'Loan' - cuộc vượt thoát định kiến 'trọng nam khinh nữ'

Ngày 7-3, tại TP Hồ Chí Minh, nữ tác giả người Pháp Isabelle Muller ra mắt cuốn sách 'Loan – Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng' viết về cuộc đời mẹ mình - một phụ nữ Việt Nam.

Đó là một cuộc đời nghiệt ngã, bị chà đạp, coi rẻ bởi những người đàn ông gia trưởng, độc đoán như hầu hết số phận người phụ nữ Việt sống ở thời thực dân nửa phong kiến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Bà Loan tên thật là Đậu Thị Cúc, sinh năm 1929 tại một làng quê nhỏ gần thị xã Hà Tĩnh. Thuở nhỏ, bà Cúc chịu nhiều cay đắng, đòn roi do nếp “trọng nam khinh nữ”.

Vì là con gái, bà bị cha và anh trai ngược đãi, không được cho đi học, phải lăn lộn kiếm tiền từ năm lên 6. Dù vậy, Cúc vẫn lén cha và anh để học mót và biết viết biết đọc như các bạn nam cùng trang lứa.

Tác giả Isabelle Muller (giữa) giao lưu với bạn đọc tại buổi ra mắt “Loan”.

Năm 12 tuổi, bà bị bắt phải lấy chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ. Không chấp nhận số mệnh, Cúc bỏ trốn, phiêu dạt đến Nam Định, Hà Nội, Bắc Ninh… rồi suýt bị kẻ xấu hãm hại vào nhà thổ.

Cái tên Loan xuất hiện sau nỗi đau bà bị người chồng đầu tiên phản bội và đứa con đầu lòng chết yểu. Cái tên mang hàm ý “chim phượng hoàng” hồi sinh từ tro tàn.

Bà được người tốt giúp đỡ và đem lòng yêu người lính Pháp nghèo. Thời cuộc đưa đẩy, năm 1955, bà theo chồng sang Pháp sinh sống. Cuộc đời nơi đất khách lại khiến cho người phụ nữ bé nhỏ ấy phải gồng mình chống chọi với sự phân biệt chủng tộc, bươn chải nuôi lớn 5 đứa con. Isabelle Muller là con gái út của bà.

Cuộc đời bà Loan là cuộc đời một người phụ nữ bình thường nhưng luôn khát khao vươn lên, vượt thoát khỏi những trói buộc lễ giáo, định kiến hà khắc với người phụ nữ. Đó là nhân cách mà những người quen biết bà đều ngưỡng mộ.

Mang trong mình dòng máu Việt – Pháp, từ nhỏ Isabelle Muller luôn tò mò về vẻ ngoài khác biệt của mẹ mình với những người xung quanh. Nghe câu chuyện thời trẻ của bà, Isabelle Muller hứa sẽ viết một cuốn sách dành tặng mẹ.

Vào những năm 90 thế kỷ trước, cô cùng mẹ trở lại quê ngoại. Cô đã dành 2 năm tìm hiểu lịch sử và địa lý Việt Nam để viết cuốn sách. Do đó, đọc “Loan”, người ta không chỉ thấy được thân phận “thấp cổ bé họng” của người phụ nữ Việt dưới chế độ thực dân nửa phong kiến mà còn hình dung một giai đoạn lịch sử tiêu biểu dưới góc độ người dân thường.

Cuộc đời người mẹ và quê ngoại xa xôi đã gợi cảm hứng lớn để cô viết nên những dòng xúc động trong “Loan”. Bản gốc cuốn sách được viết bằng tiếng Đức và nhanh chóng lọt top 5 chung kết giải Kindle Storyteller Award 2015 (Đức).

Tác phẩm này còn lọt top sách best seller trên trang Amazon. Cuốn sách được dịch giả Trương Hồng Quang chuyển ngữ và do bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, giới thiệu đến Nhà xuất bản Trẻ nhằm phát hành nhân dịp Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3.

Ám ảnh về thời thơ ấu không được đi học của mẹ mình, Isabelle Muller vô cùng trăn trở khi chứng kiến nhiều bé gái dân tộc thiểu số ở vùng cao phía Bắc Việt Nam vẫn bị cha mẹ ngăn đến trường, bắt ở nhà làm nương, lấy chồng sớm.

Năm 2016, cô lập Quỹ từ thiện LOAN để giúp đỡ các em được đến lớp. Hiện Quỹ đã xây được nhiều trường mẫu giáo, sửa chữa trường học, tài trợ thiết bị dạy học cho các bản làng xa xôi ở Hà Giang, Cao Bằng… Toàn bộ nhuận bút cuốn sách “Loan” sẽ được tác giả góp vào Quỹ từ thiện LOAN.

Quỳnh Nga

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/loan-cuoc-vuot-thoat-dinh-kien-trong-nam-khinh-nu-481156/