'Lộc rừng' đầu năm

Năm nào cũng vậy, cứ vào tháng 12 âm lịch là bà con ở các huyện miền núi Quảng Nam lại lên rừng lấy bông đót để bán, thứ được coi như "lộc" của rừng mỗi dịp xuân về. "Lộc rừng" được thương lái thu mua, theo các ngả đường đi khắp các tỉnh thành miền Trung. Những ngày này, đi dọc tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành, đoạn qua P. Hòa Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), nhiều người thích thú với cảnh từng lớp đót vàng óng trải trên mặt đất, từng tốp người đội nón lá bận bịu phơi đót làm chổi. Từng bó đót tươi sau chuyến đi từ núi rừng xuống thành phố biển được chất thành từng đống, phủ bạt nằm chờ nắng lên. Mặt đường ở khu vực không có dân cư, ít phương tiện qua lại được người dân tận dụng làm sân phơi. Khoảng 7 giờ sáng, từng lớp đót xanh mơn mởn được trải đều ra để hứng nắng ấm.

Đót được công nhân phơi khô trải dọc khu dân cư vắng vẻ dọc tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành.

Đót được công nhân phơi khô trải dọc khu dân cư vắng vẻ dọc tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành.

Khi "no" nắng, đót khô lại, chuyển từ màu xanh sang vàng sậm là có thể mang về lưu trữ trong kho. Đót tươi được phơi từ 5-6 ngày là đạt tiêu chuẩn. Đã hơn 40 năm làm nghề phơi đót và làm chổi, bà Đặng Thị Cấn (63 tuổi), Hòa Hiệp Nam, cho biết theo nghiệp của cha ông từ năm 20 tuổi. Tại vựa đót đang phơi của bà Cấn có gần 10 người đang tất bật làm việc. Mỗi người mỗi công đoạn, người thì trải đót, gom đót, bó và vác đót chất thành từng đống. Theo bà Cấn, cây đót tươi được thu mua từ Tây Giang, Đông Giang xuống với giá tận nhà là 7.000 đồng/kg. Để có được 1 kg đót khô phải cần 3 kg đót tươi. Mỗi công nhân làm việc tại đây được trả một ngày 250.000 đồng, nam giới thì cao hơn. "Công nhân phải làm xuyên Tết Nguyên đán, đến tận ngày 30 Tết mới nghỉ và bắt đầu làm lại từ ngày mùng 2. Do bông đót chỉ nở trong 2 tháng nên tôi cũng phải tranh thủ thu mua và phơi để dành làm chổi trong cả năm. Mặc dù phải làm qua Tết nhưng công nhân ai cũng hiểu và thông cảm vì năm nào cũng vậy", bà Cấn chia sẻ chuyện nghề.

Đang bận rộn phơi đót, bà Đặng Thị Rô (65 tuổi) cho biết, gia đình bà chuyên thu mua đót tươi về phơi khô và bán lại cho các cơ sở làm chổi. Năm nay bà nhập hơn hơn 20 tấn đót tươi, sau khi phơi khô, công nhân sẽ bó mỗi bó 20kg để bán với giá 28.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ từ Đà Nẵng cho đến tận Bình Định và ra các tỉnh phía Bắc. Nhà ông Nguyễn Văn Năm (65 tuổi), hơn một tháng nay cũng đang cao điểm vào vụ phơi đót. Công nhân phải tập trung hết tại địa điểm phơi, chỉ mình ông cặm cụi làm chổi số lượng cầm chừng đủ để giao cho mối quen. Mỗi ngày một người lành nghề như ông có thể làm được 60-70 cây chổi, bán sỉ cho thương lái với giá 20.000 đồng/cây. "Nghề này cho thu nhập khá, so với nghề nông thì ổn định và đỡ vất vả hơn. Con cái ăn học thành tài là cũng nhờ nghề này", ông Năm tâm sự.

Bà Đặng Thị Rô cho biết, giá nhân công cao nhưng vẫn không kiếm ra được người phụ phơi đót nên cũng không dám nhập quá nhiều đót tươi về. Mọi năm có sinh viên một trường Cao đẳng gần đó tranh thủ học một buổi, ra làm thêm một buổi kiếm thêm thu nhập nhưng giờ trường giải thể nên lao động càng khó tìm. Cũng theo bà Rô, giá nhân công tại các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi thấp hơn nên đót khô ở Đà Nẵng rất khó cạnh tranh, vì thế lợi nhuận mỗi mùa đót những năm gần đây có phần sụt giảm. "Mấy năm trước có sức còn làm chổi đót để bán kiếm thêm thu nhập, nay có tuổi, mắt mờ rồi nên không đủ sức làm. Gia đình có 3 người con nhưng không ai theo nghề của gia đình", bà Rô chia sẻ. Nghề làm chổi đót nay cũng không ai mặn mà theo đuổi. Để vực dậy và duy trì nghề làm chổi đót, P. Hòa Hiệp Nam thành lập Tổ hợp tác sản xuất chổi đót Hòa Hiệp Nam nhưng đến nay chỉ có chưa đến 10 người làm thường xuyên.

Tổ hợp tác sản xuất chổi đót Hòa Hiệp Nam chỉ còn mình ông Nguyễn Văn Năm làm cầm chừng.

Mỗi ngày Tổ hợp tác do ông Nguyễn Văn Năm đứng đầu làm ra khoảng 240 cây chổi. Ông kể khi còn trai trẻ, một ngày có thể làm 100 cây chổi là bình thường. "Bây giờ con cái không ai muốn kế nghiệp cha mẹ và lâu nay cũng không có ai đến xin học nghề", ông Năm bộc bạch... Mặc dù chưa hình thành làng nghề chuyên sản xuất chổi đót và đây cũng không phải là sản phẩm đặc trưng của vùng đất Hòa Hiệp Nam nhưng có lẽ cùng với nước mắm Nam Ô nức danh một thời, nghề làm chổi đót cũng đứng trước nguy cơ mai một. Cái nghề gắn bó với biết bao đời người, là "chén cơm" nuôi dưỡng không ít người cũng dần đi vào lãng quên theo thời gian. Hy vọng, mai đây sẽ có những người trẻ hướng về quê hương, áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm sức người, tăng năng suất lao động, "nối gót" giữ gìn, phát huy và làm giàu từ chính nghề của cha ông để lại.

MAI VINH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_202277_-loc-rung-dau-nam.aspx