Loay hoay tìm nước ngọt cho đảo du lịch

Từ tháng 4, nhiều đảo du lịch ở phía Nam bắt đầu vào cao điểm mùa khô, nắng nóng và lượng khách du lịch tăng, khiến nhu cầu về nước tăng đột biến, dẫn đến một số khu vực trên huyện đảo thiếu nước sinh hoạt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chỉ một số đảo được cấp giếng

Thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước (TNN) phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam” được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phê duyệt năm 2016, Trung tâm Thẩm định và Kiểm định TNN, Cục Quản lý TNN đã thực hiện việc điều tra, đánh giá TNN tại 3 đảo gồm: Đảo Cái Chiên (tỉnh Quảng Ninh), đảo Hòn Thơm (quần đảo An Thới, tỉnh Kiên Giang) và đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam).

Hiện nay, các đảo này đều là những điểm du lịch hấp dẫn, đã và đang được đầu tư, xây dựng rất phát triển. Kèm theo đó là nhu cầu khai thác, sử dụng nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và du lịch đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và cấp thiết.

Các đảo du lịch này có một đặc điểm chung là có nguồn TNN hạn chế, đặc biệt về mùa khô hạn luôn ở tình trạng khan hiếm, thiếu nước nghiêm trọng. Nguồn nước mặt trên đảo có hạn do hồ nhỏ, suối ngắn, thường cạn kiệt về mùa khô, có đảo không có nguồn nước mặt (đảo Hòn Thơm - Phú Quốc).

Tại Cù Lao Chàm, vào mùa khô năm 2020, trước tình hình hạn hán, thiếu nước diễn ra nghiêm trọng trên đảo, ngay sau khi đơn vị thi công hoàn thành 3 giếng khoan, UBND xã đảo Tân Hiệp đã có công văn đề nghị Cục Quản lý TNN sớm bàn giao các giếng khoan cho địa phương để đưa vào khai thác, cấp nước dân sinh trên đảo. Năm 2020, Cục Quản lý TNN cũng bàn giao 3 giếng khoan tại đảo Hòn Thơm, tỉnh Kiên Giang. Trước đó, các giếng khoan trên đảo Cái Chiên được Cục Quản lý TNN bàn giao cho các Sở TN&MT và chính quyền địa phương quản lý và sử dụng.

Đến nay, 9 giếng khoan trên toàn bộ ba đảo đều có nước với lưu lượng khá lớn, chất lượng nước tốt, đủ điều kiện đáp ứng cho việc khai thác, sử dụng cấp nước cho dân sinh và nhu cầu phát triển kinh tế, du lịch trên đảo.

Cụ thể, các giếng trên đảo Cái Chiên có công suất 284m3/ngày, có khả năng đáp ứng cấp nước sinh hoạt cho khoảng 2.840 người dân trên đảo. Các giếng khoan trên đảo Hòn Thơm có công suất 482m3/ngày, đáp ứng cấp nước sinh hoạt cho khoảng 4.820 người dân. Còn các giếng trên đảo Cù Lao Chàm có công suất khoảng 442m3/ngày, đáp ứng cấp nước sinh hoạt cho khoảng 4.420 người dân trên đảo. Chỉ có 3 trên hàng trăm hòn đảo được cấp giếng khoan, mùa khô năm nay các đảo còn lại vẫn tiếp tục loay hoay giải bài toán thiếu nước ngọt.

Loay hoay giải quyết việc thiếu nước

Theo báo cáo của Trạm cung cấp nước Côn Đảo, huyện Côn Đảo (Bà Rịa -Vũng Tàu) có 144 cơ sở lưu trú với 261 bể dự trữ nước với tổng sản lượng 2.146m3. Sản lượng nước tiêu thụ của các cơ sở lưu trú trong tháng 3/2021 tăng 99,56% so với tháng 2/2021. Các dịch vụ đi kèm có sử dụng nước như nhà hàng, quán ăn… sản lượng nước thực tế tiêu thụ trong tháng 3/2021 tăng 31,93% và tăng 14,88% so với cùng kỳ, dẫn đến áp lực nước trong đường ống tại một vài khu vực vào thời gian cao điểm rất yếu, không đủ nguồn để phục vụ cho sinh hoạt của người dân.

Thực tế, Trạm này đã và đang khai thác được 20 giếng, còn lại 5 giếng tạm ngưng khai thác do chất lượng nước không bảo đảm. Với tổng dân số tại Côn Đảo vào khoảng 10.700 nhân khẩu cùng lượng du khách lên đến 4.000 người/ngày, thì mức tiêu thụ đã vượt quá khả năng cung cấp của đơn vị. Dự kiến, thời gian tới lượng khách đến Côn Đảo tiếp tục tăng sẽ dẫn đến không đủ nguồn nước máy để phục vụ sinh hoạt của người dân.

Để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, Trạm Cấp nước Côn Đảo đã đề nghị UBND huyện Côn Đảo xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền có ý kiến với các hãng vận tải ra đảo điều tiết lượng khách ra đảo (mức phù hợp khoảng 2.000 lượt khách/ngày). Đồng thời, đề nghị Sở TN&MT xem xét cho ý kiến đồng thuận khi Cục quản lý TNN lấy ý kiến về việc xin tăng hạn mức khai thác nước để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của địa phương vào thời gian cao điểm nắng nóng trong năm 2021.

Đảo Bé, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) có 100 hộ gia đình với 500 nhân khẩu. Ngoài ra, đảo còn đón lượng lớn khách du lịch còn cao hơn nhân khẩu của đảo. Tuy nhiên, việc đảm bảo nhu cầu sử dụng nước ngọt cho người dân đảo Bé vẫn chưa đảm bảo. Hàng ngày, người dân phải mua nước ngọt từ đảo Lớn chuyển qua với giá 300.000 đồng/khối. Tình trạng thiếu nước và mua nước sinh hoạt giá cao luôn là nỗi lo của người dân đảo Bé mỗi khi đến mùa khô hạn.

Được biết, dự án trữ và cấp nước cho người dân tại đây tiếp tục kéo dài từ 3 năm (2017-2020) lên thành 6 năm và đến nay vẫn chưa hoàn thành. Một số địa phương khác như ở đảo ngọc Quan Lạn - Minh Châu (Quảng Ninh), một số khách sạn nhà nghỉ, mùa khô năm ngoái đã phải từ chối đón khách từ đất liền ra vì thiếu nước sinh hoạt.

Lam Hạnh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/loay-hoay-tim-nuoc-ngot-cho-dao-du-lich-587951.html