Loay hoay tìm bến đậu xe buýt

Mặc dù là loại phương tiện có nhiều ưu đãi nhưng nhiều năm qua, tình trạng thiếu bến bãi cho xe buýt ở khu vực TP HCM vẫn chưa được giải quyết. Với hàng chục ngàn các phương tiện, nhu cầu diện tích bến bãi dành cho xe buýt được quy hoạch khoảng hơn 80 ha nhưng thực tế chỉ có khoảng chưa tới 30 ha. Nhiều chủ phương tiện xe buýt buộc phải đậu dưới lòng, lề đường hay những bến bãi tự phát khác.

Tình trạng này khiến các xe buýt sau mỗi chuyến (ngày) làm việc phải di chuyển tới nơi rất xa để đậu. Hơn nữa, công tác chăm sóc, bảo quản, hậu cần xe cũng không được duy trì, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ vận tải.

Hiện nay, thành phố có khoảng 150 tuyến xe buýt với khoảng 80 vị trí được quy hoạch làm các điểm đầu/cuối cho các tuyến xe buýt. Tuy nhiên, nhiều vị trí này là lòng đường, lề đường, khu công viên, bãi đất trống…chứ không phải là bến bãi đậu xe hoặc được xây dựng làm bến bãi đậu xe. Việc các xe buýt không có nơi đậu sau thời gian làm việc là tình trạng nan giải nhiều năm qua. Thậm chí, tình trạng này còn xảy ra giữa các khung giờ khi năng lực chỗ đậu hạn chế, xe buýt tập trung về nhiều khiến các xe khác phải chạy lòng vòng hoặc tự tìm kiếm bến đậu chờ cho tới giờ xuất bến của mình.

Như khu vực bến xe buýt tại công viên 23/9 (quận 1) hiện nay, dù có hàng trăm xe buýt đậu mỗi ngày nhưng đó vẫn là khu công viên, không phải bến xe buýt, chỉ có thể chứa rất ít số phương tiện có nhu cầu sau khi hết chuyến. Nhiều xe buýt sau khi hết ca ở quận 1, quận 3 phải chạy về tới Bình Chánh, Hóc Môn hay thậm chí tận Long An để đậu, gây khó khăn cho các chủ đầu tư phương tiện, ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng vận tải.

Ngoài việc thiếu hụt bến bãi, tình trạng phân bố các bến bãi dành cho xe buýt ở TPHCM cũng không đồng đều, ảnh hưởng lớn đến hoạt các tuyến xe. Chỉ lấy ví dụ nhỏ, khi tổ chức khảo sát lên kế hoạch các tuyến xe buýt, ngoài việc đáp ứng nhu cầu hành khách và tuyến đường, cơ quan quản lý cũng phải cân nhắc điểm đầu/cuối vì không có bến đậu. Nhiều khu vực mật độ hành khách cao, như trung tâm thành phố, các khu thương mại, chung cư…có thể lập thành điểm đầu/cuối đón trả khách; nhưng tại các nơi này, quỹ đất hạ tầng không có khiến việc bố trí lập bến không được. Vì thế, dù nhu cầu cần thiết nhưng cũng không dễ để tạo thành bến bãi ở các điểm đó. Hậu quả là tại đó chỉ có thể đặt các điểm chờ, khiến lượng hành khách bị giảm đi đáng kể.

Ông Trần Chí Trung – Giám đốc Trung tâm vận tải hành khách công cộng cho biết, quỹ đất dành cho xây dựng bến bãi đậu xe buýt hiện nay ở TPHCM đang thiếu trầm trọng. Dù Sở GTVT TP HCM cùng các đơn vị liên quan trước khi lập các điểm đầu/cuối đã khảo sát và tính toán, nhưng quá trình hoạt động vẫn phát sinh nhiều vấn đề, thậm chí không thể thực hiện được. Nhiều bến bãi phải dịch chuyển tới nơi có bến đậu nhưng lại ít hành khách. Ngoài ra, theo tính toán thì từ nay tới năm 2025, xe buýt vẫn là phương tiện giao thông công cộng chủ lực của thành phố, nếu tình trạng trên không được giải quyết thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến các quy hoạch bến bãi và hoạt động trong tương lai.

Đoàn Xá

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xe/loay-hoay-tim-ben-dau-xe-buyt-tintuc434244