Loạt tượng đài phải ghé thăm ở 'trái tim' thủ đô Hà Nội

Tượng đài vua Lý Thải Tổ, tượng đài vua Lê Thái Tổ và tượng đài Quyết tử là những điểm đến đầy ý nghĩa mà du khách phương xa không nên bỏ qua trên hành trình khám phá Hồ Gươm - trái tim thủ đô Hà Nội.

1. Nằm ở vườn hoa Lý Thái Tổ, tượng đài vua Lý Thái Tổ được dựng nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2004) và chào đón kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

1. Nằm ở vườn hoa Lý Thái Tổ, tượng đài vua Lý Thái Tổ được dựng nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2004) và chào đón kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

Tượng đài được khởi công ngày 17/08/2004, khánh thành ngày 7/10/2004, do nhà điêu khắc Vi Thị Hoa sáng tác. Tượng được làm bằng đồng nguyên chất, đúc liền khối, nặng 32 tấn (tượng 12 tấn, bệ 20 tấn), cao 10,1m (tượng cao 6,8 mét, bệ cao 3,3 mét), hướng nhìn ra hồ Hoàn Kiếm.

Trong lịch sử Việt Nam, vua Lý Thái Tổ (974 – 1028) là một trong những vị vua vĩ đại nhất, người khởi lập thành Thăng Long và tạo dựng nên mảnh đất ngàn năm văn hiến. Vào năm 1010, ông đã chuyển kinh đô của nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư ra thành Đại La (Thăng Long – Hà Nội sau này).

Kể từ ngày tượng đài được xây dựng, vườn hoa Lý Thái Tổ đã trở thành một địa điểm tụ họp quen thuộc của người dân thủ đô, cũng như điểm tham quan mà hầu như du khách nào tới từ phương xa cũng ghé thăm khi đặt chân đến Hà Nội.

2. Nằm bên bờ Tây hồ Gươm, tượng đài vua Lê Thái Tổ là tượng đài cổ nhất của Hà Nội. Theo sử cũ, khu vực xây tượng đài xưa kia từng có một đền thờ vua Lê Thái Tổ. Đến năm 1894, tượng đài được dựng trên nền đền cũ để tưởng nhớ vua Lê vì Hồ Gươm gắn với truyền thuyết vua trả gươm cho thần Kim Quy.

Tượng đài này nằm trong một khuôn viên rộng trồng nhiều cây xanh, các công trình từ ngoài vào trong gồm cổng, nhà phương đình và tượng đài. Phần tượng đài dựng trên một cấp nền cao hơn 0,8 mét, có bậc tam cấp dẫn lên ở giữa, hai bên có tượng hổ chầu, phía sau có bình phong.

Trên đỉnh trụ là tượng vua Lê Thái Tổ được đúc bằng đồng. Tượng cao khoảng 1,2 mét, tạo hình trong tư thế đứng, tay phải cầm kiếm hơi chúc xuống, tay trái chống vào hông. Đầu vua đội mũ bình thiên, bốn góc có treo kim tòng, mình mặc áo long bào, đeo đai lưng.

Toàn bộ các hạng mục của khu tượng đài có sự kết hợp hài hòa với khung cảnh của Hồ Gươm, vừa mang vẻ trang nghiêm vừa không kém phần nên thơ. Đây vừa là một công trình thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, vừa là một điểm đến mà du khách không nên bỏ qua ở Hồ Gươm.

3. Nằm cạnh đền Bà Kiệu và đối diện cổng đền Ngọc Sơn, tượng đài Quyết tử để tổ quốc quyết sinh hay tượng đài Quyết tử là một công trình tôn vinh cuộc Kháng chiến toàn quốc ở Hà Nội cuối năm 1946 đầu năm 1947.

Được cố nghệ sĩ Kim Giao sáng tác năm 1984, công trình thể hiện hình ảnh ba nhân vật: Người chiến sĩ Vệ quốc đoàn, anh công nhân và cô gái mặc áo dài. Ba hình tượng đều được thể hiện với tính chiến đấu cao, là đại diện cho ba lực lượng vũ trạng - công nhân - trí thức tham gia cuộc Toàn quốc kháng chiến.

Phía dưới ba hình tượng này là bệ tượng đài được thể hiện như một khối thép nung đầy góc cạnh, ở giữa là khẩu hiệu "Quyết tử để tổ quốc quyết sinh" - lời trích từ bức thư động viên Bác Hồ gửi cho các chiến sĩ Vệ quốc đoàn ở Hà Nội những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

Có thể nói, tượng đài Quyết tử là một công trình mang tính tượng trưng cao, thể hiện tinh thần bất khuất, ý chí dũng cảm của quân và dân thủ đô trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử dân tộc. Đây cũng là một địa danh đã ghi dấu trong ký ức của nhiều người Hà Nội...

Mời quý độc giả xem clip: Kiến trúc cổ kinh thành Thăng Long.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/loat-tuong-dai-phai-ghe-tham-o-trai-tim-thu-do-ha-noi-1353589.html