Loài sơn dương biểu tượng quốc gia, có cặp sừng như rắn cuộn

Cặp sừng dài 1,6 m với hình dáng vặn xoắn khiến linh vật của Pakistan gây ấn tượng với nhiều người.

 Sơn dương núi Pakistan (dê núi Markhor) là một trong những loài vật sở hữu cặp sừng ấn tượng nhất hành tinh. Chúng sống ngoài tự nhiên, được tìm thấy ở một số vùng núi châu Á, chủ yếu là Pakistan, Đông Bắc Afghanistan, Nam Uzbekistan, Bắc Ấn Độ, dãy Himalaya và Nam Tajikistan. Ảnh: CNN.

Sơn dương núi Pakistan (dê núi Markhor) là một trong những loài vật sở hữu cặp sừng ấn tượng nhất hành tinh. Chúng sống ngoài tự nhiên, được tìm thấy ở một số vùng núi châu Á, chủ yếu là Pakistan, Đông Bắc Afghanistan, Nam Uzbekistan, Bắc Ấn Độ, dãy Himalaya và Nam Tajikistan. Ảnh: CNN.

Chúng từng bị xếp vào danh sách loài có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, sự gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây khiến dê Markhor được đổi lại thành "cận kề nguy cơ tuyệt chủng". Ảnh: iStock.

Loài dê này được xem như linh vật của Pakistan. Cái tên Markhor tạo bởi 2 từ trong tiếng Pakistan là "mar" (rắn) và "khor" (ăn thịt). Theo người dân bản địa, dê núi Markhor có khả năng giết chết rắn độc. Một số người còn đi thu thập phần bọt chảy ra từ mồm con dê khi nó nhai thức ăn vì tin rằng thứ dịch này có khả năng loại trừ độc rắn. Ngoài ra, hình dạng sừng của loài dê này cũng dễ khiến người nhìn liên tưởng đến cảnh con rắn đang cuộn xoắn mình. Ảnh: iStock.

Con sơn dương núi Pakistan trưởng thành thường dài gần 2 m và cao hơn 1 m, cân nặng khoảng 110 kg. Lông chúng thường có màu xám, nâu nhạt hoặc đen. Bộ lông dê Markhor khá ngắn, mịn nhưng có xu hướng dày lên vào những ngày đông. Ảnh: Dawn.

Cặp sừng ấn tượng của dê Markhor có thể dài tới 1,6 m. Tuy nhiên, sừng dê cái thường chỉ đạt khoảng 25 cm. Cặp sừng được chúng sử dụng trong thời kỳ giao phối để chiến đấu với các đối thủ. Dê đực có xu hướng sống một mình, tách biệt với con cái và cả đàn của nó. Dê cái thường mang thai trong khoảng 170 ngày và đẻ khoảng 1-2 con/lần. Ảnh: Alamy.

Khu vực sống chủ yếu ở đồi núi giúp dê Markhor leo trèo rất giỏi. Con non hoàn toàn có thể leo núi thuần thục chỉ vài tháng sau khi sinh ra. Ảnh: Getty.

Dù được xem là linh vật quốc gia, Pakistan lại không có những điều luật để bảo vệ dê Markhor. Đầu năm 2019, Bryan Kinsel, một thợ săn người Mỹ đã trả hơn 100.000 USD để giết chết một con dê Markhor tại phần dãy Himalaya thuộc Pakistan. Số tiền này được dùng để chia cho những người dân nghèo ở trong khu vực sinh sống của dê. Theo Washington Post, 80% tiền về tay người dân, 20% còn lại được chuyển đến các cơ quan động vật hoang dã của Chính phủ. Tuy nhiên, những cơ quan này đã lên tiếng phủ nhận. Ảnh: Washington Post.

Một số ý kiến cho rằng biểu tượng quốc gia chỉ nên để ngắm chứ không phải giết. Tuy nhiên, ít ai có thể phủ nhận những lợi ích mà việc săn dê Markhor đem lại. Tại nhiều quốc gia, việc săn bắn cũng được xem như một chiến lược bảo tồn có tính phí cho người tham gia. Điều này khiến số lượng loài được kiểm soát và những người dân nghèo lại có thêm một khoản thu nhập tương đối. Tuy nhiên, một số trường hợp săn bắn quá nhiều đã khiến các loài động vật tuyệt chủng như hổ Tasmania ở Australia. Ảnh: Geo TV.

Anh Tú

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loai-son-duong-bieu-tuong-quoc-gia-co-cap-sung-nhu-ran-cuon-post1115391.html