Loay hoay chuyện quản hay cấm thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam

Cùng với thuốc lá truyền thống, khoảng 3 năm trở lại đây, ở Việt Nam đã xuất hiện thuốc lá điện tử và thuốc lá nung. Ngoài những người chuyển từ thuốc lá truyền thống sang sử dụng thuốc lá điện tử, có rất nhiều thanh niên dùng loại thuốc lá này vì ngoài nhìn sành điệu hơn thì họ cho rằng hút thuốc lá điện tử đỡ độc hại hơn.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay trong việc quản lý thế nào với loại thuốc lá này khi khái niệm thuốc lá điện tử và các loại thuốc lá thế hệ mới khác không hề có trong quy định pháp luật.

Dễ mua như… rau

Giờ đây, dù ở quán cà phê sang trọng hay trà đá vỉa hè, không khó để bắt gặp một thanh niên cầm vape thuốc lá điện tử.

Thuốc lá điện tử gồm thiết bị điện tử có chức năng làm nóng thành phần dung dịch, nhằm tạo ra làn hơi có bản chất là sol khí (aresol) có chứa nicotin để người sử dụng hút vào. Thành phần phát thải của sol khí trong thuốc lá điện tử ở mức thấp hơn rất nhiều so với phát thải của khói thuốc lá truyền thống.

Rất nhiều trang thương mại điện tử ở Việt Nam quảng cáo bán thuốc lá điện tử.

Rất nhiều trang thương mại điện tử ở Việt Nam quảng cáo bán thuốc lá điện tử.

Thuốc lá điện tử có hai dạng là hệ đóng và hệ mở. Trong sản phẩm thuốc lá điện tử hệ mở, người dùng có thể bổ sung các hợp chất theo ý muốn. Đối với thuốc lá điện tử hệ đóng, người dùng phải sử dụng đầu chứa dung dịch được nhà sản xuất thiết kế dành riêng cho thiết bị. Người dùng không thể thêm bớt hay điều chỉnh thiết bị, do đó tránh được các nguy cơ mất an toàn.

Thuốc lá làm nóng là một dạng thuốc lá thế hệ mới, được chế biến từ nguyên liệu cây thuốc lá, khi sử dụng thì thải ra phần lớn hơi nước, lượng nicotin phát thải bằng hoặc thấp hơn, đồng thời giảm hầu hết hàm lượng các chất phát thải khác so với thuốc lá truyền thống. Tương tự như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng sử dụng thiết bị để làm nóng thuốc lá mà không diễn ra quá trình đốt cháy.

Đặc biệt, hiện nay nhiều văn phòng, công sở đều có quy định cấm hút thuốc lá khiến nhiều người cảm thấy khó khăn khi sử dụng. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc lá điện tử có phần dễ chịu hơn với những người xung quanh vì nó không gây mùi hôi. Chính sự sành điệu và thuận lợi khi sử dụng, tạo cảm giác “an toàn” cho người sử dụng nên thuốc lá điện tử thu hút những người nghiện thuốc lá.

Có cầu ắt có cung, chỉ cần vào google gõ dòng chữ “Bán thuốc lá điện tử”, lập tức cho ra hơn 20 triệu kết quả với những lời quảng cáo rất hấp dẫn như: “Thuốc lá điện tử có mức nicotin điều chỉnh được, bên cạnh đó thuốc lá điện tử không gây mùi khó chịu và an toàn khỏi lửa, mang đến cho bạn cảm giác thoải mái khi sử dụng”; “Thuốc lá điện tử mang đến cho bạn nhiều hương vị khác nhau, bạn sẽ có một loạt các lựa chọn khác nhau như: vị như một bánh sô cô la, bạc hà tươi mát, một quả dâu tây nhẹ.”; “Khói của vape có độ ngon và đậm đà kích thích vị giác không khác gì thuốc lá thông thường. Tinh dầu thuốc lá điện tử thường chứa một hàm lượng nicotin vừa đủ để loại bỏ cơn thèm thuốc. Đặc biệt, khói thuốc không có mùi hôi mà sẽ có hương thơm mát...”.

Chính vì sự hấp dẫn của loại thuốc lá này nên nhiều người nghiên thuốc lá truyền thống đã chuyển sang sử dụng thuốc lá điện tử vì nghĩ rằng sẽ đỡ độc hại với sức khỏe hơn.

Tháng 9/2020, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) thu giữ 1.348 sản phẩm hàng hóa là máy hút thuốc lá điện tử và các phụ kiện tại quán cà phê tại số 5 Ngô Quyền và số 6 Nhà Chung.

Quản thế nào?

Trong khi thực tế thuốc lá điện tử và các loại thuốc lá thế hệ mới đang tạo ra xu hướng tiêu dùng mới thì các cơ quan chức năng đang loay hoay với việc quản lý. Bởi đến thời điểm này, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đều được nhập lậu và kinh doanh bất hợp pháp tại Việt Nam và tần suất cũng như số lượng thu giữ qua các vụ buôn bán, kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đang tăng dần lên.

Năm 2019, Cục Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ trên 200 sản phẩm thuốc lá điện tử; Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh bắt giữ trên 16.000 bao thuốc lá làm nóng trong năm 2020. Tháng 1/2020, Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan đã bắt giữ 78.800 điếu thuốc lá làm nóng thương hiệu HEETS lại Sân bay Tân Sơn Nhất.

Tháng 4/2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ 39.800 điếu thuốc lá làm nóng thương hiệu Marlboro. Do chưa có quy định cụ thể nên các lực lượng quản lý thị trường chỉ xử lý giống các trường hợp sản phẩm nhập lậu, chưa có chế tài để xử lý mạnh như việc buôn lậu thuốc lá thông thường. Thực tế yêu cầu cần có sự thống nhất về cơ sở pháp lý để xử lý các vụ việc tương tự.

Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, cho biết, điều đáng lo là không chỉ mua bán trên thương mại điện tử, loại hình thuốc lá thế hệ mới này còn xuất hiện tại một số điểm bán hàng công khai trên thị trường. Việc kinh doanh, quảng cáo tràn lan các sản phẩm nêu trên vi phạm các quy định của pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân và các hệ lụy khác đối với xã hội.

Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện nay không phù hợp để điều chỉnh quản lý thuốc lá thế hệ mới, chưa có chế tài xử lý thuốc lá thế hệ mới nên Quản lý thị trường chỉ có thể xử lý đây là loại hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nên các việc xử lý chưa sát với hành vi vi phạm.

Từ góc độ chuyên gia pháp luật, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp, cho rằng đối với thuốc lá thế mới, cần phải được nghiên cứu kỹ để xem xét tới tác hại, ảnh hưởng của nó tới sức khỏe người sử dụng và tới cộng đồng, môi trường, người xung quanh để có những biện pháp phòng, chống tác hại cho phù hợp khi được phép lưu thông, sử dụng tương tự như thuốc lá truyền thống.

Dung dịch thuốc lá loại điện tử có hàm lượng nicotine khác nhau.

Do đó, để có nhận định đầy đủ trên cơ sở các bằng chứng nghiên cứu khoa học y tế làm cơ sở cho việc xác định biện pháp quản lý phù hợp, các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thống nhất đưa ra các nghiên cứu, nhận định, đánh giá khoa học về các tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng tới sức khỏe người sử dụng và tới môi trường xung quanh; phân tích và chỉ rõ những điểm tương đồng, khác biệt của hai loại thuốc lá này với thuốc lá điếu và các loại nguyên liệu để sản xuất thuốc lá đang được định nghĩa và điều chỉnh bởi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Từ đó đưa ra các nhận định cần cấm sử dụng và lưu thông trên thị trường hoặc được hạn chế sử dụng hay sử dụng với các điều kiện bảo đảm giảm thiểu tác hại tới người sử dụng và môi trường.

Theo ông Phùng Đức Thịnh, Văn phòng Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đều là sản phẩm ngoại nhập và chưa có tiền lệ. Những tác động kinh tế, xã hội của việc luật hóa dòng sản phẩm này cần được đánh giá một cách đầy đủ. Giai đoạn thí điểm cũng giúp Chính phủ và các cơ quan quản lý có thêm thời gian để đánh giá mức độ rủi ro của sản phẩm nhằm xây dựng chính sách phù hợp nhất, đảm bảo được tính phổ quát và khả năng áp dụng lâu dài.

Ngành công nghiệp thuốc lá trong nước cần ít nhất 12 tháng để chuẩn bị năng lực cạnh tranh và tạo sự ổn định trong ngành thuốc lá trước khi cho phép thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử được nhập khẩu, kinh doanh và phân phối tại Việt Nam.

Tại cuộc Tọa đàm với chủ đề “Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới” vừa tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 50 đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp, kinh tế và cơ quan báo chí, các đại biểu cũng cho rằng không nên ngay lập tức luật hóa tại thời điểm này mà bỏ qua giai đoạn thí điểm cho phép nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam. Bởi lẽ, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử là kết quả của việc áp dụng công nghệ trên toàn cầu, hiện vẫn còn rất mới mẻ đối với ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam và các cơ quan quản lý.

Việc thí điểm sẽ giúp Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ thông tin và cơ sở chính xác để đánh giá tác động kinh tế và xã hội của việc hợp pháp hóa dòng sản phẩm này cũng như đánh giá mức độ rủi ro của sản phẩm. Từ đó sẽ giúp xây dựng một khung pháp lý phù hợp với chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại thuốc lá và đảm bảo dung hòa quyền lợi của các chủ thể liên quan, bao gồm Nhà nước, người tiêu dùng, nhà sản xuất thuốc lá và nông dân trồng thuốc lá.

Hiện nay, hơn 55 quốc gia trên thế giới đã chính thức cho phép sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối trên thị trường các loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia nên kiểm soát thuốc lá làm nóng theo Công ước khung về kiểm soát thuốc là (FCTC) và Luật Phòng chống tác hại thuốc lá của quốc gia. WHO xác định thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá do đó thuốc lá làm nóng chịu sự điều chỉnh của Công ước khung FCTC và tương ứng với pháp luật Việt Nam đó là Luật Phòng chống tác hại thuốc lá.

Tân Lương

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/loay-hoay-chuyen-quan-hay-cam-thuoc-la-the-he-moi-tai-viet-nam-619589/