Loãng xương và cách phòng ngừa

Loãng xương là một quá trình mất khối lượng xương (hay mật độ xương bị giảm) làm xương yếu đi và dễ gãy. Loãng xương gặp ở người lớn tuổi cả nam lẫn nữ, nhưng đặc biệt gặp nhiều ở nữ sau mãn kinh (tỷ lệ khoảng 20%, sau mãn kinh 5 - 7 năm).

Điều gì xảy ra khi bạn bị loãng xương?

Theo Tổ chức Y tế thế giới - WHO, loãng xương là nguyên nhân đứng hàng thứ nhì gây nên bệnh tật chỉ sau bệnh tim mạch trên toàn thế giới.

Nguy cơ gãy xương do xương loãng trong suốt cuộc đời của người phụ nữ ít nhất là 30% và có thể lên đến 40%. Nguy cơ ở nam giới là 13%.

Kiểm tra mật độ xương cho người bệnh. Ảnh: Ninh Hải

Kiểm tra mật độ xương cho người bệnh. Ảnh: Ninh Hải

Xương là một mô sống luôn có hai quá trình xảy ra song song: Tiêu hủy xương và tái tạo xương. Khi người ta còn trẻ, phần xương mất đi sẽ được bù đắp dễ dàng. Ở tuổi 30, bộ xương đạt độ vững chắc nhất. Tuy nhiên khi lớn tuổi, mỗi ngày lượng xương được tạo ra ít hơn so với lượng xương mất đi, do đó dẫn đến tình trạng loãng xương.

Ở phụ nữ sau mãn kinh, lượng hormon sinh dục nữ (estrogen) giảm làm cho canxi không được giữ lại ở xương, làm xương trở nên xốp và mỏng manh hơn, đưa đến loãng xương. Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố khác gây mất xương như một số bệnh lý, thuốc và cách sống

Độ chắc chắn của xương sẽ bị giảm từ từ và không có triệu chứng gì, một số người có thể đau trong xương hoặc cơ, đặc biệt là ở lưng. Một số trường hợp đau bất thình lình, khi mật độ xương giảm nhiều gây gãy xương.

Thật không may, trong nhiều trường hợp, triệu chứng đầu tiên là gãy xương chỉ sau một va chạm nhẹ.

Giảm chiều cao - thể hiện qua việc lưng sẽ còng từ từ (gây ra bởi gãy lún nhiều đốt sống) có thể là dấu hiệu duy nhất của loãng xương.

Bất kỳ xương nào cũng có thể bị ảnh hưởng bởi loãng xương nhưng đặc biệt là cổ xương đùi và xương sống

Làm thế nào để chẩn đoán loãng xương?

Loãng xương có thể chẩn đoán trước khi gãy xương xảy ra. Có rất nhiều xét nghiệm có thể giúp đánh giá mật độ xương. Xét ngiệm chính xác nhất là phương pháp hấp thụ năng lượng tia X kép (DXA) để đo mật độ xương. Phương pháp này không gây đau và có thể thực hiện trong 5 - 15 phút.

Với những người đã có gãy xương, việc chẩn đoán loãng xương dựa trên sự kết hợp của các triệu chứng, khám lâm sàng và X-quang xương.

Xét nghiệm máu đo lượng canxi và phospho trong máu để xác định loãng xương thứ phát … (sau các bệnh lý khác).

Phòng ngừa loãng xương

Phải có đủ canxi và vitamin D trong chế độ ăn để bộ xương được xây dựng và duy trì vững chắc.

Canxi giữ vai trò quan trọng trong duy trì sự vững chắc của bộ xương. Tuy một mình canxi không thể ngăn ngừa hoặc điều trị loãng xương, nhưng canxi là một thành phần quan trọng trong các chương trình phòng ngừa hoặc điều trị loãng xương.

Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong hô hấp thụ canxi và chất lượng bộ xương. Vitamin D giúp canxi rời khỏi ruột và vào máu. Vitamin D cũng tác động ở thận để tái hấp thụ lượng canxi không cho bài tiết qua nước tiểu.

Vitamin D nguồn gốc tự nhiên sẽ được sản xuất trong da khi da được tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Một nguồn vitamin D khác chủ yếu trong thức ăn là các sản phẩm sữa có tăng cường vitamin D, lòng đỏ trứng, cá biển và gan. Một số thuốc có bổ sung canxi và hầu hết các thuốc bổ đa vitamin đều có chứa vitamin D, do đó điều quan trọng là phải kiểm tra nhãn thuốc để xem hàm lượng vitamin D.

Tập luyện: Xương là một mô sống sau khi tập luyện nó sẽ trở nên cứng cáp hơn. Có hai kiểu tập luyện chính để xây dựng và duy trì mật độ xương: Tập tạ nhẹ và tập các bài tập về sức bền: Chạy nhẹ, đi bộ, leo cầu thang, khiêu vũ và thái cực quyền là những ví dụ của các bài tập về sức bền. Tập tạ bao gồm nâng các tạ rời nhỏ hoặc các máy tập tạ tại phòng tập thể dục và các câu lạc bộ sức khỏe.

Khi tham gia các chương trình tập luyện, nên lưu ý đến tình trạng sức khỏe cá nhân và sự chỉ dẫn của nhà chuyên môn để có được chế độ tập phù hợp.

Điều trị loãng xương

Mục tiêu của điều trị là ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh loãng xương và ngăn ngừa việc tiếp tục mất xương để giảm nguy cơ gãy xương do xương loãng. Ngày nay, có nhiều phương pháp điều trị và có nhiều thuốc an toàn, hiệu quả đã được chứng minh là có tác dụng nhanh chóng (trong vòng 1 năm) giúp giảm được hơn 50% nguy cơ gãy xương.

Nhóm Bisphophonaste: Ức chế sự hủy xương. Hiện nay, Bisphophonaste là thuốc được chọn lựa đầu tiên khi điều trị các bệnh lý về xương do việc hủy xương mạnh. Các thuốc Bisphophonaste làm tăng khối lượng xương và giảm tỉ lệ gãy xương do loãng xương.

Các thuốc điều hòa thụ thể estrogen chọn lọc: Thuốc có tác dụng giống các dụng của estrogens ở một số mô khác, và tạo tác dụng giữ xương của estrogens một cách lý tưởng mà không bị các tác dụng phụ của estrogens.

Calcitonin: Sử dụng đường xịt mũi hay đường tiêm là một giải pháp thay cho liệu pháp hormon (hormon) thay thế hoặc bisphosphonates. Một số bệnh nhân giảm được triệu chứng đau xương khi sử dụng calcitonin xịt mũi.

Liệu pháp hormon (hormon sinh dục nữ, nam) thay thế: Cần thận trọng dùng phương pháp này vì có tác dụng phụ, nên được tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Điều trị loãng xương thường phải mất một thời gian dài mới ngừa được gãy xương trong tương lai. Bạn có thể không cảm thấy/nhìn thấy hiệu quả trước mắt nhưng hãy cố gắng tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ để có kết quả tốt nhất.

Một số người có nguy cơ bị loãng xương hơn những người khác, các yếu tố nguy cơ này bao gồm: Mãn kinh sớm; cắt bỏ buồng trứng do bệnh; chế độ ăn ít canxi; có bệnh tiêu hóa mạn tính; sử dụng một số thuốc như corticoid và sử dụng quá nhiều hormon tuyến giáp; lối sống ít hoạt động; hút thuốc; uống nhiều rượu bia…

PGS.TS. BS Nguyễn Hoài Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/loang-xuong-va-cach-phong-ngua.html