Loay hoay với thu phí không dừng

Việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng là một chủ trương lớn của Chính phủ, khi thực hiện đồng loạt sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm thanh toán tiền mặt… Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, trong khi thời hạn buộc phải thu phí tự động không dừng đã cận kề.

Tại Trạm thu phí phụ T2 (trên quốc lộ 51, thuộc xã Long Phước, huyện Long Thành) hiện chưa triển khai thu phí tự động không dừng của Công ty TNHH thu phí tự động VETC nên thường xảy ra ùn tắc giao thông tại đây vào dịp nghỉ lễ, tết. Ảnh: T.HẢI

Tại Trạm thu phí phụ T2 (trên quốc lộ 51, thuộc xã Long Phước, huyện Long Thành) hiện chưa triển khai thu phí tự động không dừng của Công ty TNHH thu phí tự động VETC nên thường xảy ra ùn tắc giao thông tại đây vào dịp nghỉ lễ, tết. Ảnh: T.HẢI

Thực tế thời gian qua, vào những ngày nghỉ lễ, cuối tuần, trên nhiều tuyến đường hàng ngàn ô tô phải xếp hàng dài chờ lượt trước các trạm thu phí. Thực tế đó càng đòi hỏi việc triển khai thu phí không dừng cần sớm được áp dụng đồng bộ, kịp thời.

* Kẹt xe kéo dài tại các trạm thu phí

Lộ trình thực hiện thu phí không dừng

Theo Quyết định số 1118/QĐ-BGTVT ngày 31-5-2018 của Bộ Giao thông - vận tải, lộ trình thực hiện thu phí không dừng như sau: đối với 34 trạm đang thu phí trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên có thời hạn cuối là ngày 31-12-2018. Đối với 4 trạm đang xây dựng trên quốc lộ 1: gồm trạm km24 và trạm km193 thuộc tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Trạm thu phí Nam Hải Vân và Trạm thu phí Cù Mông (hầm Đèo Cả) áp dụng thu phí tự động khi dự án đưa vào sử dụng. Riêng đối với 34 trạm thu phí đang khai thác hoặc đang xây dựng trên các quốc lộ 1K, 2, 3, 5… thời hạn áp dụng thu phí tự động từ ngày 30-6 đến 31-12-2019.

Trạm thu phí cầu Đồng Nai, một trong những trạm thu phí lớn nhất của cả nước, trung bình mỗi ngày có khoảng 60 ngàn lượt xe qua trạm, gấp 10 lần so với các trạm thu phí khác. Trạm thu phí hiện có 16 làn, từ tháng 2-2018 đến nay đã có 6 làn thu phí tự động không dừng.

Một nhân viên của Công ty TNHH thu phí tự động VETC (đơn vị chịu trách nhiệm triển khai thu phí không dừng) cho hay, thời gian gần đây, tình trạng ùn tắc tại khu vực Trạm thu phí cầu Đồng Nai ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân là do nhiều xe chưa dán thẻ thu phí tự động (Etag) nhưng vẫn đi vào làn không dừng buộc những xe phía sau đứng chờ xe này lùi lại và chuyển sang làn thu phí bình thường. Nhân viên điều tiết phải có mặt để hướng dẫn và phân luồng từ xa. Tình trạng này xảy ra thường xuyên gây nên cảnh ùn tắc, từ đó làn đi nhanh trở thành làn đi chậm.

Tương tự, tại Trạm thu phí phụ T2 (trên quốc lộ 51, thuộc xã Long Phước, huyện Long Thành) hướng Đồng Nai đi Vũng Tàu vào những ngày cuối tuần, dịp nghỉ lễ cả làn xe máy và ô tô, lượng xe đều chật kín “như nêm”. Do lượng xe đông, kẹt xe kéo dài nên trạm thu phí buộc phải tiến hành “xả” trạm để tình hình giao thông thông thoáng trở lại.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, tuyến đường này bình thường vốn đã đông đúc, vào dịp nghỉ lễ, người và phương tiện từ các nơi tập trung đổ dồn nên lưu lượng giao thông càng trở nên dày đặc. Khi qua trạm thu phí, xe ô tô buộc phải dừng, xếp hàng mua vé theo kiểu truyền thống. Một xe chỉ cần dừng khoảng 3-5 phút để mua vé thì ùn tắc là điều khó tránh khỏi.

Không chỉ trên quốc lộ 51 mà tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, ùn tắc trước các trạm thu phí cũng xảy ra thường xuyên. Nhiều tài xế cho hay, thường gặp cảnh ùn tắc tại khu vực Trạm thu phí Long Phước và hai bên nhánh trạm thu phí đoạn giao với quốc lộ 51. Tình trạng kẹt xe xảy ra thường xuyên khiến nhiều người mệt mỏi vì phải “chôn chân” suốt nhiều giờ trên đường.

* Còn khó khăn, người dân không mặn mà

Ông Cao Ngọc Hùng (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa), chủ xe đã tham gia thu phí không dừng hơn 1 năm nay cho biết, giữa năm 2018, ông đã đi đăng ký dán thẻ Etag. Bởi theo thông tin từ phía đơn vị làm thẻ, hình thức này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chủ xe không còn phải xếp hàng chờ đợi trả tiền qua trạm thu phí như trước. Nhưng sau một thời gian sử dụng, ông Hùng không hài lòng vì mỗi lần qua trạm thu phí vẫn phải xếp hàng, trả tiền mặt do việc thu phí không dừng không đồng bộ giữa các trạm với nhau.

“Tôi đi trên quốc lộ 1 thì dùng thẻ của Công ty TNHH thu phí tự động VETC, nhưng khi đi quốc lộ 51 thì trạm thu phí tại đây không dùng thẻ này. Mới đây, khi đi đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, lúc đi qua Trạm thu phí Long Phước tôi cho xe chạy vào làn thu phí không dừng thì bị nhân viên trạm yêu cầu lùi xe lại để đi vào làn thu phí trả bằng tiền mặt. Khi tôi thắc mắc, nhân viên tại đây trả lời vì thẻ của tôi không được liên kết với hệ thống của trạm thu phí này nên không được áp dụng” - ông Hùng bức xúc.

Đồ họa thể hiện xe ô tô đã dán thẻ Etag và các trạm thu phí trên toàn quốc áp dụng thu phí tự động không dùng. (Thông tin: Thanh Hải - Đồ họa: Dương Ngọc)

Ngoài ra, nhiều chủ xe cũng kêu ca vì đi tìm chỗ dán thẻ Etag tại Đồng Nai không được thuận tiện. Theo đó, nếu khách hàng không đăng ký dán thẻ Etag tại các trạm đăng kiểm thì phải đến Văn phòng của VETC ở Trạm thu phí cầu Đồng Nai (TP.Biên Hòa) mới có thể mở tài khoản để tham gia hoạt động thu phí không dừng.

Ông Lê Hùng (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) làm nghề chạy xe ô tô dịch vụ cho hay, các thủ tục tham gia thu phí không dừng hiện còn nhiêu khê, mất thời gian. Chủ xe đăng ký rồi cũng chỉ sử dụng được ở vài trạm; mỗi tuyến đường, mỗi chủ đầu tư khác nhau. Chưa kể, có trạm có thu phí không dừng, có trạm không. Cho nên có dán thẻ hay không thì vẫn cứ phải dừng, điều này gây bất tiện cho người tham gia giao thông.

“Tôi đi đăng ký dán thẻ bị từ chối vì không đủ giấy tờ, phải trình đủ loại giấy tờ gốc mới được dán thẻ. Trong khi xe tôi mua kiểu trả góp, giấy tờ ngân hàng giữ thì làm sao có đầy đủ giấy tờ gốc để nộp. Vậy nên tôi chưa tiếp cận được hình thức thu phí tự động này” - ông Hùng nói.

* Bất cập chưa được tháo gỡ

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay mới có khoảng hơn 720 ngàn trong tổng số trên 3,5 triệu phương tiện trong cả nước dán thẻ Etag, đạt khoảng 30%. Có rất nhiều lý do khiến không chỉ người dân mà các chủ doanh nghiệp vận tải không mặn mà với việc dán thẻ Etag khi sử dụng đường bộ. Trong đó, nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp ngần ngại là việc lập và quản lý tài khoản ngân hàng dùng để thanh toán thẻ thu phí không dừng.

Ông Lý Quốc Trung, Phó giám đốc Công ty TNHH thương mại Hải Minh cho biết, đơn vị là doanh nghiệp tham gia vận tải hàng hóa, có mạng lưới hoạt động rộng khắp cả nước. Nếu phải mua thẻ thu phí không dừng, công ty sẽ phải dồn một lượng tiền lớn vào các tài khoản. So với trả tiền mặt qua trạm thu phí hằng ngày, cách làm này tốn kém hơn rất nhiều.

Cũng theo ông Trung, càng nhiều đầu xe hoạt động, công ty phải nộp số tiền rất lớn vào tài khoản trước, nhưng lại không được tính lãi suất. Đặc biệt, tài khoản giao thông hiện chưa liên thông với tài khoản ngân hàng nên khi chuyển khoản còn phải mất phí. Chi phí cho vận tải hàng hóa vốn đã cao, nay phát sinh thêm các khoản mới thì chắc chắn công ty sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, theo nhiều doanh nghiệp vận tải, ngay cả khi doanh nghiệp tự nguyện mua thẻ Etag, nếu các trạm thu phí BOT trên cả nước chưa được lắp đặt hệ thống thu phí không dừng đồng bộ thì một thẻ không thể đi qua được tất cả các trạm thu phí. Muốn đi được, doanh nghiệp phải mua nhiều thẻ khác, từ đó sẽ tốn thêm chi phí trả tiền trước. Chính những tồn tại, bất cập này khiến các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, nhiều nơi chưa mua thẻ Etag hoặc phải bỏ dang dở việc sử dụng dịch vụ thu phí không dừng để chuyển sang mua vé giấy, nhất là các đơn vị giao thông công cộng.

Ông Nguyễn Xuân Thiện, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ - vận tải Thống Nhất (huyện Trảng Bom) cho biết, từ đầu tháng 2-2018, hợp tác xã đã thí điểm sử dụng thu phí không dừng trên 10 đầu xe buýt từ Đồng Nai đi TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đến nay phía hợp tác xã đã chuyển sang mua vé qua Trạm thu phí cầu Đồng Nai bằng vé giấy như trước.

“Trạm thu phí có quá ít làn thu phí không dừng nên khi lưu thông qua đây, phương tiện vẫn phải xếp hàng để chờ. Điều này dễ gây ra tình trạng chậm giờ của xe buýt, khách hàng chờ đợi lâu, chuyển sang đi xe khác ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của đơn vị” - ông Thiện nói.

Thanh Hải

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201910/loay-hoay-voi-thu-phi-khong-dung-2968826/