'Lộc trời' dưới chân dãy Giăng Màn

Hằng năm, cứ vào độ cuối Đông, dãy Giăng Màn sừng sững ôm trọn 27km đường biên Việt Lào - (phía Tây tỉnh Quảng Bình), lại khoác lên mình một màu xanh ngút mắt, báo hiệu mùa cây đót trổ bông. Người dân bản địa xem bông đót là 'lộc trời' ban tặng để chống lại cái đói trong những ngày giáp hạt…

Thành quả sau 1 ngày luồn rừng của vợ chồng chị Hồ Thị Đụt, bản Ka Ai

Thành quả sau 1 ngày luồn rừng của vợ chồng chị Hồ Thị Đụt, bản Ka Ai

Mùa thu “lộc trời”

Dãy Giăng Màn thuộc một phần dải Trường Sơn, kéo dài từ Tây Nam Hà Tĩnh đến Tây Bắc Quảng Bình. Dưới chân núi Giăng Màn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Khùa, Mày, Sách, Mã Liềng… thuộc hai xã Dân Hóa và Trọng Hóa huyện Minh Hóa.

Chiều đông nơi miền biên viễn lạnh và ẩm ướt. Sương mù trên đỉnh Giăng Màn tỏa xuống, trùm lên, phủ kín những bản làng nhỏ bé nép mình dưới chân núi. Ngồi bên bậu cửa, già làng Cao Xuân Xiêm, dân tộc Mày, bản Ka Ai (Dân Hóa) nhìn xa xăm về phía dãy Giăng Màn. Cũng như mọi ngày, ông đang ngóng những đứa con đi hái “lộc trời” trở về.

Trong câu chuyện với chúng tôi, già làng Xiêm tin rằng, Giàng (Ông Trời) sinh ra tộc người Mày dưới dãy Giăng Màn và nuôi dưỡng họ từ bấy đến nay. “Lộc trời bất tận. Dãy Giăng Màn hào phóng lắm, mùa nào thức ấy, chỉ cần chịu khó lao động thì không bao giờ bị đói. Giàng chưa bao giờ tiệt đường sống của người Ka Ai” - già làng Xiêm nói.

Mùa đót về, những bản làng dưới dãy Giăng Màn chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ, ai có sức vóc đều vào rừng để thu “lộc trời”. Họ rời bản từ lúc gà gáy sáng và trở về khi bản làng bảng lảng trong khói lam chiều. Trung tá Đinh Minh Thanh, phụ trách tổ công tác của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo tại Ka Ai cho biết: Bản Ka Ai có 90 hộ dân, là một trong những bản còn nhiều khó khăn của xã Dân Hóa. Đồn Biên phòng đã giúp dân bản cải tạo ruộng đồng, dạy cách trồng lúa nước, tuy nhiên cũng mới chỉ đáp ứng một phần lương thực, còn lại bao nhiêu thứ thiết yếu cho cuộc sống, dân bản phải dựa vào rừng. “Thời điểm này bà con trong bản đang mải vào rừng để hái bông đót, ít người ở nhà. Cánh đồng lúa nước Ka Ai đang thời kỳ đẻ nhánh, cần chăm sóc, tỉa dặm nhưng cũng vắng bóng người. Bông đót đang hút hết người của dân bản” - trung tá Thanh nói.

Sau một ngày luồn rừng, vợ chồng chị Hồ Thị Đụt trở về với 2 gùi bông đót xanh mướt, nặng trĩu trên vai. Mới đến cửa rừng, 2 gùi đót nặng gần 1 tạ của họ được thương lái đón đường thu mua, thu về gần 500 nghìn đồng. “Đây là ngày thứ 5 vợ chồng miềng vào rừng hái đót. Những ngày đầu đi gần, mỗi người được 2 gùi, những ngày sau đi xa hơn, đi bộ hết quả đồi này đến quả đồi khác mới hái được gần 1 tạ đót. Mang về đến đây cũng mỏi chân lắm, nhưng vui vì có tiền để mua gạo, mua sách vở, áo quần cho con đi học” - chị Đụt chia sẻ.

Ông Đinh Trọng Trường, ở xã Hóa Tiến lên bản Ka Ai thu mua đót của bà con từ những ngày sau Tết Nguyên đán cho biết: Trung bình mỗi ngày ông thu mua của bà con cũng được vài tấn đót để nhập lại cho thương lái dưới xuôi. Điểm thu mua của ông Trường đặt ngay cửa rừng nên rất thuận tiện cho cả người mua và người bán.

Không riêng gì ở bản Ka Ai, hầu hết các bản làng khác của xã Dân Hóa và xã Trọng Hóa, bà con đều gác một số công việc không quan trọng để lên rừng hái bông đót cho kịp thời vụ. Bà Hồ Thị Xăn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trọng Hóa cho biết: Cứ mỗi độ cuối Đông, cây đót lại lặng lẽ trổ bông, báo hiệu một mùa thu hoạch đót bắt đầu. Thứ “lộc trời” ban tặng này không chỉ làm đẹp thêm những ngọn đồi dưới chân dãy Giăng Màn mà còn mang lại giá trị kinh tế cho người dân nơi đây.

Trồng đót để giảm nghèo

Bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa, là người con của tộc người Khùa, sinh ra và lớn lên ở dưới chân dãy Giăng Màn nên rất am tường về cây đót. Theo bà Thoi, trước đây cây đót nhiều đến độ mọc ngay hiên nhà, nhưng những năm gần đây, do bà con phát triển trồng rừng kinh tế nên diện tích cây đót cũng thu hẹp dần.

Qua khảo sát thực tế, bà Thoi và lãnh đạo xã Trọng Hóa lên kế hoạch hỗ trợ bà con triển khai trồng đót trên những diện tích rừng mà nếu trồng keo sẽ không đem lại hiệu quả. Hiện ở xã Trọng Hóa đã có 4 hộ trồng đót trên diện tích đất rừng được giao của gia đình và bước đầu đem lại hiệu quả khá cao. “Trung bình mỗi bụi đót, chiếm khoảng 1m2 đất, sẽ cho thu hoạch từ 3 đến 5kg đót. Trong khi đó, trồng đót chỉ tốn công ban đầu, rất ít công chăm sóc và đặc biệt là không sợ bão như cây keo” - ông Hồ Chăn ở bản La Trọng 1 (Trọng Hóa) hộ có mô hình trồng đót đã thu hoạch được 2 vụ cho biết.

Từ thực tế một số mô hình trồng đót, bà Thoi cho rằng: Là cây bản địa nên cây đót rất phù hợp với đặc điểm khí hậu tại địa phương. Trên thực tế, cây đót cho thu nhập khá cao đối với bà con xã Trọng Hóa và Dân Hóa trong những năm qua, nhất là trong kỳ giáp hạt, bằng việc bà con đi lấy đót ngoài tự nhiên. Việc triển khai trồng cây đót, sẽ tạo thêm nguồn nguyên liệu đót ổn định và có được các đầu mối thu mua sản phẩm tại địa phương là điều kiện thuận lợi để bà con mở rộng diện tích trồng đót, qua đó thu hút sự quan tâm của người dân trong việc bảo tồn cây đót và nhiều cây bản địa có giá trị khác tại địa phương.

Ông Đinh Minh Thông, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Minh Hóa, Chủ nhiệm mô hình trồng cây đót cho biết: Cây đót là cây thuộc nhóm lâm sản ngoài gỗ, có nhiều công dụng như: bông đót được làm chổi quét nhà, quét vôi ve trong xây dựng, làm đệm, gối. Lá đót dùng để làm thức ăn cho trâu, bò, cá (đặc biệt là cá trắm). Thân cây đót còn được sử dụng để đan lát đồ thủ công mỹ nghệ... Chính vì nhu cầu sử dụng cây đót trên thị trường lớn, việc khai thác, thu hái cây đót trong tự nhiên của người dân tăng mạnh.

Mô hình trồng cây đót thành công sẽ góp phần phát huy và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, góp phần trong việc phổ biến và nhân rộng mô hình, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, tạo được hướng mới trong việc phát triển sản xuất, trồng trọt, giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào.

Nhằm chủ động vùng nguyên liệu cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn 4 xã biên giới của Minh Hóa là Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn và Thượng Hóa có thêm thu nhập từ cây đót, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Minh Hóa đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình triển khai xây dựng mô hình trồng cây đót.

Mô hình trồng đót đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân bản địa

Hoàng Nam

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi-phong-su/loc-troi-duoi-chan-day-giang-man-1522219.tpo