Loạt sản phẩm công nghệ độc đáo tại MWC 2023

Tại triển lãm MWC 2023 đang diễn ra ở Barcelona (Tây Ban Nha), hàng loạt màn ra mắt sản phẩm độc đáo với các ý tưởng thiết kế màn hình cuộn, sạc dự phòng tản nhiệt nước cho điện thoại...

Triển lãm Di động toàn cầu (Mobile World Congress - MWC) là một trong những sự kiện về công nghệ di động và viễn thông quy mô lớn hàng đầu thế giới. Năm nay, MWC 2023 diễn ra từ ngày 27/2 đến ngày 3/3 với hơn 2.000 gian hàng. Chủ đề chính của MWC 2023 là "Kết nối," trong đó chú trọng vào triển khai công nghệ 5G.

Tại đây, các công ty sẽ trình diễn các sản phẩm đột phá như một bước tiến công nghệ mới nhất của toàn ngành di động. Chuyên trang Android Authority đã điểm lại những sản phẩm đột phá trong năm nay.

Laptop màn hình cuộn

Tại MWC 2023, Lenovo gây ấn tượng khi giới thiệu chiếc máy tính xách tay đầu tiên có màn hình cuộn.

Khi nhấn vào công tắc nhỏ ở bên phải khung máy, màn hình ngay lập tức dãn ra theo chiều dọc. Công tắc sẽ khởi động động cơ bên trong, kéo màn hình ra khỏi bên dưới bàn phím máy tính. Ngoài ra, Lenovo cũng trang bị điều khiển từ xa để mở rộng hoặc thu gọn kích thước màn hình.

Về độ phân giải, laptop của Lenovo có độ phân giải là 2.024 x 1.604 khi ở chế độ thông thường và 2.024 x 2.368 khi được mở rộng hoàn toàn.

Về độ bền, Lenovo cho biết công ty đang hướng tới mục tiêu đạt được 20.000 đến 30.000 lần cuộn, tương tự như chiếc laptop ThinkPad X1 màn hình gập của hãng.

Smartphone màn hình cuộn

Lenovo trình diễn nguyên mẫu điện thoại thông minh màn hình cuộn Motorola Rizr. Ở tư thế tiêu chuẩn, máy có kích thước 5 inch. Khi chạm 2 lần vào nút nguồn, hệ thống cơ học sẽ di chuyển để cuộn màn hình ra phía trước, tạo thành kích thước 6,5 inch.

Ngoài ra, màn hình sẽ cuộn lại theo hình chữ U và khi cuộn lại hết cỡ, một phần của màn hình sẽ nằm ở mặt sau của thiết bị. Khi đó, người dùng có thể sử dụng phần màn hình này làm kính ngắm khi chụp ảnh selfie bằng camera sau của điện thoại.

Ý tưởng của Lenovo là điện thoại sẽ tự động điều chỉnh màn hình để phù hợp hơn với các ứng dụng khác nhau, cho phép người dùng tùy chỉnh kích thước màn hình mà họ muốn cho từng trường hợp sử dụng.

Một điểm thú vị khác là màn hình có thể ẩn camera selfie và tai nghe, đồng thời hiển thị chúng khi bạn gọi điện thoại hoặc chụp ảnh selfie.

Lenovo còn hứa hẹn sẽ thêm tính năng phát các hình ảnh động bắt mắt dễ thương ở màn hình phía sau để thu hút trẻ nhỏ nhìn vào điện thoại khi người dùng muốn chụp ảnh chúng.

Smartphone hỗ trợ tự sửa tại nhà

Là một trong 3 smartphone được HMD Global ra mắt tại MWC 2023, Nokia G22 tập trung vào tính bền vững với khả năng thay thế linh kiện đơn giản, dành cho những người muốn dùng điện thoại lâu nhất có thể.

HMD đã hợp tác với công ty sửa chữa điện thoại iFixit để cung cấp các bộ dụng cụ, linh kiện và sách hướng dẫn đi kèm. Khi đó, chủ sở hữu Nokia G22 sẽ được trang bị các công cụ có khả năng tháo lắp và thay thế các linh kiện đã chọn tại nhà một cách nhanh chóng.

Nokia G22 dự kiến ra mắt đầu tiên tại Anh vào ngày 8/3 tới với giá 180 USD và bộ dụng cụ tháo lắp sẽ có giá 6 USD.

Android Authority đánh giá sự xuất hiện của sản phẩm hứa hẹn mở ra một xu hướng mới cho ngành công nghiệp smartphone, vốn rất hạn chế về khả năng sửa chữa.

Smartphone có thiết kế camera siêu lạ

Honor Magic5 Pro sở hữu 3 camera sau (camera chính, góc siêu rộng và tiềm vọng) với cùng độ phân giải 50 MP, riêng camera chính có khẩu độ f/1.6. Đây là một bản nâng cấp lớn về khả năng thu sáng so với Magic 4 Pro có cảm biến 1/1.56” và khẩu độ f/1.8.

Honor còn trang bị tính năng chống rung quang học trên camera chính (Magic 4 Pro đã bị lược bỏ OIS). Camera rộng 50MP (122°) cũng có khẩu độ sáng hơn, f/2.0 (so với f/2.2 trên Magic 4 Pro).

Thiết bị dùng màn hình 6,81 inch, tần số quét 120 Hz, chip xử lý Snapdragon 8 Gen 2, pin 5.100 mAh, sạc nhanh có dây 66 W và tiêu chuẩn chống nước IP68. Magic5 Pro có giá 1.300 USD cho tùy chọn RAM 12 GB, bộ nhớ 512 GB.

Tản nhiệt nước cho điện thoại

Tại MWC 2023, OnePlus đang gây chú ý với sản phẩm bộ sạc không dây kèm tản nhiệt chất lỏng OnePlus 45W Liquid Cooler chuyên biệt dành cho điện thoại, hứa hẹn giúp điện thoại mát hơn 20 độ C. Đây là con số gần như không tưởng khi mà hầu hết các điện thoại hiện nay đều sử dụng giải pháp làm mát thụ động với buồng chứa hơi chất lỏng chưa giải quyết được vấn đề hoàn toàn.

Bộ làm mát bằng chất lỏng 45W sử dụng hiệu ứng Peltier để giảm nhiệt độ. Sự khác biệt ở đây là phần làm mát không được gắn vào máy mà xử lý riêng trong một thiết bị riêng biệt, kết nối với nguồn điện. Một đường ống kết nối thiết bị này với kẹp gắn lên smartphone để tản nhiệt đem tới chất lỏng lạnh và hút nhiệt ra khỏi điện thoại. Vì vậy, bạn phải cắm điện liên tục trong quá trình sử dụng.

Điểm cộng là thiết bị làm mát này không kết nối với cổng sạc của điện thoại, nên nó có thể được sử dụng với bất kỳ điện thoại nào chứ không chỉ điện thoại của OnePlus. Một trong những tính năng thú vị tiếp theo đó là bạn có thể tùy chỉnh mức độ làm mát để nó hoạt động hiệu quả hơn và êm hơn thay vì lúc nào cũng bật hết công suất.

Thiết bị giúp điện thoại kết nối vệ tinh

Hiện đã có một số hãng smartphone tích hợp tính năng vệ tinh nhằm hỗ trợ liên lạc khẩn cấp ở nơi không có sóng. Tuy nhiên, người dùng có thể chọn giải pháp đơn giản hơn bằng thiết bị Defy Satellite Link của Motorola.

Defy Satellite Link là phụ kiện nhỏ gọn, kết nối với điện thoại iOS và Android qua Bluetooth để gửi/nhận tin nhắn văn bản, chia sẻ vị trí hoặc tự kích hoạt cuộc gọi khẩn cấp ở nơi không có sóng điện thoại thông qua vệ tinh. Giá sản phẩm 99 USD, nhưng người dùng cần mua thêm gói dịch vụ Bullitt Group với giá 4,99 USD/tháng.

Đánh giá sức khỏe qua video selfie

Giải pháp từ NuraLogix giúp quá trình theo dõi sức khỏe trở nên đơn giản hơn chỉ với một đoạn video selfie.

Công nghệ mang tên Anura có thể phân tích chỉ số sức khỏe của một người bằng cách quay selfie dài 30 giây. Video sau đó dùng công nghệ Transdermal Optical Imaging để nhận diện sắc tố khuôn mặt, đưa ra các dự đoán về sức khỏe và lời khuyên điều trị. Công ty cho biết độ chính xác hiện đạt trên 90%.

Theo các chuyên gia, công nghệ của NuraLogix có tiềm năng giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh từ xa hiệu quả hơn. Hiện bản thử nghiệm Anura đã có mặt trên iOS và Android nhưng tính năng hạn chế.

Camera dùng điện không dây Mẫu camera Archos Cota Wireless Power Security của Ossia có thiết kế không cần dùng dây. Công ty tuyên bố đây là sản phẩm chạy bằng năng lượng không dây đầu tiên được bán trên thị trường.

Archos Cota Wireless Power Security có thể được đặt bất cứ đâu trong nhà, miễn là khoảng cách không quá 9 mét so với bộ phát điện không dây. Bộ phát này có công suất chỉ 2 W, nhưng đủ cung cấp năng lượng cho camera an ninh. Theo Ossia, giải pháp của công ty phù hợp cho những nơi không thể kéo dây điện.

Công nghệ biến ảnh chụp nhòe thành sắc nét

Nhà thiết kế cảm biến Prophesee đã hợp tác với Qualcomm để tạo ra công nghệ Metavision giúp biến hình ảnh lỗi trở nên sắc nét.

Metavision sử dụng AI và sức mạnh của chip Snapdragon để phân tích các pixel trên bức ảnh, sau đó sắp xếp và tối ưu hóa dựa trên ngữ cảnh của ảnh đó. Trong thử nghiệm trên smartphone chạy chip Snapdragon 8 Gen 1, công nghệ đã giúp xử lý ảnh nhòe trở nên sắc nét hơn.

Qualcomm và Prophesee kỳ vọng sớm ứng dụng Metavision, cũng như đang đàm phán với các nhà sản xuất bên thứ ba để đưa công nghệ này lên máy ảnh smartphone.

Hà Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/loat-san-pham-cong-nghe-doc-dao-tai-mwc-2023-post18448.html