Loại vải nào gắn bó với người Indonesia từ sơ sinh đến lúc qua đời?

Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể hay di sản thiên nhiên thế giới của Indonesia luôn mang đến du khách vô số trải nghiệm thú vị khi đến thăm đất nước vạn đảo này.

1. Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, loại vải truyền thống nào gắn bó với người Indonesia từ khi sơ sinh cho đến lúc qua đời?

Batik
Batil
Bitak
Bital

Batik gắn bó với cuộc sống người dân Indonesia từ lúc sơ sinh, đến các dịp trọng đại trong đời như hôn nhân, sinh nở... và cả lúc chết. Vải thể hiện sự sáng tạo và đời sống tâm linh của người dân xứ vạn đảo qua các hoa văn trang trí, kỹ thuật vẽ tay, chấm lỗ, phủ sáp, nhuộm... Di sản này của Indonesia cũng là món quà lưu niệm yêu thích của nhiều du khách khi đến đây. Ảnh: Points and Travel.

2. Nghệ thuật múa rối nào của đất nước vạn đảo là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, được nhiều du khách muốn tìm hiểu khi đến đây?

Samba
Kikindo
Kabuki
Wayang

Nghệ thuật múa rối wayang là hình thức kể chuyện cổ xưa, bắt nguồn từ đảo Java của Indonesia. Nổi tiếng với những con rối phức tạp, chủ yếu là rối gỗ 3 chiều và rối bóng phẳng bằng da được biểu diễn trên nền nhạc đặc sắc, wayang từng phát triển mạnh mẽ suốt 10 thế kỷ cả trong hoàng gia Java, Bali và lan rộng đến các đảo khác. Wayang vừa mang tính văn học, vừa giúp truyền tải các giá trị đạo đức, thẩm mỹ thông qua nghệ thuật. Ảnh: World Travel Guide.

3. Góp mặt vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể nhân loại của Indonesia còn có angklung. Được công nhận năm 2010, angklung là gì?

Một nhạc cụ
Một điệu múa
Một bài hát
Một bộ trang phục

Angklung là một nhạc cụ độc đáo của Indonesia, gồm từ 2-4 ống tre trong một khung tre. Các ống tre này được cắt gọt cẩn thận bởi những thợ thủ công bậc thầy mới có thể tạo ra âm thanh. Điều đặc biệt là mỗi angklung chỉ cho một nốt hoặc một hợp âm, nên nhiều người phải hợp tác với nhau để hòa điệu. Angklung thể hiện phong tục truyền thống, bản sắc văn hóa Indonesia. Ảnh: Indonesia Tourism.

4. Ngoài di sản văn hóa phi vật thể, Indonesia còn có các di sản thiên nhiên thế giới thu hút nhiều du khách, chẳng hạn như vườn quốc gia Komodo. Di sản này được UNESCO công nhận vào năm nào?

1981
1991
2001
2011

Nằm ở trung tâm quần đảo Indonesia, vườn quốc gia Komodo là một trong những di sản thế giới đầu tiên của nước này được UNESCO công nhận năm 1991. Vườn có tổng diện tích gần 220.000 ha, gồm 3 đảo chính và rất nhiều đảo nhỏ có nguồn gốc núi lửa. Đây là nơi sinh sống của khoảng 5.700 con rồng Komodo kỳ dị cùng nhiều sinh vật quý hiếm khác. Ảnh: The Jakarta Post.

5. Năm 1991, UNESCO công nhận vườn quốc gia Ujung Kulon của Indonesia là di sản thiên nhiên thế giới. Ngọn núi lửa nổi tiếng thuộc vườn quốc gia này có tên là gì?

Sinaburg
Krakatau
Rinijamim
Bromomeru

Vườn quốc gia Ujung Kulon nằm ở cực tây nam đảo Java, là nơi sinh sống của loài tê giác Java có nguy cơ tuyệt chủng cao. Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, di sản thế giới này còn có các đặc điểm địa chất phù hợp cho nghiên cứu núi lửa nội địa. Krakatau là núi lửa nổi tiếng nhất ở đây, từng phun trào năm 1883 khiến hơn 36.000 người thiệt mạng. Ảnh: Travelled Paths.

6. Vườn quốc gia nào của Indonesia vừa là di sản thiên nhiên thế giới, vừa là khu vực bảo tồn lớn nhất Đông Nam Á?

Vườn quốc gia Puncak Jaya
Vườn quốc gia Java
Vườn quốc gia Tân Lục địa
Vườn quốc gia Lorentz

Vườn quốc gia Lorentz thuộc tỉnh Papua của Indonesia, có diện tích khoảng 2,35 triệu ha. Vì thế, đây là khu vực bảo tồn lớn nhất Đông Nam Á, cũng đồng thời là vườn quốc gia duy nhất thế giới kết hợp một tuyến liên tục, nguyên vẹn các môi trường khác nhau từ có tuyết rơi đến biển nhiệt đới, gồm cả vùng ngập nước rộng lớn. Ảnh: Xplorea.

7. Đặc điểm nào sau đây mô tả không chính xác về quần thể đền tháp Borobudur, một di sản thế giới thu hút du khách bậc nhất ở Indonesia?

Nằm ở trung tâm đảo Java
Có niên đại vào thế kỷ 8-9
Là một di tích Hồi giáo quan trọng bậc nhất thế giới
Được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1991

Quần thể đền tháp Borobudur nằm ở thung lũng Kedu, trung tâm đảo Java, được UNESCO đánh giá là một trong những di tích Phật giáo vĩ đại nhất thế giới. Di sản thế giới này có niên đại vào thế kỷ 8-9, phản ánh sự kết hợp ý niệm thờ phụng tổ tiên của người bản địa và khái niệm Niết bàn của Phật giáo. Trong mỗi 72 bảo tháp ở đây đều có một tượng Phật. Ảnh: International Workcamps.

Sầu riêng - món ăn phổ biến ở Indonesia

Sầu riêng là loại trái cây kén người ăn bởi mùi hương đặc biệt. Tuy nhiên ở Medan, Indonesia, loại quả này phổ biến đến mức được sáng tạo thành nhiều món ăn độc đáo, khác lạ.

Song Phúc

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/loai-vai-nao-gan-bo-voi-nguoi-indonesia-tu-so-sinh-den-luc-qua-doi-post871654.html