Loay hoay sản phẩm xuất khẩu chủ lực

Là đô thị lớn với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đều qua các năm, nhưng TPHCM vẫn đang loay hoay đi tìm những sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu có lợi thế cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao để phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

Nhiều DN dịch chuyển khỏi TP

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết UBND TP đã giao Sở Công Thương phối hợp với Viện Chính sách công (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) và các chuyên gia đến từ Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, xây dựng đề án “phát triển xuất khẩu trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030”, trong đó có bàn về định vị sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của TP.

Mục tiêu của đề án là dự báo cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu; xác định các nhóm ngành, sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng cao trong thời gian tới; đề xuất chiến lược, hệ thống giải pháp ngắn, trung và dài hạn để phát triển lĩnh vực xuất khẩu.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng nhiều phương pháp để xác định sản phẩm xuất khẩu của TP có lợi thế giai đoạn 2012-2016; sử dụng dữ liệu của gần 14.000 DN xuất khẩu kết hợp khảo sát, phỏng vấn gần 200 DN thuộc 14 nhóm ngành hàng để xác định lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng trên sản phẩm xuất khẩu; kết hợp với các chuyên gia Đại học Havard, Hoa Kỳ xây dựng bản đồ liên kết các cụm, ngành công nghiệp của TP. Qua đó, giúp nhóm tư vấn xác định những sản phẩm mới nào có khả năng phát triển trong thời gian tới, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp.

Sản phẩm nhựa gia dụng của TPHCM không có nhiều mẫu mã để cạnh tranh hàng ngoại.

Sản phẩm nhựa gia dụng của TPHCM không có nhiều mẫu mã để cạnh tranh hàng ngoại.

Theo ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, đề án lần này được thực hiện bài bản nhưng cũng cần nhìn vào thực tế của DN. Trong giai đoạn 2016-2018 đã có thay đổi khi nhiều DN dịch chuyển khỏi TPHCM. Cụ thể, trong khoảng 200 DN nhựa xuất khẩu có hơn 100 DN rời khỏi TPHCM. Vì thế, khi lựa chọn sản phẩm tiêu biểu nên là sản phẩm sản xuất tại TPHCM. Ngoài ra phải lưu ý những sản phẩm đơn hàng nhiều, kim ngạch lớn nhưng nhiều nước đã không làm nữa.

“Để tìm kiếm những sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu, nên thông qua các hội chợ xuất khẩu quốc tế. Ở đó chúng ta sẽ có đánh giá thực chất nhất về các sản phẩm của mình. Bởi sản phẩm chúng ta làm bằng hoặc tốt hơn các nước trong khu vực mới tìm được cơ hội phát triển” - ông Việt Anh nhấn mạnh.

Cũng nói về sự dịch chuyển của các DN xuất khẩu TP, tổng giám đốc một DN dệt may tại TPHCM, cho biết trong 6 tháng đầu năm DN ông mất hơn 600 lao động và chỉ tuyển được lại 300 người. Chính vì thế, thời gian tới DN sẽ có định hướng dịch chuyển nhà máy về các tỉnh/thành khác. Thực tế những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày về lâu dài cũng sẽ có xu hướng dịch chuyển ra khỏi TPHCM.

Ngoài ra, nhiều ngành sản xuất hàng hóa xuất khẩu của TP chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ địa phương khác, nước khác. Và đây cũng là vấn đề cần quan tâm khi xem xét sản phẩm tiêu biểu.

Gắn kết vùng kinh tế
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đề án lần này mới bàn về xuất khẩu hàng hóa, chưa nói về xuất khẩu dịch vụ hay xuất khẩu tại chỗ - những mảng đang khá mạnh tại TPHCM.

Như góp ý của TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh đến 2 vấn đề cần làm rõ, hàng xuất khẩu từ TP hay TP sẽ sản xuất sản phẩm cụ thể để xuất khẩu. Nếu tập trung ở vế thứ 2, nghĩa là phải giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan đến định hướng phát triển công nghiệp. TPHCM nên tham gia chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao để xuất khẩu, tốt hơn là đứng ra sản xuất. Để làm được việc này, hoạt động sản xuất của TP phải được gắn kết với vùng kinh tế, trong đó TP có vai trò đứng ở trung tâm tạo ra chuỗi giá trị cho toàn vùng phát triển xuất khẩu.

“Nhóm tư vấn nghiên cứu cần có 1 chương trong đề án để làm rõ việc gắn kết vùng kinh tế TP. Dứt khoát phải thay đổi tư duy về hàng hóa xuất khẩu, ngay cả 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực và 9 lĩnh vực dịch vụ cũng cần xem lại, vì nhiều khả năng không còn phù hợp trong giai đoạn mới” - TS. Trần Du Lịch kiến nghị.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May 28, để nâng cao chuỗi giá trị ngành may cần phát triển các DN hoạt động ở công đoạn thiết kế, logistics và thương mại. TPHCM là nơi rất phù hợp để phát triển DN thực hiện sản xuất kinh doanh ở công đoạn này xét về lợi thế so sánh, cũng như điều kiện về nguồn lực.

Khi TP có những công ty với sản phẩm được thiết và phân phối thành công, sẽ tạo được động lực về cầu, thúc đẩy các công đoạn nguyên liệu, cắt may ở địa phương lân cận phát triển. Khi đó sẽ giúp ngành may chuyển đổi phương thức xuất khẩu theo hướng bán trọn gói thiết kế, nguyên liệu và cắt may, góp phần gia tăng chuỗi giá trị toàn ngành may.

Khi tìm kiếm sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu cần chú ý đến tính đổi mới sáng tạo của sản phẩm, vì vòng đời sản phẩm chỉ tồn tại trong một thời gian nếu không đổi mới sẽ thất bại. Ngoài ra những sản phẩm công nghệ cũng rất cần được chú ý như các sản phẩm IT. Bởi gia công phần mềm Việt Nam chỉ đứng sau Ấn Độ và mang về giá trị gia tăng cao nên cũng cần được quan tâm.

Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban quản lý Khu CNC TPHCM

Thanh Lâm

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/loay-hoay-san-pham-xuat-khau-chu-luc-61132.html