Loạt doanh nghiệp địa ốc trong đế chế Vimedimex của bà Nguyễn Thị Loan: Vốn lớn, lãi thấp, nợ cao

Khá nhiều doanh nghiệp địa ốc trong đế chế Vimedimex có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu rất cao, một số khác lại có kết quả kinh doanh khá ảm đạm.

 Loạt doanh nghiệp địa ốc trong đế chế Vimedimex của bà Nguyễn Thị Loan: Vốn lớn, lãi thấp, nợ cao

Loạt doanh nghiệp địa ốc trong đế chế Vimedimex của bà Nguyễn Thị Loan: Vốn lớn, lãi thấp, nợ cao

Từ năm 2014, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex, được biết đến là đế chế của bà Nguyễn Thị Loan, đã “trình làng” thương hiệu bất động sản Vimefulland.

Kể từ đó đến nay, hàng loạt dự án nhà ở được triển khai rầm rộ trên địa bàn TP. Hà Nội, do các đơn vị trong hệ sinh thái Vimedimex thực hiện, có thể kể đến như: Công ty Cổ phần Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm, Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Thanh Trì, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Nhuệ Giang, Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ Đình, Công ty Cổ phần Bất động sản Vimedimex.

Với Công ty Cổ phần Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm, đây là chủ đầu tư của 2 dự án gồm Belleville Hà Nội (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) và Helianthus Center Red River (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh).

Doanh nghiệp này được lập ra vào tháng 8/2015, đóng trụ sở tại tòa nhà Vimedimex Group (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) do bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh làm chủ tich HĐQT. Bà Hạnh sinh năm 1992, quê tại thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, là đồng hương với bà Nguyễn Thị Loan - chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex (HoSE: VMD).

Tại Công ty Nhà ở Bắc Từ Liêm, bà Hạnh nắm 55% vốn, cùng với các cổ đông cá nhân khác là Lê Minh Tân (10%) và Trần Đình Huynh (10%, đã chuyển nhượng). Cần biết, ông Trần Đình Huynh hiện đang là thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex.

Xét về vốn, với vốn điều lệ lên tới 1.000 tỷ đồng, Công ty Nhà ở Bắc Từ Liêm thực sự là một đơn vị có vai vế. Thời kỳ đỉnh cao (2016), công ty này có tổng tài sản lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Những năm sau đó, tổng tài sản của công ty giảm dần và cán mốc 1.235 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy giảm này là nợ phải trả giảm mạnh, từ 1.043 tỷ đồng (năm 2016) xuống 221 tỷ đồng (năm 2019).

Với vốn lớn, không ngạc nhiên khi Nhà ở Bắc Từ Liêm có doanh thu cao trong giai đoạn 2018 – 2019, giai đoạn bàn giao dự án Belleville Hà Nội, lần lượt là: 459 tỷ đồng và 458 tỷ đồng.

Điều đáng ngạc nhiên là lợi nhuận sau thuế của công ty này lại rất thấp ngay trong giai đoạn đỉnh cao doanh thu, lần lượt là -15,4 tỷ đồng và 7 tỷ đồng.

Cũng ở trong tình trạng vốn lớn nhưng doanh thu và lợi nhuận thấp là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Nhuệ Giang – chủ đầu tư dự án Iris Garden (Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội), dự án chung cư đang vấp phải tố cáo của khách hàng về vi phạm hợp đồng, thu phí tiện ích quá cao hay chưa hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng như cam kết.

Đầu tư xây dựng Nhuệ Giang được thành lập tháng 8/2009, đóng trụ sở tại phường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm. Người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Phạm Ngọc Quân, được biết tới là Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex.

Giai đoạn 2016 – 2019, tổng tài sản của Công ty Nhuệ Giang tăng rất mạnh, từ 611 tỷ đồng lên 2.940 tỷ đồng, tức tăng gấp 5 lần. Tài trợ chính cho sự gia tăng mạnh mẽ của tổng tài sản là nợ phải trả. Trong cùng giai đoạn, nợ phải trả của Nhuệ Giang đã tăng khủng khiếp từ 11 tỷ đồng lên 2.337 tỷ đồng, tức tăng gấp 212 lần!

Với vốn chủ sở hữu chỉ khoảng 600 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Nhuệ Giang vào năm 2019 đã lên tới 3,8 lần – một mức rất cao.

Điều đáng nói là với quy mô tài sản rất lớn, Nhuệ Giang chỉ có doanh thu èo uột, chưa bao giờ vượt quá 1 tỷ đồng trong giai đoạn 2017 – 2019. Mức doanh thu lần lượt là: 447 triệu đồng, 570 triệu đồng và 934 triệu đồng.

Công ty không có lợi nhuận trong các năm 2016 – 2017, báo lỗ gần 500 triệu đồng năm 2018 và chỉ ghi nhận khoảng lãi sau thuế gần 3 tỷ đồng vào năm 2019.

Một doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Vimedimex Group cũng có hệ số nợ rất cao là Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Mỹ Đình – chủ đầu tư của dự án The Emerald (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm).

Doanh nghiệp này thành lập tháng 1/2015, đóng trụ sở tại tòa nhà Vimedimex Group (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm). Người đại diện theo pháp luật là tổng giám đốc Đỗ Xuân Quân.

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy trong giai đoạn 2016 – 2019, tổng tài sản của Bất động sản Mỹ Đình tăng rất nhanh, từ 1.090 tỷ đồng lên 3.118 tỷ đồng, tức tăng gấp 3 lần.

Trong cùng giai đoạn đó, nợ phải trả của công ty tăng dữ dội từ 590 tỷ đồng lên 2.393 tỷ đồng, tức tăng gấp 4 lần.

Hệ quả là hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty lên tới 5,3 lần (vào năm 2018) trước khi giảm xuống còn 3,3 lần (vào năm 2019).

Về kết quả kinh doanh, doanh thu của công ty đột khởi vào năm 2019, đạt 2.364 tỷ đồng và ghi nhận 225 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đây cũng là năm có mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất của công ty trong suốt giai đoạn 2016 – 2019. Trước đó, công ty chỉ có doanh thu và lợi nhuận lẹt đẹt ở mức vài chục tới vài trăm triệu đồng.

Doanh nghiệp làm ăn “bết bát” hơn cả trong các doanh nghiệp địa ốc thuộc Vimedimex Group là Công ty Cổ phần Bất động sản Vimedimex. Doanh nghiệp này thành lập tháng 11/2014, trụ sở tại tòa nhà Vimedimex Group (Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Người đại diện theo pháp luật của công ty là ông Lê Minh Tân – chủ tịch HĐQT với tỷ lệ sở hữu 60%. 2 cổ đông cá nhân đã thoái vốn là bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh và ông Trần Đình Huynh. Đây cũng chính là bộ ba cổ đông đã lập nên Công ty Cổ phần Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm mà bài viết đã đề cập bên trên.

Bất động sản Vimedimex có vốn điều lệ khá lớn, 500 tỷ đồng; tổng tài sản thời điểm đỉnh cao đạt gần 1.000 tỷ đồng (2016) sau đó suy giảm xuống còn 614 tỷ đồng khi kết thúc năm 2019. Nguyên do chủ yếu của việc suy giảm tổng tài sản là nợ phải trả giảm mạnh, từ 493 tỷ đồng (2016) còn 114 tỷ đồng (2019).

Về kết quả kinh doanh, công ty ghi nhận những con số đáng buồn trong giai đoạn 2017 – 2019 khi hầu như không phát sinh doanh thu và lợi nhuận, bất chấp vốn và tài sản khá lớn.

Doanh nghiệp được xem là làm ăn và có chất lượng tài sản “được hơn cả” trong nhóm này là Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Thanh Trì. Đây là chủ đầu tư của dự án The Eden Rose (nằm sát công viên Chu Văn An (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì).

Thành lập tháng 11/2014, đóng trụ sở tại tòa nhà Vimedimex Group (Hàng Bài, Hoàn Kiếm), Đầu tư bất động sản Thanh Trì do bà Trịnh Ngọc Duyên làm chủ tịch HĐQT với tỷ lệ sở hữu 40%. Các cổ đông cá nhân khác gồm: Nguyễn Thị Hải (25%), Trần Thùy Linh (25%) và Phạm Ngọc Quân (10%). Nhắc lại, ông Phạm Ngọc Quân là phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex – nơi bà Trịnh Ngọc Duyên cũng đảm nhiệm cương vị phó tổng giám đốc.

Trong giai đoạn 2016 – 2019, Công ty Đầu tư bất động sản Thanh Trì có màn tăng tốc về tài sản ấn tượng, khi tăng một mạch từ 700 tỷ đồng lên 3.582 tỷ đồng, tức tăng gấp 5 lần.

Làm nên đà tăng mạnh mẽ trên là sự đồng thời tăng trưởng của vốn chủ sở hữu và nợ phải trả, cụ thể: vốn chủ sở hữu tăng từ 500 tỷ đồng lên 1.787 tỷ đồng (tức tăng gấp 3,5 lần), nợ phải trả tăng từ 200 tỷ đồng lên 1.795 tỷ đồng (tức tăng gấp 9 lần). Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu được cân bằng ở mức khoảng 1 lần – mức cải thiện tốt so với gần 3 lần của năm 2018.

Về kinh doanh, năm 2019, công ty ghi nhận 986 tỷ đồng doanh thu và báo lãi sau thuế 150 tỷ đồng. Đây là mức tốt nhất trong suốt giai đoạn 2016 – 2019. Trước đó, công ty cũng chỉ có doanh thu thấp và lợi nhuận èo uột ở mức vài chục triệu đồng.

Ái Châu Tử

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/loat-doanh-nghiep-dia-oc-trong-de-che-vimedimex-cua-ba-nguyen-thi-loan-von-lon-lai-thap-no-cao-20180504224252891.htm