiện nay, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics, hoạt động trong các lĩnh vực từ vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không cho đến giao nhận, kho bãi, đại lý hải quan, giám định, kiểm nghiệm hàng hóa, bốc dỡ hàng hóa,... Bên cạnh đó, các DN còn đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế qua việc làm đại lý cho các DN nước ngoài là các chủ hàng, chủ tàu, các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá: Dù ngành logistic của Việt Nam đã đạt được những bước phát triển nhanh, song các DN logistics Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ với khoảng 90% DN khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng; 5% có mức vốn từ 10 đến 20 tỷ đồng; còn lại 5% có mức vốn từ 20 tỷ đồng trở lên. Trong khi đó, số DN logistics tham gia Hiệp hội DN dịch vụ Logistics chỉ có trên 360 DN. Điều này cho thấy, tính liên kết của DN Logistic Việt Nam còn thấp, đa số vẫn hoạt động đơn lẻ.

Về những bất cập, thách thức trong phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng thông tin thêm: Hạ tầng phục vụ ngành dịch vụ logistics của Việt Nam là vấn đề lớn điển hình. Cụ thể, do chưa nhận thức về việc phát triển ngành logistics thành một ngành dịch vụ cơ bản để hỗ trợ cho các ngành kinh tế khác, một số tỉnh, thành phố có tiềm năng nhưng cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông cũng như hạ tầng về công nghệ thông tin chưa được đầu tư tương xứng. Điều này gây không ít khó khăn trong việc đẩy mạnh hợp tác kết nối giữa các DN kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước tại Việt Nam.

"Điểm yếu của các DN Việt Nam là chi phí dịch vụ còn cao; chất lượng một số dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa đồng đều. Điều này xuất phát từ hạn chế về quy mô, vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin, trình độ nguồn nhân lực... của DN", Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Việt Nam đã và đang trở thành một trung tâm sản xuất nhiều mặt hàng, sản phẩm trong "top" đầu thế giới. Đáng chú ý, tại Việt Nam hiện nay có sự góp mặt, hoạt động hiệu quả của không ít tập đoàn hàng đầu thế giới, nhất là trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin như: Samsung, Fujitsu, Intel, Samsung, Nokia, Siemens, LG,...

Bên cạnh đó, điểm nổi bật là Việt Nam đã và đang ngày càng hội nhập kinh tế sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc ký kết, thực nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Gần đây nhất, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã được Quốc hội phê chuẩn. Có thể nói, đó là những cơ sở quan trọng để Việt Nam mở ra cơ hội phát triển cho ngành logistics, nhất là tạo môi trường thuận lợi cho các DN nước ngoài hợp tác đầu tư, kinh doanh dịch vụ logistic tại Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra là, làm sao để ngành dịch vụ logitics Việt Nam tận dụng tốt nhất những cơ hội phát triển đã và đang mở ra? Xuất phát từ những điểm yếu dễ thấy của ngành dịch vụ logistics Việt Nam, ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: Nhằm tăng hiệu suất và giảm chi phí logistics, trước hết Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục thông quan hàng hóa XNK.

Về nội dung này, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) còn chỉ rõ: Phải cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh, cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm 50% các mặt hàng phải kiểm tra theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo thực chất và hiệu quả và triển khai xây dựng và phát triển sàn giao dịch vận tải.

Ngoài ra, theo ông Ousmane Dione: "Vận tải đường bộ hiện lớn hơn 4 lần so với đường thủy nội địa và đường sắt. Do đó, phải kết nối đa phương thức vận tải, đẩy mạnh vận tải đường thủy và đường biển. Trong điều kiện nguồn ngân sách khó khăn hiện nay, Việt Nam cần ưu tiên những dự án có tính xương sống, kết nối liên vùng hơn là những dự án riêng lẻ", ông Ousmane Dione nói.

Một số DN logistics nêu quan điểm: Hoạt động logsitics mang tính đa ngành. Trong đó, hoạt động vận tải hàng hóa do Bộ Giao thông vận tải quản lý; hoạt động kho bãi, phân phối do Bộ Công Thương quản lý; hoạt động XNK hàng hóa do Bộ Tài chính quản lý… Tất cả các bộ, ngành khác quản lý thủ tục chuyên ngành áp dụng khi XNK hàng hóa. Để hoạt động logistics được quản lý, tổ chức và quy hoạch hiệu quả, cần thành lập cơ quan quản lý nhà nước hoặc giao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động logistics cho một bộ, ngành cụ thể.

Theo Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, mục tiêu đặt ra là: Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%; tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP; xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/logistics-viet-nam-no-luc-de-khong-lo-tau.aspx