Lọc dầu Nghi Sơn xin xuất khẩu xăng: Cam kết thế nào?

Cần xem lại hợp đồng Chính phủ cam kết ưu đãi gì cho nhà máy, việc xuất khẩu của Lọc hóa dầu Nghi Sơn có vi phạm lợi ích quốc gia không.

Trước đề xuất muốn được xuất khẩu sản phẩm xăng trên cơ sở giá thị trường với sản lượng vài trăm ngàn tấn của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen thấy lạ bởi Việt Nam vẫn đang thiếu xăng dầu và phải nhập khẩu xăng dầu, phải chăng vấn đề ở đây là xuất khẩu rồi lại nhập khẩu?

"Giá xăng dầu thế giới đang trên đà đi lên, phải chăng Lọc hóa dầu Nghi Sơn muốn tận dụng xuất khẩu để được hưởng chênh lệch về giá? Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là bài toán giá cả xuất-nhập thế nào. Nếu xuất khẩu được với giá cao hơn với giá Việt Nam nhập xăng dầu trở lại thì có lời không chỉ cho Nghi Sơn mà cho cả nước và bài toán kinh tế đó nên làm.

Tuy nhiên, trong trường hợp xuất đi rồi lại nhập về với giá cao hơn thì không chấp nhận được", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi nói.

Với thông tin mà báo chí đăng tải - Lọc hóa dầu Nghi Sơn muốn xuất khẩu xăng trên cơ sở giá thị trường với sản lượng vài trăm ngàn tấn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen cho rằng phải xem lại bài toán này vì chưa rõ chi tiết xuất đi đâu, giá cả cụ thể thế nào.

Lọc dầu Nghi Sơn muốn xin xuất khẩu sản phẩm xăng

"Đương nhiên khi xuất đương nhiên là phải theo giá thị trường vì các các nước nhập theo giá thị trường. Nhưng tôi thấy khó tin được vì các nước không bao giờ nhập sản phẩm của Việt Nam với mức giá cao hơn giá họ nhập khẩu ở nơi khác. Nhà nhập khẩu sẽ lựa chọn sản phẩm của nước nào rẻ.

Vì lẽ đó, nếu tính bài toán để có hiệu quả cho riêng Lọc hóa dầu Nghi Sơn mà lại bất lợi cho cả nước thì không nên. Phải cân nhắc lợi ích của nhà máy với lợi ích quốc gia", PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi lưu ý.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, muốn cho phép Lọc hóa dầu Nghi Sơn xuất khẩu hay không phải xem lại hợp đồng ban đầu xem vấn đề sản xuất và tiêu thụ thế nào; tiêu thụ nội địa ra sao; đặc biệt là các ưu đãi dành cho nhà đầu tư thế nào...

"Nếu nhà máy không được hưởng ưu đãi gì thì việc xuất khẩu, nhập khẩu là quyền tự chủ của doanh nghiệp, thế nhưng nếu trong hợp đồng có các ràng buộc với nhau, nhất là có các ưu đãi về thuế, bao tiêu sản phẩm... thì phải xem lại.

Giả sử, theo cam kết, Lọc hóa dầu Nghi Sơn không chỉ được áp giá bán buôn các sản phẩm của mình tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu mà còn được cộng vào giá bán thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen,... ).

Đặc biệt, theo thỏa thuận với liên danh nhà đầu tư lọc dầu Nghi Sơn, trong 10 năm, nếu Nhà nước Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sẽ có trách nhiệm phải bù cho lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.

Như vậy, Nhà nước đã chịu thiệt nhiều nếu nhìn vào ưu đãi dành cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Cần lưu ý rằng, những cam kết ưu đãi đó là để khuyến khích nhà máy phục vụ trong nước. Nếu bây giờ không phục vụ trong nước mà lại chạy ra ngoài kiếm thêm chút đồng lãi liệu có được hay không?

Trên cơ sở những ưu đãi của Nhà nước dành cho Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới tính toán, xem xét xem việc xuất khẩu của nhà máy có xâm phạm đến lợi ích của quốc gia hay không từ đó mới quyết được có cho nhà máy xuất khẩu hay không", PGS.TS Nguyễn Văn Nam phân tích.

Vị chuyên gia cũng lưu ý, cơ quan quản lý, trực tiếp là Bộ Công thương không cần phải lo hay đặt điều kiện về sản phẩm của Lọc hóa dầu Nghi Sơn đáp ứng được các yêu cầu chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu bởi đó là chuyện của doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp muốn xuất khẩu được phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Điều cần phải lo là xem cam kết thế nào, giờ cho xuất khẩu thì lợi ích của Nhà nước, người dân Việt Nam ảnh hưởng ra sao...", ông nói.

Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) nằm trong Khu kinh tế mở Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa có công suất giai đoạn 1 là 200.000 thùng dầu thô một ngày, tương đương 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm.

Dự án do liên doanh 4 nhà đầu tư trong nước và quốc tế gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản).

Dự án này được hưởng hàng loạt ưu đãi, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 70 năm; được cấp bù (từ tiền của PVN) giai đoạn 2017-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (chỉ phải nộp thuế suất bình quân 10% trong 70 năm sau đó).

PVN là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-7%...ập nội dung.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/loc-dau-nghi-son-xin-xuat-khau-xang-cam-ket-the-nao-3364981/