Loạn thông tin ô nhiễm và kết quả bất ngờ từ Tổng cục Môi trường

Tổng cục Môi trường công bố số liệu chứng minh chất lượng không khí ở Hà Nội có xu hướng cải thiện. Trong khi đó, người dân hoang mang bởi các thông tin ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo ghi nhận của Zing.vn, tại các trang quan trắc chất lượng không khí thời gian thực như Air Visual, Pam Air, chất lượng không khí ở nhiều điểm tại thành phố Hà Nội đang có sự mâu thuẫn. Tiêu biểu là điểm quan trắc gần hồ Tây nơi thường được cho là có chất lượng không khí tốt so với mặt bằng chung Hà Nội.

Tuy nhiên, kết quả AQI của Air Visual cho thấy khu vực này thường xuyên có không khí kém, xấu (100-200) và thậm chí gần chạm mức nguy hại trong những ngày cuối tháng 9 (290 vào ngày 30/9).

Trong khi đó, chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ở khu vực Tây Hồ mà Pam Air đo được chỉ là 130 (sáng 2/10) và thấp hơn đến gần 50 đơn vị so với Air Visual dù các điểm quan trắc chỉ cách nhau vài trăm mét.

Chỉ số ô nhiễm AQI chênh đến hàng chục đơn vị trong 1 thời điểm tại 2 website quan trắc không khí Air Visual và Pam Air. Ảnh chụp màn hình.

Chỉ số ô nhiễm AQI chênh đến hàng chục đơn vị trong 1 thời điểm tại 2 website quan trắc không khí Air Visual và Pam Air. Ảnh chụp màn hình.

Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, nhìn nhận thực trạng người dân đang bị "xoay" với quá nhiều luồng thông tin từ nhiều trang quan trắc khác nhau.

Theo bà, các website công bố chất lượng không khí rất nhiều, số liệu phong phú, đầy đủ, là điều tốt, người dân có nhiều nguồn để tham khảo. Nhưng độ tin cậy của các thông tin quan trắc này chưa được khẳng định.

"Các chỉ số quan trắc của các trang này cao bất thường, thậm chí Hà Nội còn vượt các thành phố ở Trung Quốc, Ấn Độ về độ ô nhiễm", TS Bùi Thị An đặt vấn đề.

Nhiễu loạn thông tin

Theo bà An, Hà Nội, TP.HCM có chất lượng không khí kém là điều hiển nhiên. Tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân hàng ngày và đặt nhiều thách thức cho chính quyền. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của nó cần được đánh giá nghiêm túc, khách quan. Người dân nên theo dõi các thông tin quan trắc từ cơ quan chính thống như Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, các chỉ số đo đạc đều tuân theo quy định của Tổng cục Môi trường. Bộ TNMT cần có thông tin phản hồi về những chỉ số của những trang nước ngoài.

"Các công cụ quan trắc là đề người dân có sự tham khảo, đánh giá, từ đó có các biện pháp tự bảo vệ sức khỏe. Nhưng không nên lệ thuộc vào các trang quan trắc chất lượng không khí không chính thống mà trầm trọng hóa vấn đề", bà An cho hay.

Chênh lệch chỉ số AQI tại các điểm tại Hà Nội. Đồ họa: Sơn Hà.

Đồng quan điểm, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, cho rằng chính các chỉ số của một số website nước ngoài cũng đang mâu thuẫn.

"Những khu vực không khí đáng lẽ tốt như hồ Tây thì lại đang cho thấy điều ngược lại. Vậy tính chính xác của những chỉ số này là thế nào? Theo tôi, có thể đây là hiện tượng ô nhiễm cục bộ, cần xác định các trạm quan trắc này có đảm bảo đủ điều kiện không, có đặt gần nguồn ô nhiễm lớn nào không", giáo sư Đăng phân tích.

Ông cho rằng các trạm đo của Sở Tài nguyên Môi trường đều được giám sát, quản lý và buộc phải đạt các tiêu chuẩn như chiều cao thiết bị, khoảng cách với các nguồn phát thải trực tiếp, chất lượng của các máy đo...

"Các trang quan trắc cho số liệu cực đoan chưa chắc đã do chất lượng không khí xấu đến mức nguy hại, có thể do các trạm quan trắc không đảm bảo các điều kiện khách quan nên sai số lớn", ông Đăng nói.

Thông tin chính thống quá chậm

Air Visual, một trong những website cung cấp số liệu AQI thời gian thực được nhiều người truy cập nhất, được thành lập vào năm 2015, có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc và Thụy Sĩ. Nền tảng này cung cấp thông tin về chất lượng không khí của hơn 10.000 thành phố ở 80 quốc gia khác nhau.

Trao đổi với Zing.vn trước đó, Louise Watt, người phát ngôn của AirVisual cho biết trang này lấy dữ liệu từ 14 trạm quan trắc để tổng hợp chất lượng không khí của Hà Nội. Trong đó, 10 trạm là của chính phủ, bao gồm 9 trạm của Cổng Thông tin Quan trắc Môi trường, 1 trạm của Đại sứ quán Mỹ, và 4 trạm của người dân đóng góp số liệu.

Tuy nhiên, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho biết các trang quan trắc như Air Visual, Pam Air không phải là các nguồn cung cấp dữ liệu môi trường chính thức của chính quyền. Chi cục cũng không nắm rõ hệ thống và phương pháp quan trắc ở những trang này thế nào.

Người dân thủ đô đang chưa có đầy đủ thông tin về chất lượng không khí xung quanh mình. Ảnh: Việt Hùng.

TS Bùi Thị An nhận định một trong những nguyên nhân khiến người dân tin vào các thông tin từ những trang nước ngoài là do số liệu được cung cấp nhanh, đầy đủ, giao diện dễ nhìn.

"Thông tin quan trắc của cơ quan chính thống hiện giờ vẫn còn quá chậm chạp lẫn sơ sài. Cả thành phố mà mới chỉ có 10 trạm quan trắc là không đủ để người dân giám sát chất lượng không khí quanh mình, họ mới phải sử dụng cả các trang nước ngoài. Điều này cũng khiến thông tin nhiễu loạn, khó kiểm soát hơn", bà nêu quan điểm.

Chất lượng không khí đang được cải thiện?

Theo báo cáo được công bố ngày 1/10 của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường, chất lượng không khí Hà Nội không những không xấu đi, mà trong chu kỳ 10 năm gần đây đang tốt dần lên.

Từ năm 2010 đến nay, nồng độ bụi PM 10 và PM 2.5 có xu hướng giảm. Kết quả quan trắc từ trạm của Đại sứ quán Mỹ trong giai đoạn 2016-2018 cũng cho thấy xu hướng tương tự đối với chỉ số bụi PM 2.5.

Từ 2013 đến 2019, nồng độ bụi PM 2.5 trong các tháng năm 2019 có xu hướng giảm. Riêng tháng 9, nồng độ bụi tăng mạnh so với các tháng trước đó và so với cùng kỳ các năm 2015-2018.

Lý giải về vấn đề này, Tổng cục Môi trường cho rằng đây là hiện tượng ô nhiễm cục bộ, thời điểm. Nhiều yếu tố, nguyên nhân gây ô nhiễm xảy ra cùng một thời điểm và lại đúng vào lúc Hà Nội có khí hậu bất lợi.

Diễn biến nồng độ trung bình năm của PM 2.5 tại trạm Đại sứ quán Mỹ giai đoạn 2016-2018. Nguồn: Tổng cục Môi trường.

Theo đó, Hà Nội đang vào giai đoạn chuyển mùa, không khí khô và đặc biệt ít mưa so với cùng kỳ các năm. Trong khi đó, đây cũng là lúc chất lượng không khí kém do nhiều sương mù, tình hình đốt rơm rạ tràn lan cộng hưởng với các tác nhân ô nhiễm thường xuyên như giao thông, xây dựng, hoạt động dùng than, củi... khiến chất lượng không khí suy giảm đột ngột.

Cũng theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, các khoảng thời gian ghi nhận giá trị PM 2.5 cao thường là đêm và sáng sớm, AQI ở thời gian này cũng ở mức kém (trên 100), thậm chí có những giờ lên đến mức xấu (trên 200).

Đặc biệt, trong sáng các ngày 25-30/9, một số trạm quan trắc ghi nhận số liệu đã vượt ngưỡng 200, ở mức xấu. Tuy nhiên, AQI giờ ở mức đó chỉ có tại một số vị trí và có tính thời điểm.

Sơn Hà

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/loan-thong-tin-o-nhiem-va-ket-qua-bat-ngo-tu-tong-cuc-moi-truong-post996254.html