Loay hoay quản lý thương mại điện tử

Theo dự báo của giới chuyên gia thương mại điện tử (TMĐT), trên 30% dân số sẽ chuyển sang mua sắm trực tuyến vào năm 2020. Điều này cho thấy dư địa cho thương mại điện tử ở Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, do đây là ngành còn khá non trẻ nên thời gian qua, việc phát triển ngành này gặp khá nhiều khó khăn.

Nhiều quy định quản lý thương mại điện tử đã lỗi thời, không phù hợp với xu thế phát triển của loại hình này.

Bùng nổ các kênh bán hàng online

5 năm trở lại đây, TMĐT của Việt Nam có mức độ tăng trưởng nhanh, mạnh. Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho thấy, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến có xu hướng tăng dần đều ở mức trên 20%/ năm. Thế giới của kinh tế số bùng nổ là cơ hội để thị trường bán hàng online “bung lụa”. Dân số sử dụng điện thoại thông minh (smart phone) để mua sắm cũng ngày càng tăng. Dễ thấy, TMĐT trên nền tảng di động ngày càng chiếm ưu thế. Điều này thể hiện rõ ở tỷ lệ người mua sắm qua thiết bị di động đã tăng từ 6% (năm 2013) lên 41% (năm 2017), các website có phiên bản di động cũng tăng từ 15% (năm 2013) lên 72% (năm 2017).

Chia sẻ tại một cuộc hội thảo liên quan đến phát triển TMĐT ở Việt Nam, bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), cho biết: Dự kiến đến năm 2020, quy mô thị trường TMĐT của Việt Nam sẽ đạt mức 10 tỷ USD, con số này tương đương mỗi người dân sẽ bỏ ra khoảng 350 USD/ năm để mua sắm hàng hóa trên sàn TMĐT. Và theo dự báo của các chuyên gia ngành này, trên 30% dân số Việt Nam sẽ chuyển sang mua sắm trực tuyến vào năm 2020.

Những thuận lợi của TMĐT là rất rõ ràng. Người tiêu dùng không phải mất thời gian đi đến tận nơi mua sắm như kênh thương mại truyền thống. Bất kể thời điểm nào, ngày hay đêm, bất kể thời tiết nắng hay mưa, giao dịch trên sàn TMĐT cũng đều được thực hiện một cách nhanh chóng và gọn nhẹ.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc bùng nổ các kênh mua sắm online cũng đang bộc lộ khá nhiều bất cập. Mặc dù hành lang pháp lý về TMĐT (Nghị định 52/2013/NĐ-CP) đã được xây dựng khá chi tiết, đáp ứng yêu cầu về quản lý TMĐT tại thời điểm ban hành, song thực tế, thị trường TMĐT thay đổi liên tục đã làm nảy sinh rất nhiều rắc rối. Các giao dịch, dịch vụ không còn ở phạm vi một quốc gia mà đã xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động.

Quản lý vẫn… vấp

Không ít người tiêu dùng đã “dính” phải những cú lừa khi giao dịch qua các kênh mua sắm online. Phổ biến nhất là tình trạng hình ảnh online một đằng nhưng sản phẩm đến tay người tiêu dùng lại…một nẻo. Điều này cho thấy, sự phát triển của Internet và TMĐT bộc lộ những mặt trái, đặc biệt là việc kiểm soát chất lượng hàng hóa.

“Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kể cả việc mạo danh các doanh nghiệp uy tín để lừa đảo người tiêu dùng. Thực tế này đã và đang gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, nhưng quan ngại hơn, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với hoạt động TMĐT và các doanh nghiệp chân chính” – bà Hà cho biết.

Trong khi đó, những giao dịch TMĐT chủ yếu là hàng tiêu dùng, giá trị không lớn nên phần lớn người tiêu dùng khi gặp phải trường hợp “treo đầu dê bán thị chó” thường tặc lưỡi cho qua. Có thể thấy, nếu xảy ra những trường hợp tiêu cực, phần thiệt thòi chủ yếu thuộc về người tiêu dùng và những doanh nghiệp làm ăn chân chính khi bị xâm phạm đến thương hiệu, uy tín.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho biết, phần lớn khách hàng chưa thực sự tin tưởng nên vẫn đến tận nơi để mua sản phẩm. Bên cạnh đó, cũng do thiếu tin tưởng doanh nghiệp bán hàng online nên nhiều người tiêu dùng mặc dù sử dụng phương thức mua hàng trên mạng nhưng lại chỉ thanh toán trực tiếp qua một khâu trung gian (shipper). Thực tế này sẽ ẩn chứa nhiều bất cập, như việc hàng hóa nếu có lỗi thì người mua khó đổi trả, và đáng quan ngại hơn là bên bán hàng dễ bị thất thoát tiền hàng, còn phía cơ quan thuế khó quản lý nguồn thu…

Nhiều ý kiến cho rằng, với sự bùng nổ của TMĐT trong thời gian tới, đặc biệt khi nền kinh tế số phát triển ngày càng mạnh mẽ, rất cần xây dựng được khung pháp lý phù hợp để kiểm soát việc thu thuế đồng thời có những quy định pháp luật liên quan đến tài sản trí tuệ. Còn hiện nay, việc quy định hình thức kinh doanh này mới chỉ nằm ở các nghị định đã lạc hậu, không có giá trị pháp lý cao, không bắt kịp với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các kênh mua sắm online… do đó việc quản lý, điều chỉnh các hoạt động TMĐT vẫn bộc lộ nhiều điểm nghẽn.

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/loay-hoay-quan-ly-thuong-mai-dien-tu-tintuc423876