Lọc nước biển, chuyển nước cứu ĐBSCL: Chỉ là phần đuôi

Theo TS Dương Văn Ni, nếu tiếp tục dân cư phát triển không kiểm soát thì dù có đưa ra giải pháp gì đi nữa cũng phá sản...

Trước tình trạng hạn mặn gay gắt tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thời gian qua đã có nhiều giải pháp được đề xuất để cứu vùng đất này, để người dân có nước sinh hoạt, hoa màu cây trái có nước tưới tiêu như xây dựng các hồ dự trữ nước ngọt; lọc nước biển thành nước ngọt; chuyển nước từ miền Đông sang miền Tây...

Là người đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu sản xuất, hệ sinh thái, tập quán của người dân vùng ĐBSCL, TS Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An (Trung tâm Hòa An) cho rằng, các giải pháp "ngọt hóa" là cần thiết, tuy nhiên chúng chỉ là phần đuôi, quan trọng là phải giải quyết 3 vấn đề cơ bản:

Thứ nhất, sự chuẩn bị tại chỗ của người dân;

Thứ hai, chính quyền các cấp địa phương phải quy hoạch cụm, tuyến dân cư tập trung và lựa chọn giải pháp kỹ thuật để cung cấp nước ngọt cho người dân ở cụm, tuyến đó.

Thứ ba, chính quyền Trung ương phải phân vùng cụ thể: vùng trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực, còn các vùng khác chuyển qua cây trồng, vật nuôi khác theo hình thức lợi nhuận kinh tế để thúc đẩy thị trường và phải chuẩn bị hạ tầng dịch vụ phục vụ cây trồng, vật nuôi mới đồng bộ.

Chuẩn bị tại chỗ

Phân tích cụ thể, TS Dương Văn Ni cho biết, Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã tháo gỡ được một vấn đề rất căn cơ, đó là xác định nước ngọt, nước lợ và nước mặn đều là tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, để tinh thần này hấp thu được xuống từng bộ, ngành, địa phương, người dân thì cần một thời gian rất dài, đặc biệt không phải cấp nào cũng sẵn sàng.

Trước mắt, người dân ở vùng hạn mặn đang thiếu nước sinh hoạt, tuy nhiên ông cho rằng vấn đề này không quá khó để giải quyết bởi hàng trăm năm trước người dân đã có kinh nghiệm trữ nước bằng lu, kiệu... để dùng.

ĐBSCL có những vùng một năm lượng mưa tới hơn 2.000mm, chỉ cần mỗi hộ dân chuẩn bị chục lu, kiệu... là đủ xài 3-4 tháng nắng.

Vấn đề là bấy lâu nay có một bộ phận người dân quá ỷ lại, cho rằng có chuyện gì thì đã có chính quyền giúp đỡ nên họ không có sự chuẩn bị, hạn mặn tới thì kêu cứu thiếu nước ngọt, nước sinh hoạt.

Hạn mặn khiến ruộng lúa của một hộ dân ở xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, Bến Tre chết khô, chỉ biết tận dụng làm rơm cho bò ăn. Ảnh: Tuổi trẻ

Hạn mặn khiến ruộng lúa của một hộ dân ở xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, Bến Tre chết khô, chỉ biết tận dụng làm rơm cho bò ăn. Ảnh: Tuổi trẻ

Quy hoạch cụm, tuyến dân cư

Với đại đa số người dân trong vùng, theo vị chuyên gia, tốc độ phát triển dân cư ra vùng mặn thiếu quy hoạch hoặc không được quy hoạch chặt chẽ nên khi người dân ra cất nhà ở trước thì hạ tầng điện, nước chưa sẵn sàng.

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở vùng hạn mặn, mà xảy ra ở ngay nhiều đô thị lớn phát triển khu dân cư không có định hướng, không theo quy hoạch từ trước.

Do đó, cấp chính quyền địa phương phải quy hoạch lại các cụm, tuyến dân cư cho hợp lý. Khi quy hoạch cụm, tuyến dân cư đã ổn định thì các giải pháp kỹ thuật lúc đó là xây hồ trữ nước ngọt, chuyển nước hay lọc nước biển thành nước ngọt... đều trở thành rất dễ dàng.

Ví dụ, nếu cụm, tuyến dân cư đó nằm sát biển, không thể nào đào hồ, đào ao chứa nước ngọt thì phải giải quyết bằng cách xây dựng nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt cho người dân sử dụng.

"Cái này không đáng bao nhiêu. Nhà đầu tư chỉ cần tính toán một khối nước bán ra có lời thì ắt nhảy vào đầu tư".

Cho nên, TS Dương Văn Ni nhấn mạnh, các đề xuất cung cấp nước ngọt cho dân cư trong vùng chỉ là... phần đuôi. Nếu dân cư tiếp tục phát triển vô tội vạ, không kiểm soát, không quy hoạch cụm, tuyến đàng hoàng thì dù có giải pháp gì đi nữa cũng phá sản.

"Chẳng hạn, xây dựng được một hồ nước ngọt để cung cấp nước cho người dân vùng hạn mặn, nhưng người dân lại ở cách xa mấy chục km, làm sao có thể lấy nước ngọt về dùng, rồi vận chuyển thế nào, chi phí vận chuyển, bảo trì ra sao...", vị chuyên gia đặt vấn đề.

Phân vùng cụ thể

Một điểm khác được TS Dương Văn Ni chỉ ra, đó là bấy lâu nay Nhà nước có chính sách ưu đãi cho sản xuất lúa nên mỗi lần có hạn mặn, ngập lụt hay thị trường bất ổn, cây lúa luôn được hỗ trợ. Điều đó khiến cho người dân nghĩ rằng tốt nhất là trồng lúa để có chuyện gì Nhà nước còn lo, còn trồng cây, con khác Nhà nước không lo.

"Đó là nguyên nhân gián tiếp thúc đẩy nông dân tập trung quá nhiều vào cây lúa, mà cây lúa không chịu mặn được, nên khi diện tích trồng lúa lấn sâu ra phía biển, mỗi lần có xâm nhập mặn, cây lúa luôn chịu thiệt hại đầu tiên", TS Dương Văn Ni nhận xét và cho rằng, ở dây có cả trách nhiệm của các địa phương, bởi quá lo lắng về việc đảm bảo an ninh lương thực, bởi tâm lý "sợ đói" nên để cho cây lúa phát triển quá mức.

Khi phát triển một nền sản xuất dựa quá nhiều vào cây lúa thì bao nhiêu hạ tầng từ phục vụ phân bón, đến công lao động, máy móc gặt, đập, thu hoạch... đều dựa trên cây lúa.

Bây giờ, nếu chuyển sang một cây trồng nào khác, mặc dù nó rất tốt, dùng nước rất ít nhưng hạ tầng đó lại không sẵn sàng, thị trường không có dẫn đến người dân và chính quyền địa phương lúng túng. Cũng bởi vậy mà khi xảy ra các vấn đề như dịch bệnh, hạn hán, lũ lụt, tất cả đều "cuống cuồng".

"Đã đến lúc các cấp chính quyền, kể cả Trung ương phải ngồi lại để nhìn cho thật kỹ nền nông nghiệp của ĐBSCL dễ tổn thương ở chỗ nào, cái nào là trụ cột cần phải giữ, phát triển...", TS Ni nói và dẫn ví dụ về cây lúa: lúa vẫn đóng vai trò là đảm bảo an ninh lương thực nhưng không thể nào đóng vai trò là hàng hóa nông nghiệp được, bởi nếu là hàng hóa nông nghiệp thì hạt gạo bán không được bao nhiêu tiền.

Cho nên, phải tính thật chắc một diện tích bao nhiêu thì đủ cho gần 100 triệu người dân Việt Nam ăn. Khi tính chắc rồi thì diện tích đó phải được đầu tư từ A tới Z để bảo đảm không bao giờ rủi ro, phải xác định trồng lúa ở một vùng không bị lũ lụt hay hạn mặn đe dọa để "trồng là có".

"Người nông dân ở ĐBSCL cứ 100 ngày là sản xuất ra được 7-8 triệu tấn lúa, năng lực sản xuất đó thừa sức để giải quyết vấn đề an ninh lương thực", TS Dương Văn Ni đánh giá.

Khi đã xác định được điểm trên, những điểm còn lại nên dựa theo khái niệm "thuận thiên": vùng nào mùa nắng bị mặn, mùa mưa ngọt thì cho chuyển đổi sản xuất thuận theo thời tiết đó. Có nghĩa là mùa nắng có thể lấy nước mặn vào để nuôi trồng thủy sản, như tôm, còn mùa mưa xổ nước mặn được thì trồng lúa, chỗ nào không xổ mặn được ngay trong mùa mưa thì tiếp tục nuôi trồng thủy sản.

Muốn vậy, phải tính lại hết cho căn cơ, tính tới hạ tầng của việc chuyển đổi cơ cấu này, tránh chuyển đổi xong người dân không biết bán cho ai, chế biến, lưu trữ thế nào...

Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi phải có thời gian, sự quyết tâm của từng cấp chính quyền địa phương, từng người dân sống trong vùng, kể cả chính sách vĩ mô của Nhà nước.

Chính sách vĩ mô của Nhà nước là quy hoạch vùng "chắc ăn" để đảm bảo đủ gạo ăn cho người dân cả nước; chuyển đổi những vùng mùa mưa bị lũ lụt, mùa nắng bị hạn mặn thành những vùng sản xuất những cây trồng, vật nuôi khác thuận theo thời tiết đó hơn.

"Ở đây có một vấn đề nhập nhằng bấy lâu nay, nói nhiều mà chưa giải quyết được: nhiều đề xuất giải pháp "cứng", giải pháp "mềm" được đưa ra, nhưng thiết nghĩ một khi đã xác định đây là bài toán kinh tế, mỗi đơn vị diện tích là đơn vị hàng hóa thì dù đầu tư "cứng" hay "mềm" cũng phải tính đúng, tính đủ xem trên diện tích đó trồng cây gì, nuôi con gì cho có lời.

Cách làm hiện nay phần nào dựa vào dư luận xã hội, nếu dựa vào dư luận xã hội để chuyển chính sách theo thì rất nguy hiểm", TS Ni nhận xét.

Về lâu dài...

Về lâu dài, vị chuyên gia cho rằng phải chuẩn bị 3 vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, phải làm sao cho tài nguyên con người có giá trị để ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào cũng sống được.

Thứ hai, phải chuẩn bị kịch bản cho dịch bệnh. Thời gian qua, Bộ TN-MT xây dựng nhiều kịch bản liên quan đến nước, như kịch bản mực nước biển dâng; Bộ NN-PTNT xây dựng kịch bản mặn xâm nhập, lũ lụt, hạn hán cho ĐBSCL.. nhưng chưa có kịch bản cho dịch bệnh để tránh bị động khi chúng xảy ra.

Thứ ba, phải chuẩn bị kịch bản cho những tai họa, rủi ro. Ví dụ, dọc hai bên bờ sông Mekong từ Thái Lan, Campuchia tới Việt Nam có hàng trăm khu công nghiệp, nếu có một khu công nghiệp gặp sự cố, hóa chất độc hại tràn xuống sông Mekong, cả dòng sông sẽ bị ô nhiễm, chúng ta sẽ phải ứng phó thế nào? Việc này, theo TS Ni, cấp Trung ương phải chuẩn bị.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/loc-nuoc-bien-chuyen-nuoc-cuu-dbscl-chi-la-phan-duoi-3399285/