Loạt dự án điện chậm, ĐBQH 'truy' Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh sáng 7/11 tại Quốc hội (QH), nhiều đại biểu (ĐB) giơ biển tranh luận, nhất là loạt dự án điện chậm.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: HG

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: HG

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chúng ta đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện rất cao trong năm 2019 và 2020. Thậm chí tới những năm 2022, nguy cơ không có dự phòng tại những vùng phụ tải cao như ở Tây Nam bộ là rất lớn.

“Nóng” dự án điện Bạc Liêu

Trong khi đó, hiện rất nhiều dự án điện chậm tiến độ. Báo cáo sơ bộ thấy, có khoảng 60 dự án đang đầu tư thì có đến 35 dự án công suất từ 200MW trở lên chậm tiến độ từ 1 đến 5 năm, thậm chí có dự án còn kéo dài hơn nữa với tổng công suất khoảng 39.000MW.

Điều này, khiến các vị ĐBQH rất sốt ruốt. Theo ĐB Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu), dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc từ 18 tháng trước. Đến nay, tròn 12 tháng sau khi nhà đầu tư hoàn thành thủ tục theo yêu cầu của Bộ Công Thương, dự án vẫn chưa triển khai. “Vì sao chậm trễ như vậy và bao giờ dự án này sẽ triển khai được", ông chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói “đã thực hiện rất khẩn trương” và có 2 lần báo cáo Chính phủ để bổ sung dự án vào quy hoạch điện lực. Báo cáo mới đây nhất gửi Chính phủ là vào cuối tháng 10.

“Bao giờ giải quyết, hiện rất chậm – tới 18 tháng. Các thủ tục đầu tư, ý kiến của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đầy đủ”, ở vị trí điều hành Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói và “truy”, “Bộ trưởng cho biết từ giờ tới cuối năm có giải quyết được không?"

“Báo cáo với Chủ tịch QH và các ĐQBH, tôi cũng không thể nói được là thời điểm nào cho triển khai vì việc này đợi Thủ tướng và Chính phủ cho ý kiến. Sau đó sẽ triển khai theo đúng quy định, tôi hi vọng sẽ sớm thực hiện vào đầu năm 2020”, ông Trần Tuấn Anh đáp.

Sau đó, Tư lệnh ngành Công thương tiếp tục trả lời chất vấn liên quan đến dự án nhiệt điện Long Phú; các dự án khí Lô B, dự án hạ nguồn và dự án Ô Môn, các Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 3 và Ô Môn 4… hiện chậm rất nhiều.

Bộ Công thương không tích cực

Nghe vậy, Chủ tịch QH khái quát, các dự án điện ở đồng bằng sông Cửu Long đều bị chậm. Các ĐBQH cũng không hài lòng, bấm nút tranh luận và cho rằng, chậm là do Bộ Công Thương không tích cực.

Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre), dự án Nhiệt điện Long Phú cho đồng bằng sông Cửu Long đã thất bại. Đưa dự án điện Cà Ná vào hoạt động cũng không bảo đảm nhu cầu.

“Giá điện của dự án này là 8,5 cent còn dự án điện Bạc Liêu chỉ 7 cent. Như vậy, trong vòng 25 năm, người dân có nguy cơ thiệt hại khoảng 6 đến 11 tỷ USD. Vì vậy, tôi mong muốn dự án điện Bạc Liêu phải được xem xét một cách cẩn trọng”, ông Nhưỡng nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hoàn toàn đủ điều kiện để sớm bổ sung dự án điện Bạc Liêu vào quy hoạch điện 7 ngay trong năm nay chứ không cần kéo dài. "Tôi nghĩ Thủ tướng cũng đang chờ việc này trình lên", ông Nghĩa nói.

ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau). Ảnh: HG

Phản biện ý kiến của Bộ trưởng, theo ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), Chủ tịch QH đã khẳng định dự án này không vướng Luật Quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban kinh tế là cơ quan chủ trì, thẩm tra luật cũng nói tương tự.

"Như vậy là không tuân thủ cam kết với nhà đầu tư. Đây là dự án kỳ vọng thu hút đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long, nơi được Đảng, QH rất quan tâm. Nhưng Bộ Công Thương không tích cực, thậm chí là cố ý làm trái Luật Quy hoạch. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo triển khai ngay dự án này", ông Vân nói.

Giảm vận tải điện từ Bắc vào Nam

Trả lời sau đó, Bộ trưởng Công Thương cho biết, sẽ nghiêm túc tiếp thu, rà soát lại và trao đổi với các cơ quan chức năng.

Bổ sung sau đó, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhà đầu tư đề nghị xây dựng dự án với tổng công suất 3.200 MW nhưng Bộ Công Thương mới trình bổ sung 800 MW, nên khó khăn trong lập quy hoạch tổng thể cảng, kho khí.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.Ảnh: HG

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương xem xét kỹ, bổ sung quy hoạch tổng thể cụm điện trong tổng thể các cụm khí của cả nước, báo cáo Thủ tướng để có thể đầu tư đồng bộ.

“Khí có thể bổ sung từng giai đoạn nhưng cảng, kho phải đầu tư làm trước”, ông Trịnh Đình Dũng nói và nhấn mạnh, Thủ tướng rất ủng hộ những dự án đầu tư điện khí, đặc biệt là khu vực phía Nam để bù đắp lại những phần thiếu hụt, giảm vận tải điện từ Bắc vào Nam.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, nhu cầu đầu tư phát triển của nguồn điện và lưới điện rất lớn. Sơ bộ đánh giá từ nay đến năm 2030, cần vốn đầu tư khoảng 130 tỷ USD, bình quân khoảng 12 tỷ USD một năm, trong đó khoảng 9 tỷ cho đầu tư nguồn điện và 3 tỷ đầu tư cho lưới điện.

“Rất khó khăn để chúng ta có thể huy động nguồn vốn đầu tư này. Và đây cũng là nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ của rất nhiều dự án điện hiện nay”, ông Trịnh Đình Dũng phát biểu.

Không “vô cảm” với gian lận xuất xứ

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết với các ĐBQH và cử tri là sẽ làm hết trách nhiệm, không có thái độ vô cảm hay thờ ơ với việc gian lận xuất xứ.

Theo Tư lệnh ngành Công thương, có nhiều hiện tượng đang diễn ra trong câu chuyện mua sản phẩm hàng hóa nước ngoài, đánh tráo nhãn mác của Việt Nam.

“Đây là hành vi xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng và vi phạm Luật Tiêu chuẩn chất lượng đo lường, vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… “, ông Tuấn Anh nói và nhấn mạnh, những hành động buôn lậu, gian lận thương mại, làm hàng giả, hàng nhái phải tổ chức đấu tranh rất kiên quyết.

Tuy nhiên, theo ông, cần cơ sở pháp lý để điều chỉnh những hành vi lợi dụng gian lận xuất xứ để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Thông tư Bộ Công thương đang xây dựng cũng nhằm mục tiêu này.

“Không phải chúng tôi không quyết tâm, không mong muốn làm cái này mà thực sự đây là vấn đề phức tạp. Chúng tôi đưa ra xin ý kiến về dự thảo mới 2 tháng nay nhưng có thể nói các ý kiến góp ý rất đa dạng, nhiều chiều, nhiều khía cạnh kỹ thuật, đòi hỏi phải có sự cân nhắc. Chúng tôi cam kết với các ĐBQH và cử tri là sẽ làm hết trách nhiệm chứ không phải chúng tôi thiếu kiên quyết, vô cảm hay thờ ơ với việc này”, Bộ trưởng Công thương nói.

Ông cho hay, cuối năm nay, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong đó có Bộ Tư pháp rà soát lại tính chất pháp lý, phạm vi điều chỉnh, hiệu quả của thông tư, để bảo đảm văn bản pháp quy này khi được ban hành sẽ có hiệu lực, hiệu quả, đi vào cuộc sống.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/loat-du-an-dien-cham-dbqh-truy-bo-truong-tran-tuan-anh_t114c67n156369