Loay hoay bài toán xóa độc quyền sách giáo khoa

Câu chuyện thiếu sách giáo khoa (SGK) cục bộ vào dịp đầu năm học vừa qua một phần nguyên nhân từ việc NXB Giáo dục Việt Nam đang được độc quyền in ấn và phát hành SGK cùng với những tranh luận về tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, mỗi địa phương quy định vở bài tập riêng... đang đặt ra những bất cập trong việc xóa độc quyền SGK.

Phụ huynh, học sinh cần được quyết định việc chọn SGK. Ảnh: Huyên Nguyễn

Lo ngại mỗi địa phương một bộ sách giáo khoa

Địa phương nào cục bộ chọn SGK theo địa phương ấy, giáo dục không tổng thể, không toàn diện... là những lo ngại được các ĐBQH trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra thảo luận, góp ý trong phiên họp bàn về Dự án sửa đổi Luật Giáo dục mới đây.

Theo đó, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trăn trở về quy định một chương trình nhiều SGK, nhất là với tiểu học. Bà Hải cho biết, trong Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội đã nêu về một chương trình nhiều SGK. Nội dung này đã được trình bày trong Điều 29 của Dự án sửa đổi Luật Giáo dục nhưng chưa được quy định rõ ràng. Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh cần phải hết sức cân nhắc quy định một chương trình nhiều SGK, nhất là với tiểu học. Bà Hải đề nghị bổ sung quyền của người học và phụ huynh học sinh trong việc được biết về bộ sách nhà trường chọn học và có đồng ý theo học bộ sách được chọn đó không.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ bày tỏ lo ngại nếu để nhà trường chọn SGK có thể dẫn đến tiêu cực rất lớn: “Giáo viên gợi ý học sinh phải mua, không mua lại gây khó khăn trong chấm điểm. Tôi cho rằng, nhất thiết phải thống nhất một loại SGK cả nước. Không thể để các trường, địa phương nào thích chọn loại SGK nào thì chọn. Cuối cùng giáo dục theo truyền thống Việt Nam thì bị bỏ, chỉ theo các tỉnh thôi, dẫn đến cục bộ. Giáo dục như thế là không toàn diện, không tổng thể”, ông Tỵ nói.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thẳng thắn chỉ rõ những bất cập trong sử dụng SGK: “Tỉnh Quảng Nam có sách vở riêng cho Quảng Nam, rồi tỉnh nào có riêng cho tỉnh đó thì nền giáo dục như thế là không được”. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nêu bất cập về việc sử dụng từ ngữ vùng miền khiến học sinh không nắm bắt được... SGK phải thông dụng cho học sinh, giáo viên cả nước cùng hiểu.

Xóa độc quyền vẫn lo độc quyền

Không chỉ lo mỗi địa phương cục bộ chọn SGK mà ngay trong việc xóa độc quyền SGK cũng có nhiều khó khăn. Với những điều mới mẻ chưa bao giờ có trong lịch sử giáo dục Việt Nam về việc nhà trường được chủ động chọn sách trong nhiều bộ sách, cuốn SGK, nhiều người đặt giả thuyết dư luận không quen dẫn tới những phản ứng tiêu cực trước những vấn đề khác biệt, mới mẻ.

Thậm chí mới đây, những phản ứng dữ dội về tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục được nhiều người thẳng thắn bày tỏ nghi ngờ việc có “lợi ích nhóm” nhằm “đánh hội đồng” khi tài liệu này có thể sẽ là một SGK khi cơ chế độc quyền SGK bị bãi bỏ.

GS Hồ Ngọc Đại - người chủ trì biên soạn tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục cho biết, trong 40 năm ra đời và tồn tại, chương trình Công nghệ giáo dục gây nhiều tranh cãi, nhưng chưa lần nào tranh cãi lại “dữ dội” như vậy. Ông cho rằng có lợi ích nhóm đằng sau chuyện sách của mình bị “đánh hội đồng” và những manh nha cuộc chiến giành thị phần SGK mới.

“Hiện nay, gần 50% học sinh lớp 1 của Việt Nam đang học sách tôi, thì hẳn sẽ có nhiều nhóm làm SGK khác bị ảnh hưởng về lợi ích. Và tôi cho rằng cơn bão tấn công tôi xuất phát từ đó” - GS Hồ Ngọc Đại nhìn nhận.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - ĐBQH, Phó giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội từ năm 2017 cũng cho rằng có lợi ích nhóm đằng sau vụ tranh luận trên mạng xã hội với những lời lẽ phản cảm chỉ trích tài liệu Công nghệ Giáo dục thời gian qua.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói, ông quyết "lôi ra ánh sáng" lợi ích nhóm muốn xóa sổ Công nghệ Giáo dục và trường Thực nghiệm, cũng như để độc quyền SGK.

Từ đó, nhiều người vẫn bày tỏ lo ngại khi thực hiện một chương trình, nhiều SGK, tính cạnh tranh lành mạnh có thực sự, nhất là khi Bộ GDĐT cũng đang chủ trì xây dựng một bộ SGK lấy từ ngân sách nhà nước. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT nhấn mạnh không để địa phương chọn sách cho “đẹp lòng” Bộ GDĐT.

Ông Thành cho biết, thực hiện Nghị quyết 88, Bộ GDĐT chủ trì biên soạn một bộ SGK do ngân sách nhà nước bảo đảm. Việc tổ chức biên soạn được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT. Trường hợp cần lựa chọn nhà xuất bản chủ trì biên soạn SGK thì việc lựa chọn sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Hiện nay, tại các cơ sở giáo dục, việc thực hiện phương pháp dạy học tích cực, hoạt động dạy học đã không còn quá lệ thuộc vào SGK. Vì vậy, sẽ không xảy ra tình trạng muốn "an toàn" hay làm "đẹp lòng" Bộ mà phải chọn SGK do Bộ chủ trì biên soạn. SGK nào có chất lượng tốt, tạo thuận lợi cho việc dạy và học tích cực để phát triển năng lực sẽ có lợi thế, được đông đảo học sinh, giáo viên lựa chọn.

Để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa SGK do Bộ GDĐT chủ trì biên soạn với các SGK khác, Bộ GDĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá SGK.

Ông Thành thông tin thêm, học sinh, phụ huynh sẽ được quyền chọn lựa SGK, ai vi phạm quyền này sẽ có chế tài xử lý nghiêm: “Bộ GDĐT đang xây dựng Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở giáo dục phổ thông theo nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh. Sẽ có quy định cụ thể trách nhiệm của sở GDĐT, phòng GDĐT, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trong việc quản lý việc lựa chọn, sử dụng SGK; có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, cha mẹ học sinh. Làm tốt được việc này sẽ bảo đảm các SGK có chất lượng tốt sẽ được đông đảo học sinh lựa chọn”, ông Thành nói.

Về vấn đề giao Bộ GDĐT chủ trì biên soạn một bộ SGK, ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết, việc này nhằm đảm bảo trong trường hợp xã hội hóa viết SGK chưa thực hiện được tốt, không có nhiều SGK như mong muốn thì vẫn có một bộ SGK đảm bảo chất lượng. “Không có gì đảm bảo là đến “giờ G” khi chúng ta thực hiện đổi mới chương trình, SGK lại có đủ cho người dân lựa chọn. Phải có một bộ SGK đảm bảo chất lượng để đảm bảo việc dạy và học - đó là trách nhiệm của nhà nước, mà đại diện ở đây là Bộ GDĐT. Không thể “thả nổi” hoàn toàn cho xã hội hóa được”.

Bỏ độc quyền sách giáo khoa là xu hướng tất yếu, tuy nhiên vấn đề này cần đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh. Mỗi cuốn sách được chọn thực sự vì người học chứ không bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Để thực hiện được việc này, thiết nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước cần có những quy định cụ thể, rõ ràng nhằm hạn chế những lo ngại trên.

huyên nguyễn - cao nguyên

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/loay-hoay-bai-toan-xoa-doc-quyen-sach-giao-khoa-631979.ldo