Lộc rừng đầu năm mới

Những ngày đầu xuân mới này, người dân của huyện Đăk Glei (Kon Tum) lại tất bật đi hái lộc rừng.

Anh Y Thời với bó chít đót hái được buổi sáng.

Anh Y Thời với bó chít đót hái được buổi sáng.

Sau những trận mưa rừng, mùa này miền núi Đăk Glei đầy nắng ấm, và cũng là mùa của những cây chít đót. Tại xã Đăk Wak, những đoàn người đi hái lộc đầu năm miệng nhai trầu đỏ thắm, trên tay là một con dao nhỏ. Mỗi chuyến vào rừng tìm cây đót, người ta tranh thủ thu hoạch cả lá đót, bông đót và con sâu đót.

Anh Y Thời (thôn 2, Đăk Wak) cho biết: “Mình cứ kiếm được 10 cây đót thì bó lại một bó, bán được 1.500 đồng. Làm một ngày đêm, mỗi người cũng có thể kiếm được khoảng 80 nghìn đồng, người khỏe có thể kiếm gấp đôi. Công việc này phù hợp với cả những phụ nữ, trẻ em và người già nên ai cũng làm được. Mặc dù công đoạn bứt đót khá vất vả, nhiều trường hợp phải đối mặt với hiểm nguy bởi đót thường mọc từng bụi, lùm ở nơi có độ dốc cao, muốn bứt đót phải dùng hai chân trụ vững ở độ nghiêng khá cao, đồng thời một tay nắm giữ lá đót trên cùng, tay còn lại nắm bông đót kéo ngược về phía sau!”.

Nhiều đứa trẻ ngoài giờ học cũng lên rừng hái chít đót để giúp gia đình.

Vừa hái đót chị Hen vừa chia sẻ: "Mùa này, cả làng chúng tôi đều đi từng tốp men theo sườn núi, quả đồi để tìm đót. Thời gian này, cây đót bông to, đẹp và vừa chớm nở nên giá cũng cao. Trung bình mỗi ngày một người hái 30 - 40 kg đót. Lúc nào may mắn trúng được vào khu vực nhiều đót chưa có ai phát hiện, có khi hái nửa tạ". Mới đầu mùa đót nên người dân bán 6 nghìn đồng/kg. Trung bình mỗi ngày 2 vợ chồng cũng thu được khoảng 500 nghìn đồng. Chính vì thu nhập cao nên vợ chồng chị cố gắng đi sớm và đi thật xa để có những đám đót mới. Chỉ đầu mùa thì đót mới đẹp, còn hết tháng 1 đót nở hoa hết nên không bán được nữa.

Cậu bé và bó chít đót mới hái được.

Bù lại những vất vả, thu nhập từ bứt đót cũng khá. Anh Thời và nhiều người khác cho biết, trung bình mỗi ngày các anh bứt được khoảng 50 - 70kg, nếu cân tươi thì 6000đ/kg cho loại bông đót mới trổ và 5000đ/kg cho loại đót già. Còn phơi khô thì thương lái sẽ thu mua với giá 10.000đ/kg. Mỗi ngày sau khi trừ ăn uống, bình quân thu nhập khoảng 80.000 – 100.000đ/ngày/ người… đó là một khoản thu nhập đáng kể với người dân vùng cao nghèo khó này. Trong khi đó mùa bứt đót kéo dài hết tháng Hai âm lịch nên thời gian cho bà con lên nói bứt đót còn kéo dài.

Nhiều phụ nữ sau khi hái chít đót mang về bán cho thương lái.

Ai cũng muốn có thu nhập nên những ngày này cả làng rủ nhau đi hái lộc trời như trẩy hội. Mệt nhưng rất vui vì ai cũng có thu nhập. Bởi chít đót đang đầu mùa sốt hàng, nhiều thương lái đánh cả xe ô tô tải vào tận các ngã ba, ngã tư cửa rừng, đón người dân chở đót ra để thu mua.

Không chỉ với xã Đăk Wak, mà người dân các Đăk Glei, Dục Lang, Đăk Kroong, Đăk Pet và nhiều xã giáp biên giới Lào khác, mùa này cũng tấp nập người đi bứt đót. Lộc rừng đầu năm này hy vọng sẽ đem lại nguồn lợi cho người dân, khởi đầu cho một năm mới khấm khá hơn.

Chít đót được phơi bên đường.

Dù mùa đót chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng họ vui vì có thêm nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống. Sở dĩ, người dân địa phương gọi là “lộc trời”, bởi những cây đót mọc hoang dại trải dài khắp các cánh rừng. Chính vì vậy, những ai có dịp ngang qua mảnh đất Tây Nguyên mùa này, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các chàng trai, cô gái người bản địa cõng theo sau lưng những bó chít đót che khuất đầu.

Đinh Dũng - Minh Ngọc

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/loc-rung-dau-nam-moi-132589.html