Loạt phim Việt giúp phòng vé bùng nổ sau dịch

'Ròm', 'Tiệc trăng máu' và 'Bố già' của Trấn Thành là những tác phẩm nội địa vực dậy phòng vé Việt sau thời gian đóng cửa vì dịch bệnh.

 Từ giữa tháng 3/2020, trước tình hình Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như tại Việt Nam, rạp chiếu phim, cùng nhiều loại hình dịch vụ giải trí khác, đồng loạt đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Rạp chiếu phim Việt đóng cửa hết nửa cuối tháng 3, trọn tháng 4 và tới đầu tháng 5/2020 thì rục rịch mở cửa trở lại với nhiều biện pháp bảo đảm an toàn nghiêm ngặt.

Từ giữa tháng 3/2020, trước tình hình Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như tại Việt Nam, rạp chiếu phim, cùng nhiều loại hình dịch vụ giải trí khác, đồng loạt đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Rạp chiếu phim Việt đóng cửa hết nửa cuối tháng 3, trọn tháng 4 và tới đầu tháng 5/2020 thì rục rịch mở cửa trở lại với nhiều biện pháp bảo đảm an toàn nghiêm ngặt.

Giai đoạn mới mở cửa trở lại, sự dè dặt của khán giả sau thời gian giãn cách xã hội, cũng như khan hiếm các tác phẩm chất lượng khiến rạp chiếu phim gặp không ít khó khăn. Trong khoảng thời gian từ tháng 5/2020 tới tháng 7/2020, điện ảnh Việt đã ra mắt Truyền thuyết về Quán Tiên, Tôi là não cá vàng, Nắng 3: Lời hứa của cha, Bằng chứng vô hình, Đỉnh mù sương và phim tài liệu Sky Tour the movie. Tuy nhiên, chùm tác phẩm đều không gặt hái thành công.

Ngày 25/9/2020, bộ phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy ra rạp và trở thành cú nổ lớn đầu tiên tại phòng vé Việt nửa cuối 2020. Trong ngày đầu khởi chiếu, phim nhanh chóng thu về 10 tỷ đồng. Phản hồi tích cực từ lớp khán giả đầu tiên tạo thành hiệu ứng truyền miệng, giúp Ròm duy trì sức hút những tuần sau đó. Trong 10 ngày chiếu đầu tiên, phim thu 55 tỷ đồng. Ròm rời rạp với 63 tỷ đồng doanh thu bán vé.

Chưa đầy một tháng sau thành công của Ròm, phòng vé Việt "rung chuyển" với Tiệc trăng máu, tác phẩm làm lại từ bộ phim Hàn Quốc Intimate Strangers (2018) và nguyên tác Perfect Strangers (2016) của Italy. Tiệc trăng máu do Nguyễn Quang Dũng đạo diễn, có sự góp mặt của nhiều tên tuổi hàng đầu màn ảnh Việt gồm Thái Hòa, Thu Trang, Hồng Ánh, Hứa Vĩ Văn, Kiều Minh Tuấn, Kaity Nguyễn và Đức Thịnh.

Ngày 2/11/2020, tức 12 ngày sau thời điểm ra rạp 20/10/2020, Tiệc trăng máu cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng, thu hút 1,4 triệu lượt khán giả tới rạp thưởng thức. Phim mất thêm 8 ngày để chạm mốc 120 tỷ VNĐ vào 10/11/2020. Tổng doanh thu phòng vé của Tiệc trăng máu là 175 tỷ đồng. Thành tích giúp bộ phim trở thành tác phẩm chiếu rạp ăn khách nhất 2020 và xếp thứ 5 trong danh sách phim điện ảnh Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Sau Tiệc trăng máu, đầu năm 2021, điện ảnh Việt ghi nhận thêm một tác phẩm đạt doanh thu trăm tỷ khác là Chị 13: 3 ngày sinh tử với Thu Trang thủ vai chính. Thị trường bắt đầu cho thấy những dấu hiệu tích cực, dự báo mùa phim Tết Tân Sửu thành công. Cạnh tranh trong mùa phim Tết Nguyên đán là Trạng Tí phiêu lưu ký, Lật mặt: 48H, Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả và Bố già. Đây đều là các phim có tầm phủ sóng sâu rộng, quy tụ nhiều gương mặt ăn khách.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trước thềm Tết Nguyên đán khiến rạp chiếu phim tại TP. HCM phải đóng cửa từ 9/2. Việc một trong hai thị trường điện ảnh lớn nhất Việt Nam tê liệt khiến thế trận phim Tết mới dàn xong đã phải dỡ bỏ. Loạt phim Việt dự kiến phát hành vào mùng 1 Tết đồng loạt lùi lịch chiếu. Các rạp chiếu phim còn hoạt động lấp chỗ trống bằng một số tựa phim nước ngoài, cũng như tái phát hành Cua lại vợ bầu - phim Tết có doanh thu cao nhất 2019 với vai chính của Trấn Thành và Ninh Dương Lan Ngọc.

Đầu tháng 3, khi rạp chiếu phim tại TP. HCM mở cửa trở lại, các tựa phim Việt không thể khởi chiếu dịp Tết Nguyên đán cũng rục rịch trở lại. Mở màn cho làn sóng này là Bố già của cặp đạo diễn Trấn Thành, Vũ Ngọc Đãng và Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả do Bảo Nhân & Nam Cito thực hiện. Cả hai phim đều thăm dò thị trường bằng những suất chiếu sớm trong dịp cuối tuần 5/3 trước khi cùng phát hành chính thức từ 12/3. Nhưng sau ba ngày chiếu sớm, cả hai tiếp tục chiếu xuyên từ 8/3 tới 11/3 thay vì tạm dừng chờ ngày khởi chiếu.

Bố già và Những cuộc đời vương giả là hai tựa phim ngang sức ngang tài. Tuy nhiên, chỉ sau bốn ngày chiếu sớm, cục diện cuộc đua giữa hai tác phẩm đã ngã ngũ. Ngày 9/3, Bố già của Trấn Thành cán mốc 100 tỷ đồng sau bốn ngày ra rạp. Tới ngày phát hành chính thức 12/3, phim đã thu về 150 tỷ đồng. Trong khi đó, Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả hiện vẫn cách rất xa điểm hòa vốn. Doanh thu Bố già dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tuần tới, khi rạp chiếu phim không còn tác phẩm đủ sức cạnh tranh với tác phẩm của Trấn Thành.

Ngày 21/9/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Cục Điện ảnh đã tổ chức hội thảo Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19 nhằm tìm giải pháp phục hưng thị trường điện ảnh Việt Nam sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nhận định "Các nhà phát hành cần có khảo sát xã hội học, hỏi khán giả vì sao ít đến rạp phim so với trước. Từ đó, chúng ta mới giải quyết triệt để vấn đề. Chúng ta cũng không thể kể sản xuất phim khổ thế nào. Khán giả không quan tâm điều đó. Đừng xem phim ảnh như dưa hấu mà kêu gọi giải cứu".

Từ thành công của Ròm, Tiệc trăng máu và Bố già, có thể thấy, dịch bệnh, và quãng thời gian giãn cách xã hội không khiến khán giả quên đi nhu cầu thưởng thức các tác phẩm điện ảnh tại rạp chiếu. Nhu cầu đến rạp chỉ đơn thuần bị đè nén lại và sẵn sàng bùng nổ khi có cơ hội. Và chất xúc tác đánh thức tình yêu điện ảnh, cũng như thói quen ra rạp, chính là những bộ phim có chất lượng, bất kể bom tấn Hollywood hay tác phẩm Việt Nam.

Anh Phan

Ảnh: Zing, Lotte, Galaxy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loat-phim-viet-giup-phong-ve-bung-no-sau-dich-post1192756.html