'Loay hoay' với bệnh án điện tử - Bài 2: Khó khăn về kinh phí

Theo lộ trình Thông tư 46/2018/TT-BYT đưa ra, từ năm 2019 đến năm 2023, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, đến năm 2030 mới triển khai đồng bộ trên toàn quốc. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện hạng I tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, để hoàn thiện bệnh án điện tử là điều không hề đơn giản.

Bệnh án điện tử được ứng dụng tại Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Bệnh án điện tử được ứng dụng tại Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Cần kinh phí lớn

Khó khăn lớn nhất để triển khai bệnh án điện tử mà các bệnh viện gặp phải là vấn đề kinh phí. Trong bối cảnh các bệnh viện đều phải tự chủ tài chính thì đây là vấn đề khó khăn chung.

Bác sỹ Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, để làm bệnh án điện tử, trước hết bệnh viện phải nâng cấp hạ tầng gồm máy tính, đường truyền internet đủ mạnh để tải dữ liệu. Sau đó là các chi phí triển khai từng hạng mục như mua các phần mềm chuyên dụng cho bệnh án điện tử, chi phí mua và duy trì chữ ký số; chi phí bảo mật thông tin mạng…

Theo ông Tuấn, chi phí để triển khai bệnh án điện tử của một bệnh viện có thể lên đến hơn 100 tỷ đồng.

Cùng chung quan điểm, bác sỹ Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, Bệnh viện Nhi đồng 1 có khoảng 6.000 lượt bệnh nhân ngoại trú và từ 1.600 - 1.700 bệnh nhân nội trú mỗi người. Số lượng bệnh nhân càng đông thì nguồn dữ liệu cần lưu trữ càng lớn, do đó muốn triển khai bệnh án điện tử phải trang bị các thiết bị cần thiết của trung tâm dữ liệu, phần mềm, máy tính... Bệnh viện Nhi đồng 1 có 400 bác sỹ do đó phải trang bị 400 thiết bị cầm tay tương ứng. Riêng hệ thống phần mềm PACs (lưu trữ và truyền hình ảnh trong y khoa) mà Bệnh viện Nhi đồng 1 đang triển khai có chi phí 30 tỷ đồng.

Ngoài trang thiết bị, phần mềm thì một trong những điều kiện quan trọng của bệnh án điện tử là chữ ký số, nhưng hiện nay chi phí để duy trì 1 chữ ký số là 1 triệu đồng/người/năm. Để triển khai bệnh án điện tử, Bệnh viện Nhi đồng 1 sẽ phải thực hiện từ 1.200 - 1.400 chữ ký số của nhân viên bệnh viện. Tính ra ngoài chi phí các trang thiết bị cố định, các chi phí bảo trì, nâng cấp hàng năm mà Bệnh viện này phải bỏ ra khi thực hiện bệnh án điện tử khá lớn.

Bác sỹ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức thừa nhận, gần 10 năm chuẩn bị chuyển đổi bệnh án điện tử là khoảng thời gian mà cả Ban Giám đốc và nhân viên bệnh viện phải tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí. Trước đây, Bệnh viện từng mua phần mềm bệnh án điện tử bên ngoài, nhưng ứng dụng không thành công. Sau đó, bệnh viện đã quyết định tuyển dụng 24 lập trình viên để viết phần mềm bệnh án điện tử cho riêng mình. Tuy vậy, đến nay việc triển khai bệnh án điện tử của Bệnh viện mới chỉ gọi là tạm ổn chứ chưa thể gọi là hoàn chỉnh, vẫn cần nâng cấp, hoàn thiện trong thời gian tới.

“Quan trọng là mỗi bệnh viện biết mình cần đầu tư những gì, phải xác định được cái gì cần đầu tư ngay, cái gì chưa cần, đầu tư phần nào trước phần nào sau, không thể bê nguyên xi mô hình của bệnh viện này sang ứng dụng vào bệnh viện khác”, bác sỹ Quân chia sẻ.

Vẫn chưa có mẫu thống nhất chung

Khẳng định bệnh án điện tử là xu hướng bắt buộc, tuy nhiên bác sỹ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh cho rằng: Thông tư 46 mới chỉ là cơ sở pháp lý để các bệnh viện bắt tay thực hiện, còn việc triển khai ra sao, thực hiện như thế nào thì hoàn toàn vẫn chưa biết. Nếu bỏ bệnh án giấy thì những vấn đề liên quan đến chữ kí của bệnh nhân sẽ thực hiện như thế nào. Các văn bản như giấy cam kết phẫu thuật, đơn xin chuyển viện, các loại giấy xác nhận nhân thân... sẽ được ký như thế nào khi người dân không có chữ ký số. Ngoài ra, một số quy định mà Bộ Y tế yêu cầu bắt buộc phải có “chữ ký tươi” của bệnh nhân thì phải làm sao?...

Theo bác sỹ Phạm Thanh Việt, trong thời gian đầu hầu hết các bệnh viện đều phải tự mò mẫm và chắc chắn mỗi bệnh viện lại có một cách triển khai khác nhau theo kiểu “mạnh ai nấy lo”. Điều này khiến cho việc thống nhất, đồng bộ, phối hợp giữa các bệnh viện gặp nhiều khó khăn.

“Quan trọng của bệnh án điện tử là phải có sự liên thông liên kết giữa các cơ sở y tế vì một bệnh nhân không chỉ đi khám, điều trị ở một bệnh viện mà điều trị tại nhiều bệnh viện khác nhau, làm sao mình có thể liên kết được những thông tin này thì bệnh án điện tử mới trở nên thực chất”, bác sỹ Phạm Thanh Việt cho biết.

Do vậy, bác sỹ Phạm Thanh Việt đề xuất Bộ Y tế cần đưa ra một mẫu bệnh án điện tử chuẩn áp dụng cho tất cả các bệnh viện trên toàn quốc để khi cần các bệnh viện có thể truy xuất, trích xuất thông tin của bệnh nhân ở các bệnh viện khác. Nếu không, khi bệnh nhân chuyển tuyến vẫn buộc phải làm thủ tục bằng giấy và đến bệnh viện tuyến sau lại phải thực hiện lại hồ sơ bệnh án từ đầu, việc triển khai bệnh án điện tử sẽ chỉ là nửa vời. Vì thế, dù có tiềm lực khá mạnh và đã đi học hỏi mô hình triển khai bệnh án điện tử tại một số nước như Nhật Bản, Singapore, nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy lại khá dè chừng trong việc xây dựng bệnh án điện tử.

“Chúng tôi sợ mình làm xong đề án bệnh án điện tử của riêng mình thì Bộ Y tế lại đưa ra một mẫu hồ sơ bệnh án điện tử khác bắt buộc phải làm theo, lúc đó dự án của mình sẽ phá sản, mất thời gian, tốn tiền bạc” bác sỹ Phạm Thanh Việt phân trần. Trước mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ triển khai xây dựng bệnh án điện tử, số hóa toàn bộ thông tin của Khoa Cấp cứu và nếu “chạy” ổn thì sẽ tiếp tục triển khai sang các khoa khác.

Tương tự, bác sỹ Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho hay, thực hiện chủ trương của Bộ Y tế, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đang nâng cấp phần mềm, bổ sung hoàn chỉnh các thông tin để chuẩn bị cho việc triển khai bệnh án điện tử. Tuy nhiên, hiện nay bệnh viện gặp khó khi phải tự mày mò, tìm hiểu phần mềm để sử dụng mà trên thị trường có khá nhiều phần mềm bệnh án điện tử khác nhau.

Do đó, bác sỹ Tuyết hy vọng Bộ Y tế hoặc Sở Y tế có một hệ thống phần mềm bệnh án điện tử chung để các bệnh viện có thể áp dụng. Điều này vừa giúp bệnh viện không mất thời gian tìm kiếm vừa có thể kết nối dữ liệu giữa các cơ sở y tế, tạo thuận lợi hơn trong công tác khám chữa bệnh.

Còn bác sỹ Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 lại lo ngại vấn đề an toàn dữ liệu bởi theo ông, hồ sơ bệnh án là loại hồ sơ pháp lý có tính bảo mật cao, một khi bị xâm nhập sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bệnh viện và cả bệnh nhân. Ngoài ra, các bệnh viện cũng phải đề phòng trường hợp hồ sơ bệnh án bị xóa mất, phải có chế độ lấy lại hồ sơ nếu chẳng may bị mất. Đây cũng là thách thức không nhỏ phải đối mặt khi triển khai bệnh án điện tử.

Tuy nhiên, theo bác sỹ Ngô Ngọc Quang Minh, dù khó như thế nào thì các bệnh viện vẫn phải bắt tay thực hiện trong thời gian tới, vì đây là chủ trương đúng đắn hướng tới cải thiện chất lượng dịch vụ của ngành y tế. Trong tương lai, ngoài bệnh án điện tử các bệnh viện cũng cần chuẩn bị điều kiện để xây dựng bệnh viện điện tử, trong đó bao gồm cả quản lý chuyên môn điện tử và quản trị bệnh viện điện tử, bởi đây là xu hướng chung trên thế giới.

Đinh Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/loay-hoay-voi-benh-an-dien-tu-bai-2-kho-khan-ve-kinh-phi-20190317144522496.htm