Loạt quan chức thân cận ông Putin bị trừng phạt, Nga nói quan hệ với EU bị hủy hoại

Nga nói mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) đã bị hủy hoại sau khi liên minh này trừng phạt loạt trợ lý cấp cao của Tổng thống Nga Vladimir Putin và 1 trung tâm nghiên cứu khoa học của nước này.

Liên minh châu Âu (EU) và Anh ngày 15/10 tuyên bố trừng phạt 6 quan chức cấp cao thân cận với Tổng thống Vladimir Putin.

Liên minh châu Âu (EU) và Anh ngày 15/10 tuyên bố trừng phạt 6 quan chức cấp cao thân cận với Tổng thống Vladimir Putin.

Liên minh châu Âu (EU) và Anh ngày 15/10 tuyên bố trừng phạt 6 quan chức cấp cao thân cận với Tổng thống Vladimir Putin vì cáo buộc liên quan tới nghi án đầu độc chính trị gia đối lập Alexei Navalny.

Các quan chức nằm trong danh sách bị trừng phạt gồm ông Andrei Yarin, người đứng đầu Ban cố vấn chính sách cho Tổng thống Putin; ông Sergei Kiriyenko, phó chánh văn phòng thứ nhất của Điện Kremlin; ông Sergei Menyaylo, đặc phái viên của ông Putin tại Siberia; ông Alexander Bortnikov, giám đốc Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) và 2 thứ trưởng quốc phòng Pavel Popov và Alexei Krivoruchko.

EU cũng trừng phạt Viện Nghiên cứu Khoa học Nhà nước về Hóa học và Công nghệ Hữu cơ Nga, cơ quan được cho là chịu trách nhiệm tiêu hủy kho vũ khí hóa học được kế thừa từ Liên Xô.

Theo đó, Anh và EU sẽ giới hạn đi lại và đóng băng tài sản của các cá nhân, tổ chức bị trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt có hiệu lực từ ngày 15/10.

Nga phản ứng gay gắt

Lệnh trừng phạt của EU đã vấp phải loạt chỉ trích gay gắt từ chính quyền Nga.

"Động thái của EU đã làm hủy hoại quan hệ với chúng tôi. Đây là bước đi không thân thiện có chủ đích. Nga sẽ có đáp trả thích đáng", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên ngày 16/10 khi được hỏi về phản ứng của Nga trước lệnh trừng phạt của EU.

Nga cho rằng thật phi lý khi mối quan hệ giữa EU và Moscow bị đe dọa chỉ vì một người mà châu Âu tin là thủ lĩnh của một số hình thức đối lập.

Trước đó, ngày 14/10, Điện Kremlin tuyên bố Nga không thể chấp nhận cách hành xử của EU đối với nga liên quan đến vụ ông Navalny nghi bị đầu độc, đồng thời cho biết không thể duy trì đối thoại với EU bằng những nỗ lực của riêng Nga.

Ông Peskov cho biết Nga có thể phải đóng băng đối thoại với EU vì không hiểu cái mà ông gọi là "nhu cầu đối thoại tôn trọng lẫn nhau".

Ông Peskov nhấn mạnh Nga không phải là nước ngừng đối thoại với EU ở mọi cấp, nhưng Moscow không thể tha thứ cho cách mà EU đã đối xử với Nga trong vụ Navalny.

Ông Alexei Navalny, 44 tuổi, lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Nhân dân Nga, đã phải nhập viện tại thành phố Omsk sau khi bất tỉnh trên một chuyến bay nội địa tới Moscow ngày 20/8. Máy bay chở ông Navalny đã phải hạ cánh khẩn cấp.

Những thông tin ban đầu trên truyền thông quốc tế cho biết ông Navalny bất tỉnh sau khi đã uống tách trà đen ở sân bay. Tới ngày 22/8, ông đã được đưa tới bệnh viện Charité ở Berlin, Đức để điều trị.

Các trợ lý trong đội ngũ của ông cho biết chất độc thần kinh dùng để đầu độc ông Navalny được tìm thấy trong vỏ chai nước tại phòng khách sạn của ông này ở thành phố Tomsk, Siberia.

Theo thông tin đăng tải trên tài khoản Instagram của ông Navalny, một phòng thí nghiệm ở Đức đã phát hiện dấu vết của chất độc thần kinh Novichok trên chai nước lấy từ khách sạn Tomsk. Sau đó một số phòng thí nghiệm khác của Pháp và Thụy Điển cũng tiến hành phân tích và xác nhận ông Navalny trúng độc thần kinh.

Sau đó, Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) của Liên hợp quốc xác nhận báo cáo của Đức, Pháp và Thụy Điển rằng ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok.

Novichok là chất độc thần kinh chết người đã bị cấm, từng được quân đội Liên Xô phát triển trong thập niên 1970 và 1980. Đây cũng là loại chất độc hóa học mà Anh từng cáo buộc được sử dụng trong vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ông này tại thành phố Salisbury (Anh) hồi năm 2018.

Minh Đăng

Theo Sputnik

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/loat-quan-chuc-than-can-ong-putin-bi-trung-phat-nga-noi-quan-he-voi-eu-bi-huy-hoai-20180504224245038.htm