Loạt món ngọt chứng tỏ độ 'cuồng' đậu đỏ của người Nhật

Đậu đỏ là nguyên liệu xuất hiện trong hầu hết các món ngọt của Nhật Bản. Thậm chí, hương vị món ngọt của xứ sở hoa anh đào sẽ không còn vẹn nguyên nếu thiếu đi loại đậu này. Điều này khiến không ít người tự hỏi, tại sao người Nhật lại có độ 'cuồng' không hề nhẹ với đậu đỏ như vậy?

 Theo quan niệm của người Nhật Bản, đậu đỏ hạt tròn, màu đỏ có mối liên kết về hình dạng với Mặt trời - biểu tượng của vị thần mặt trời Amaterasu đã sáng lập ra nước Nhật trong truyền thuyết và là tổ tiên của dòng dõi Thiên hoàng theo thần thoại. Do đó, người Nhật thích đậu đỏ được cho là xuất phát từ tín ngưỡng tôn thờ thần linh

Theo quan niệm của người Nhật Bản, đậu đỏ hạt tròn, màu đỏ có mối liên kết về hình dạng với Mặt trời - biểu tượng của vị thần mặt trời Amaterasu đã sáng lập ra nước Nhật trong truyền thuyết và là tổ tiên của dòng dõi Thiên hoàng theo thần thoại. Do đó, người Nhật thích đậu đỏ được cho là xuất phát từ tín ngưỡng tôn thờ thần linh

Bên cạnh đó, người Nhật yêu thích đậu đỏ và sử dụng chúng trong nhiều món ăn, đặc biệt là món ngọt còn vì vị umami có nhiều trong loại nguyên liệu này

Trong tiếng Nhật, "umai" nghĩa là "ngon" còn "mi" là "vị". Chính vì thế, umami được hiểu là "vị ngon" - đây là vị cơ bản thứ 5 trong thế giới ẩm thực, được giáo sư Kikunae Ikeda khám phá ra vào năm 1908

Khác với 4 vị cơ bản còn lại là ngọt, chua, mặn, đắng, vị umami tác động vào hầu hết các vị trí trên lưỡi, mà người Nhật lại thích vị ngon được cảm nhận bằng tất cả các vị trí của lưỡi

Đặc biệt, khi kết hợp vị umami có trong đậu đỏ và vị ngọt của đường để làm nên Anko (loại nhân đậu đỏ sử dụng nhiều trong các món bánh ngọt của Nhật) lại tạo nên hương vị thơm ngon rất hợp với khẩu vị của người dân xứ Phù Tang. Do đó, người Nhật mới ưa chuộng dùng đậu đỏ trong rất nhiều món ăn, đặc biệt là món ngọt

Minh chứng cho độ "cuồng" đậu đỏ của người Nhật, chúng ta có thể kể ra rất nhiều món ngọt của xứ sở hoa anh đào có sự xuất hiện của đậu đỏ

Cái tên đầu tiên phải kể đến chính là bánh Mochi. Loại bánh này làm từ bột gạo nếp, khá giống với bánh giầy của Việt Nam

Bánh Mochi có loại không nhân và có nhân. Với loại bánh có nhân, "phiên bản" Mochi truyền thống sẽ sử dụng đậu đỏ đã nghiền nấu với đường hoặc mật ong để làm nhân bánh

Bánh Mochi không chỉ được người Nhật dùng để ăn trong cuộc sống hàng ngày mà còn là vật phẩm dâng lên thần linh vào những dịp lễ trọng đại trong năm, với ý nghĩa cầu mong sự may mắn

Hiện nay, bánh Mochi có rất nhiều "phiên bản" hấp dẫn khác, trong đó ấn tượng nhất phải để đến bánh Sakura Mochi

Bánh Sakura Mochi có hai loại. Loại thứ nhất là Domyoji của vùng Kansai, loại này dùng gạo nếp giã nhuyễn để tạo ra những viên bánh tròn mềm có nhân đậu đỏ thơm phức bên trong, ở bên ngoài bánh được bọc một chiếc lá anh đào muối. Trong khi đó, Chomeiji của vùng Kanto lại nhào bột nếp thành những miếng mỏng rồi nướng lên, sau đó quấn quanh bột đậu đỏ ngọt

Dù ở "phiên bản" nào thì Sakura Mochi với vẻ ngoài chung là lớp vỏ "áo" màu hồng dịu, nhân đậu đỏ ngọt ngào cùng mùi hương như một đóa hoa anh đào đã trở thành món ăn yêu thích của người Nhật trong suốt mùa xuân

Nếu có dịp tới Nhật Bản du lịch, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức món bánh Anpan

Anpan là một loại bánh ngọt có sự giao thoa giữa ẩm thực phương Tây (vỏ bánh mì) và ẩm thực truyền thống Nhật Bản (nhân đậu đỏ)

Khi thưởng thức, chỉ cần cắn một miếng bạn đã cảm nhận được trọn vẹn vỏ bánh mì thì giòn tan quyện chút vị bùi béo của mè đen, nhân đậu đỏ thì ngọt thanh, mềm dẻo

Những người yêu thích bộ truyện tranh Doraemon có lẽ không còn lạ lẫm với chiếc bánh Dorayaki được chú mèo máy yêu thích

Dorayaki là món bánh cổ truyền của người Nhật với hình dáng bao gồm hai lớp vỏ bánh tròn dẹt làm từ bột mỳ và trứng, sau được phết mật ong rồi đem nướng lên và bao lấy phần nhân đậu đỏ ở giữa

Ngày nay, Dorayaki có rất nhiều loại nhân như dâu tây, chuối, chocolate... nhưng nhân đậu đỏ vẫn là loại nhân đặc trưng nhất

Bánh Taiyaki hay còn gọi là bánh cá là một món bánh nướng nổi tiếng của người Nhật

Món bánh này gây ấn tượng bởi hình dáng bên ngoài là một chú cá màu vàng xinh xắn cùng lớp nhân ngọt ngào bên trong

Nhân bánh có thể là chocolate, phô mai, trà xanh... nhưng phổ biến và mang tính truyền thống nhất là vẫn là nhân đậu đỏ mềm dẻo, ngọt ngào

Như Quỳnh (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/anh-loat-mon-ngot-chung-to-do-cuong-dau-do-cua-nguoi-nhat/862244.antd