Loạn xưng danh trường quốc tế: Mua nhầm giáo dục, hỏng cả con người

Đó là khẳng định của ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng, Quốc hội khi trao đổi về thực trạng loạn xưng danh trường quốc tế như hiện nay.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng, Quốc hội - Nghiêm Huê

Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng, Quốc hội - Nghiêm Huê

Ông Thắng cho hay, mỗi tổ chức, trong đó có trường học, khi thành lập đều phải tuân theo các quy định của pháp luật. Thành lập loại hình như thế nào, trong lĩnh vực gì, điều kiện đảm bảo ra sao, phạm vi hoạt động như thế nào và qua đó có tên gọi là gì.

Gần đây, nhiều trường ngoài công lập hay gắn mác “quốc tế”. Quốc tế ở đây không phải là tên riêng, mà là một định danh loại hình. Như vậy, nó phải có yếu tố gì đó liên quan đến quốc tế và phải thể hiện trong hồ sơ cấp có thẩm quyền phê duyệt, cho phép. Tuy nhiên trong Luật Giáo dục hiện hành không có loại hình trường này.

Như vậy, bản chất vấn đề ở đây là các trường tự gắn mác quốc tế. Có thể coi đó là một hành vi lợi dụng lòng tin của người dân, sai pháp luật, tự gắn mác với mục đích để tăng sức hấp dẫn, niềm tin, sức hút đối với xã hội, phụ huynh, học sinh; qua đó chắc chắn sẽ thu học phí cao.

Cơ quan quản lý khẳng định chưa có trường quốc tế nào được cấp phép tại Việt Nam. Nhưng thực tế, các thành phố lớn đều có. Lỗ hổng ở đâu, thưa ông?

Như đã nói ở trên, đây là sự cố ý của các cơ sở giáo dục tự gắn mác “quốc tế”. Rõ ràng họ không chấp hành đúng quy định của cơ quan quản lý. Nhưng đồng thời có sự quản lý không chặt chẽ của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn. Khi cấp phép, về nguyên tắc, tên gọi của đơn vị phải do một cơ quan có thẩm quyền chấp nhận. Nhưng ở đây có sự “lập lờ đánh lận con đen” của các cơ sở đào tạo này, người ta cố ý đánh vào tâm lý sính ngoại của xã hội, của phụ huynh.

Nhưng chính quyền sở tại, cơ quan quản lý không quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm. Đặc biệt nếu chiều theo quy định của Luật Quảng cáo, Luật Giáo dục thì đây là hành vi lừa dối người tiêu dùng. Dường như chúng ta cũng chưa xử lý những trường hợp vi phạm kiểu như thế này. Chỉ khi có sai phạm gây ra hậu quả thì cơ quan quản lý mới vào cuộc để xử lý.

Câu chuyện này không của riêng ngành giáo dục. Thực tế, ở nhiều lĩnh vực, nhiều vụ việc, dù đã qua thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng nhưng rất ít khi phát hiện ra những sai phạm nghiêm trọng. Hầu hết khi có sự kiện gì đó bùng lên hoặc qua sự phát hiện của dư luận, báo chí thì cơ quan quản lý mới vào cuộc. Do đó, công tác quản lý nói chung phải rút kinh nghiệm, trong đó có quản lý giáo dục.

Không phải chỉ cấp phép xong là xong. Cần phải giám sát xem tổ chức đó khi đi vào hoạt động có thực hiện đúng quy định của pháp luật hay không; nếu không thực hiện đúng phải có xử lý. Chỉ riêng tên gọi, thấy khá phổ biến, rất nhiều trường gắn chữ quốc tế trong tên, cơ quan quản lý thì khẳng định chưa cấp phép, nhưng lại gần như không có sự xử lý nào cả. Rõ ràng cần phải có sự siết chặt của cơ quan quản lý về vấn đề này.

Đây không chỉ là việc quản lý về mặt chương trình, chất lượng giáo dục mà còn phải giám sát trách nhiệm của nhà trường với xã hội.

Trước ma trận các loại hình trường như hiện nay, ông có lời khuyên gì với phụ huynh?

Với mô hình trường ngoài công lập hoặc liên kết thường có mức học phí cao. Họ cũng hứa hẹn một chất lượng hay hình thức đào tạo nào đó tốt, đặc biệt. Ở đây có hai vấn đề. Trước hết cơ quan quản lý phải giám sát để bất cứ đơn vị nào hoạt động trong đó có cơ sở giáo dục đều thực hiện theo đúng cam kết đã đăng ký.

Thứ hai, phụ huynh cũng phải tìm hiểu kỹ, không chỉ căn cứ vào giới thiệu hay là cái tên là sẵn sàng lựa chọn trả học phí cao mà không biết hoạt động, chất lượng, cam kết của trường với xã hội như thế nào.

Ông còn điều băn khoăn gì?

Tôi vẫn băn khoăn về chuyện loạn xưng danh và danh xưng không tương xứng với chất lượng dịch vụ cung cấp. Đã có lúc loạn xưng danh của doanh nghiệp khi một số doanh nghiệp tự xưng danh là “tập đoàn” dù chỉ sinh hoạt ở Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là cách thu hút sự quan tâm của xã hội. Với doanh nghiệp xưng thế để tạo uy thế, tạo sự tin cậy hơn với đối tác, còn nếu sản xuất ra sản phẩm nào đó thì mới nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng.

Còn với trường học lại khác. Vì trường học cung cấp dịch vụ mà ngay lập tức tới xã hội. Đây lại là dịch vụ đặc biệt, liên quan đến con người. Tự gắn mác “quốc tế” gây ra ngộ nhận của xã hội. Ngoài thu học phí cao thì khi có sự cố còn ảnh hưởng đến niềm tin của phụ huynh, ảnh hưởng tới cả các đơn vị khác đảm bảo chất lượng.

Không có chữ quốc tế có khi phụ huynh còn cân nhắc kỹ nhưng khi có gắn chữ quốc tế, nếu lại còn liên quan đến các nước phát triển cao về giáo dục, đạt đến đến quy chuẩn cao thì phụ huynh yên tâm hơn. Trong trường hợp niềm tin không đặt đúng chỗ thì có thể người dân sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng.

Sản phẩm của các công ty mà người tiêu dùng mua nhầm có thể trả lại hoặc không mua nữa nhưng giáo dục mà “mua nhầm” thì hỏng cả con người, hỏng cả một lứa học sinh. Dịch vụ an sinh như giáo dục, y tế không ai hỏi giá hay trả giá. Vì thế nó mang tính chất áp đặt, một chiều. Chính vì vậy vai trò của cơ quan quản lý còn phải cao hơn những lĩnh vực khác.

Xin cảm ơn ông!

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/loan-xung-danh-truong-quoc-te-mua-nham-giao-duc-hong-ca-con-nguoi-1451996.tpo