Loạt phim kinh dị làm nên cú đột phá, vươn tầm quốc tế của Hàn

Cuối thập niên 1990 và mười năm đầu thế kỷ XXI, phim kinh dị Hàn Quốc nở rộ cả về số lượng lẫn chất lượng. Rất nhiều trong số đó để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả.

 Cuối thập niên 1990, những bước nhảy vọt về kinh tế, và thay đổi trong quy chế quản lý văn hóa của Hàn Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm điện ảnh thỏa chí vẫy vùng. Khi ấy, dòng phim kinh dị - vốn đắt khách bởi những tình tiết giật gân thách thức sức chịu đựng và giá trị quan của người xem - bắt đầu đào sâu vào những góc khuất ẩn chứa sợ hãi và bất an bên trong mỗi con người.

Cuối thập niên 1990, những bước nhảy vọt về kinh tế, và thay đổi trong quy chế quản lý văn hóa của Hàn Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm điện ảnh thỏa chí vẫy vùng. Khi ấy, dòng phim kinh dị - vốn đắt khách bởi những tình tiết giật gân thách thức sức chịu đựng và giá trị quan của người xem - bắt đầu đào sâu vào những góc khuất ẩn chứa sợ hãi và bất an bên trong mỗi con người.

Whispering Corridors (1998): Bộ phim là thành công đầu tiên của phim kinh dị nói riêng và điện ảnh Hàn Quốc hiện đại nói chung. Trong phim, học sinh trong một ngôi trường nữ danh tiếng đã bị ma ám. Hồn ma này từng là một nữ sinh trong trường, và đều đặn ba năm một lần sẽ quay trở lại phá phách.

Bộ phim kinh dị phê phán sự cứng nhắc, thiếu đổi mới trong hệ thống giáo dục Hàn Quốc bấy giờ. Phim cũng mở ra chuỗi phim kinh dị lấy đề tài học đường kéo dài qua 5 phần. Bên cạnh Whispering Corridors, một tựa phim kinh dị học đường nổi tiếng cũng phải kể tới trong giai đoạn này là hai phần phim Death Bell năm 2008 và 2010.

Tell Me Something (1999): Bộ phim của đạo diễn Chang Yoon Hyun đã dự báo sớm thành công của dòng phim kinh dị lấy đề tài tội phạm tại Hàn Quốc. Tell Me Something theo chân một tay thám tử bất đắc chí trên hành trình làm sáng tỏ chuỗi các vụ giết người kinh hoàng khiến cả Seoul rúng động.

Thủ đô của Hàn Quốc trong Tell Me Something được dựng nên bằng những không gian chật hẹp, ngột ngạt và u tối chìm trong mưa đêm và máu đổ. Nét ảm đạm trên khuôn mặt mỗi nhân vật chìm trong màn mưa ấy càng khiến không khí bộ phim thêm phần ám ảnh.

Sorum (2001): Để bắt đầu cuộc sống mới, một tài xế taxi trẻ đã chuyển tới sống trong căn hộ số 504 nằm trong một khu nhà trọ cũ nát tên Migum. Không lâu sau đó, anh phát hiện ra người thuê nhà trước mình đã chết một cách bí ẩn. Khi những câu hỏi xoay quanh căn hộ còn chưa được giải đáp, anh ta tiếp tục sa vào mối quan hệ phức tạp với một người thuê trọ khác.

Mối quan hệ ấy kéo theo vô vàn biến cố ập xuống đầu người tài xế taxi trẻ. Cùng với bóng ma trong căn hộ 504, chúng buộc anh phải tự mình nhận định liệu bóng đen đang bủa vây quanh mình là một thế lực siêu nhiên hắc ám, hay chính là ác ý đến từ những người sống quanh mình. Sorum đã khiến cho lằn ranh giữa thiện và ác trong các bộ phim kinh dị Hàn Quốc trở nên ngày càng mong manh.

Into the Mirror (2003): Sơ suất trong một vụ giải cứu con tin của cảnh sát Wu Young Min (Yoo Ji Tae) đã dẫn tới cái chết của người cộng sự. Sau sự việc, Young Min chuyển ngành và về làm bảo vệ cho một trung tâm mua sắm đang được sửa chữa lại sau vụ cháy 5 năm về trước. Vài ngày trước lễ khai trương, những vụ chết người kỳ quái bắt đầu xảy ra bên trong tòa nhà.

Đứng trước chuỗi các vụ tự sát bất thường của nhân viên của khu thương mại, bản năng cảnh sát mách bảo, thúc giục Young Min bắt tay vào tìm hiểu. Nhưng càng điều tra, chân tướng sự việc càng nằm ngoài sức tưởng tượng của tay cựu cảnh sát.

Save the Green Planet! (2003): Đây không phải một bộ phim hài, kinh dị hay khoa học viễn tưởng. Trên thực tế, nó là tổng hòa của cả ba thể loại, và thậm chí còn giễu nhại nhiều tình tiết trong các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng Hollywood. Trong phim, Byun Gu (Shin Ha Kyun) bắt cóc một doanh nhân vì tin rằng ông này giữ vai trò quan trọng trong kế hoạch xâm lăng địa cầu của người ngoài hành tinh.

Vì tin người đàn ông nắm giữ thông tin ngăn tận thế xảy ra, Byun Gu đã thẩm vấn, và tra tấn tù nhân của mình trong một thời gian dài nhân danh cứu lấy Trái Đất. Chàng trai thực sự là anh hùng, hay chỉ là một gã điên bịa cớ để trả tư thù với vị doanh nhân kia? Liệu Byun Gu có bị ngăn chặn kịp thời bởi toán cảnh sát đang điều tra một vụ bắt cóc hàng loạt?

A Tale of Two Sisters (2003): Mở đầu phim, hai chị em nhân vật chính trở về nhà sau một thời gian dài nhập viện vì cái chết của mẹ. Trong thời gian con gái vắng mặt, người cha đã tái hôn. Không lâu sau khi trở về, một trong hai cô bé bắt đầu nhìn thấy những ảo giác rùng rợn, khiến cô tin rằng mẹ kế của họ đang che giấu một bí mật đen tối.

Đạo diễn Kim Jee Woon chia sẻ cảm hứng làm bộ phim đến với ông từ tích truyện dân gian về Jang Ha và Hong Ryun - hai bé gái phải sống cùng cha ruột và người mẹ kế độc ác sau khi mẹ ruột không may qua đời. A Tale of Two Sisters đã làm nên thành công vang dội tại phòng vé cũng như nhận nhiều lời có cánh từ giới phê bình trong và ngoài Hàn Quốc.

Oldboy (2003): Giống như mọi câu chuyện của đạo diễn Park Chan Wook từng xuất hiện trên màn ảnh, Oldboy là câu chuyện về tình yêu bị cấm đoán và sự trả thù. Trong phim, Choi Min Sik vào vai Oh Dae Su, một gã đàn ông bị giam lỏng trong một căn phòng khách sạn tồi tàn suốt 15 năm. Gã điên cuồng luyện tập, và mòn mỏi chờ ngày thoát ra để bắt đầu cuộc trả thù kẻ đã cầm tù mình.

Tuy nhiên, sự thật nghiệt ngã mà Dae Su phát hiện ra đã khiến mong muốn trả thù của ông bị đặt trước thử thách, và khán giả thì chết điếng vì tình tiết gây ám ảnh bậc nhất lịch sử điện ảnh hiện đại. Oldboy là kết quả sinh ra từ sự tự do trong suy nghĩ và cách thức thể hiện của đạo diễn - thành tựu lớn nhất mà dòng phim kinh dị hiện đại của Hàn Quốc có được.

The Host (2006): Bộ phim của đạo diễn Bong Joon Ho với sự góp mặt của nam diễn viên Song Kang Ho đặt ra giả thiết, nếu một ngày nọ, đột nhiên quái vật khổng lồ ngoi lên từ sông Hàn và bắt đầu tấn công người sống hai bên bờ, thì người ta sẽ tìm kiếm nguồn gốc con quái thú hay nghĩ ra cách để tiêu diệt nó? Sẽ tìm cách che giấu tội lỗi của mình hay chiến đấu để cứu người thân?

Không chỉ kể lại cho khán giả một câu chuyện kinh hoàng xen lẫn tình phụ tử cảm động trên màn ảnh, The Host của Bong Joon Ho còn đề cập tới rất nhiều vấn đề nhức nhối của xã hội Hàn Quốc hiện đại. Góc nhìn này của vị đạo diễn tiếp tục được trau dồi trong những bộ phim tiếp theo, và tới năm 2019, thì nở rộ trong Parasite - bộ phim Hàn Quốc đầu tiên thắng giải Oscar cho Phim xuất sắc.

Bedevilled (2010): Chuyện phim xoay quanh cuộc đời đối lập của Hae Won và Bok Nam, hai phụ nữ từng lớn lên cùng nhau giữa cộng đồng dân cư sống cô lập trên một hòn đảo ngoài khơi xa. Họ gặp lại khi Hae Won (Ji Sung Won) rời bỏ thành phố và quay trở lại quê nhà.

Tuyệt vọng vì cánh phụ nữ trong làng luôn dung túng cho thói bạo ngược của đám đàn ông, cũng như căm ghét tận xương tủy người chồng vũ phu đã đẩy sức chịu đựng của Bok Nam (Seo Young Hee) tới cực hạn. Trong cơn đau đớn, người đàn bà đã tiến hành một cuộc trả thù đẫm máu. Không chỉ trừng trị gã chồng tệ bạc hay những kẻ đã khinh thường mình bấy lâu, Bok Nam dường như còn nhắm tới cả Hae Won.

I Saw the Devil (2010): Phim mở ra khi đặc vụ tinh nhuệ tên Kim Soo Hyeon (Lee Byung Hun) phát hiện ra hôn phu của mình đã bị sát hại dã man và vứt xác xuống sông. Cái chết tức tưởi của vợ chưa cưới làm Soo Hyeon hừng hực quyết tâm trả thù tên giết người.

Nhưng kể từ sau khi Soo Hyeon nhanh chóng bắt được tên giết người Kyung Chul (Choi Min Sik) và thả hắn đi, I Saw the Devil mới thực sự hấp dẫn. Bộ phim trở thành một cuộc truy bắt nghẹt thở giữa bên này là gã đặc vụ mờ mắt vì thù hận và bên kia là tên tội phạm vẫn chưa nhận ra mình đã trở thành con mồi. Bộ phim cũng là một thử thách với khán giả, không chỉ vì mức độ bạo lực, mà còn bởi sự thất thế của công lý trước những tội ác của tên sát nhân tâm thần.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loat-phim-kinh-di-lam-nen-cu-dot-pha-vuon-tam-quoc-te-cua-han-post1084248.html