Loạt ông lớn châu Á 'hưởng lợi' từ sự ra đi của John Bolton?

Việc cố vấn an ninh cứng rắn Mỹ rời khỏi chức vụ làm giảm nguy cơ chiến tranh và đã có tác động tới thị trường năng lượng, theo trang Asia Times.

Giá dầu đã giảm 1 USD/thùng trong vòng vài giờ sau khi có tin Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu hoặc chấp nhận đơn từ chức cố vấn an ninh quốc gia "diều hâu". Ông Bolton được cho là người có tác động lớn trong chính sách đối ngoại Mỹ 17 tháng qua, với một loạt hành động với các vấn đề nóng Iran hay Venezuela. Ông Bolton cũng được cho là muốn ông Trump hành động cứng rắn với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Thị trường năng lượng phản ứng

Sự ra đi đột ngột của ông Bolton đã tác động lớn đến thị trường năng lượng. Trước đó, sau một loạt hành động của Mỹ với các nước giàu dầu mỏ như Iran hay Venezuela, giá cả năng lượng thế giới đầy bất ổn. Thậm chí đã có lúc ông Trump ra lệnh không kích đáp trả vào Iran, dù quyết định này được hủy vào phút chót.

Hiện tại, giá dầu giảm là tin tức tốt nhất mà các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào giao thương nhận được trong 17 tháng qua. Trong bối cảnh của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, việc tăng giá dầu 20% trong năm nay đã là một đòn mạnh đối với nhiều nước, từ Nhật Bản cho đến Singapore. Đây cũng là một đòn bồi thêm vào Trung Quốc và phần nào khiến tăng trưởng của nước này rơi xuống mức thấp trong 27 năm.

Dư luận cho rằng việc ông Bolton ra đi sẽ khiến chinh sách của Mỹ bớt cứng rắn hơn. Ảnh: Sputnik/AFP

Dư luận cho rằng việc ông Bolton ra đi sẽ khiến chinh sách của Mỹ bớt cứng rắn hơn. Ảnh: Sputnik/AFP

Đối với các quốc gia phải đối mặt với thâm hụt cả về ngân sách và tài khoản vãng lai, giá năng lượng cao hơn chỉ góp phần làm tồi tệ thêm vấn đề tài chính. "Hiệu ứng Bolton" đã giảm bớt tình trạng này cho nhiều nước, từ Ấn Độ đến Indonesia hay Philippines. Trước đó, họ phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát tăng đột biến trong năm qua. Tất cả họ đều có một điểm chung là: sự bùng nổ phát triển cơ sở hạ tầng đòi hỏi phải tăng nhập khẩu năng lượng.

Những bên có cán cân thanh toán lành mạnh hơn - Malaysia, Hàn Quốc và Đài Loan - ít bị tổn thương hơn trước sự hỗn loạn của thị trường năm nay. Họ cũng ít lo lắng hơn trước các tín hiệu căng thẳng do ông Bolton khởi xướng ở eo biển Hormuz, Nam Mỹ, bán đảo Triều Tiên hay những nơi khác.

Các yếu tố hỗ trợ

Có những yếu tố khác có thể có lợi cho Châu Á. Một tín hiệu từ Washington có thể sẽ bù đắp được việc Saudi Arabia muốn tăng giá dầu trước đợt chào hàng công khai đầu tiên của Aramco, công ty dầu mỏ của Saudi có lợi nhuận cao nhất thế giới. Nước Mỹ có thể giảm cường độ sản xuất dầu. Đầu tuần này, Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ đã cắt giảm triển vọng tiêu thụ dầu. Hiện tại dự kiến nhu cầu toàn cầu là khoảng 900.000 thùng/ngày trong năm nay. Đây có thể là giai đoạn yếu nhất kể từ năm 2011.

"Tin tức về ông Bolton đã tác động tới giá dầu theo cách thúc đẩy niềm tin cho các nhà đầu tư và chính phủ", Ben Geman của trang tin tức và dữ liệu Axios có trụ sở tại Washington cho biết.

Vẫn còn một câu hỏi về việc ông Trump sẽ thuê ai để thay thế Bolton, Cliff Kupchan thuộc Eurasia Group nói. Tuy nhiên, một số vấn đề chính sách quan trọng có thể sẽ ít cứng rắn hơn. Liên quan đến Iran, ông Bolton vốn là một tín đồ luôn nói 'không' với các cuộc đàm phán cùng Iran, cũng theo chuyên gia này.

Ngược với ông Bolton, ông Trump đang tung tín hiệu cởi mở về một cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Bên cạnh đó, với sự ra đi của Bolton, có nghĩa là ngay cả khi Bình Nhưỡng mở rộng chương trình hạt nhân thì tỉ lệ Mỹ đáp trả "khốc liệt", như ông Trump từng nói, cũng đang giảm dần.

"Bolton không bao giờ hướng đến ý tưởng về các cuộc đàm phán. Còn hiện tại, Mỹ thậm chí còn có khả năng chấp nhận yêu cầu của ông Kim về cách tiếp cận theo giai đoạn đối với các cuộc đàm phán và tiến trình đàm phán chính thức dường như đã sẵn sàng để bắt đầu lại. Tuy nhiên, một thỏa thuận đột phá liên quan đến việc ông Kim đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình, vẫn rất khó xảy ra", ông Kupchans cho hay.

Bất kì tín hiệu mềm dẻo nào trong các chính sách về Afghanistan đều có thể xảy ra. Ít nhất là trong ngắn hạn thì điều này sẽ giúp làm giảm các yếu tố không chắc chắn. Việc một kiến trúc sư chủ chốt của cuộc tấn công Iraq năm 2003 rời khỏi Nhà Trắng là một điều mang đến chút ít hi vọng.

Tuy nhiên, Bolton chỉ là một phần trong những rắc rối nhân sự dưới thời ông Trump. Như các nhà phân tích tại ClearView Energy Partners lập luận: Chúng tôi sẽ thận trọng trước khi đưa ra một kết luận vội vã rằng một chính quyền Mỹ hậu Bolton có thể đảo ngược các lập trường trước đó.

Biết đâu ông Trump có thể thay thế Bolton bằng một chính trị gia thậm chí còn cứng rắn và bảo thủ hơn.

Tốt cho Manila, Jakarta

Có thể thấy, giá dầu thấp hơn sẽ giúp giảm thuế cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp nhỏ. Điều này phần nào hỗ trợ chính quyền của ông Rodrigo Duterte đối phó với lạm phát ở Philippines. Giá dầu như vậy cũng sẽ là tích cực cho ông Joko Widodo trong việc thúc đẩy thị trường trái phiếu trong nước và niềm tin của nhà đầu tư.

Đối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và ông Moon Jae-in của Hàn Quốc, các nhà sản xuất năng lượng ổn định hơn luôn là điều tốt cho các nền kinh tế nghèo tài nguyên của họ. Và trong một năm mà Trung Quốc đối mặt nhiều khó khăn, giá nhập khẩu dầu thấp hơn sẽ giúp Chủ tịch Tập Cận Bình chống đỡ được tình trạng đồng nhân dân tệ trượt dài.

Quý Hoàng

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/loat-ong-lon-chau-a-huong-loi-tu-su-ra-di-cua-john-bolton-20190914075958328.htm