Trọng lượng gấp 200 lần cá voi xanh, đây mới là loài sinh vật khổng lồ nhất Trái Đất

Không chỉ có diện tích rộng và trọng lượng khủng mà loài sinh vật này còn có tuổi đời rất lâu, thậm chí còn lâu hơn rất nhiều so với những quốc gia mà nó đang sống.

Dãy núi Blue Mountains ở phía đông Oregon, Mỹ, là nơi “ẩn náu” của một trong những sinh vật kỳ lạ và lâu đời nhất trên Trái Đất. Đây là một loại nấm khổng lồ có tuổi đời hơn 2.400 năm, có tên khoa học là Armillaria ostoyae hay còn gọi là nấm dây giày, nấm mật ong. Loài nấm này có thể bao phủ diện tích khoảng 7,7km2, khiến nó trở thành sinh vật lớn nhất từng được phát hiện trên Trái Đất.

Nấm Armillaria ostoyae bắt đầu vòng đời như một bào tử đơn bào, rất nhỏ và không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Ước tính loài nấm này đã từ từ lan rộng trong ít nhất 2.500 năm, tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng tuổi đời của nó khoảng 8.000 năm.

Nấm mật ong nở thành từng cụm màu vàng vào mùa thu.

Nấm khổng lồ lan rộng qua hệ thống rễ của cây rừng, nơi nó sinh sống và từ từ giết chết bất cứ thứ gì trên đường đi của mình. Điều này biến nấm mật ong không chỉ trở thành sinh vật lớn nhất trên hành tinh mà còn là một trong những loài đáng sợ nhất vì khả năng tàn phá của nó.

Vào mùa thu, nấm mật ong thường nở thành từng cụm màu vàng với mũ, sợi nấm và bào tử trong vài tuần nhưng những ngày còn lại trong năm, nó chỉ mang hình dáng như một lớp mỏng màu trắng, giống như sơn latex. Tuy nhiên, ở hình dạng không dễ thấy này, nấm mật ong lại giết nhiều sinh vật nhất vì nó có thể lan rộng qua các cây dễ dàng.

Loài nấm sống ký sinh ở gốc cây, giúp cây vận chuyển chất dinh dưỡng qua đất. Ban đầu, nó lan rộng dưới vỏ cây và từ từ bén rễ, rồi hút nhựa sống của cây trong nhiều thập kỷ. Khi đó, cây sẽ cố gắng chống chọi bằng cách tự lột bỏ lớp vỏ của mình, nhưng chúng luôn là “kẻ thua cuộc”.

Những thời khắc khác trong năm, nấm mật ong có màu trắng giống như sơn latex.

Greg Filip, một nhà nghiên cứu bệnh học thuộc Sở lâm nghiệp Mỹ nói: “Không ai nghĩ rằng một loại nấm có thể giết chết cây cối. Nấm sẽ phát triển quanh gốc cây và giết chết tất cả các mô. Có thể là trong 20, 30, 50 năm trước khi cây chết. Sau đó, sẽ không còn bất kỳ sự trao đổi chất dinh dưỡng và nước nào trong cây nữa“.

Armillaria ostoyae lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1988 bởi nhân viên kiểm lâm Greg Whipple. Đầu tiên, Greg nghĩ rằng loại nấm này chỉ bao phủ khoảng 400 mẫu Anh (khoảng 1,6km2) nhưng theo thời gian ông thấy diện tích của nó đã tăng lên rất nhiều.

Cục lâm nghiệp đã thu thập mẫu từ nhiều khu vực trong rừng và nhận thấy loại nấm xuất hiện ở khắp mọi nơi. Ban đầu, họ nghĩ rằng nó chỉ có vẻ bề ngoài giống nhau nhưng xét nghiệm DNA, họ mới ngỡ ngàng khi biết đó chỉ là một sinh vật duy nhất. Theo tính toán, nếu thu thập tất cả lại, loài nấm này sẽ có trọng lượng ít nhất là 7.500 tấn, thậm chí lên đến 35.000 tấn, tương đương trọng lượng của 200 con cá voi xanh.

Loài nấm này thường sống ký sinh ở gốc cây rồi dần dần hút hết nhựa sống của cây.

Nấm mật ong có thể được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới như Michigan, Đức nhưng lớn nhất và lâu đời nhất được tìm thấy là ở Oregon, Mỹ.

Một năm, loài nấm này lan rộng thêm từ 0,3 -1m và trước mắt bạn là cả một diện tích lớn. Vậy nên, ước tính tuổi đời của nó sẽ từ 2.000 đến 8.000 năm“, ông Greg nói.

Các nhà khoa học cho rằng nấm mật ong rất hấp dẫn để nghiên cứu nhưng ngược lại, những người làm gỗ tại địa phương lại rất ghét loại nấm này. Bởi chúng đã hủy hoại những loại gỗ quý và cho tới nay, vẫn chưa ai có thể đưa ra cách ngăn chặn sự phát triển của nó.

Diện tích nấm mật ong bao phủ khi nhìn từ Google Earth.

Vào những năm 1970, các nhà nghiên cứu từng tìm cách loại bỏ toàn bộ nấm tại một trang trại gỗ. Họ chặt cây, đào gốc và loại bỏ đến sợi nấm cuối cùng mà họ tìm thấy. Kết quả, nhiều cây thông sống sót sau khi được trồng trên đất đã qua xử lý. Phương pháp này tuy cho kết quả tốt nhất trong suốt 40 năm nghiên cứu nhưng lại tốn rất nhiều công sức, tiền của và không khả thi trên quy mô lớn. Các công ty gỗ không thể đào bới hết mọi dấu vết của nấm.

Dan Omdal cùng với Sở Tài nguyên Washington đang cố gắng tìm một cách tiếp cận khác. Họ trồng một số loài cây lá kim khác gần gốc cây bị nấm mật ong giết chết với hy vọng sẽ có ít nhất một loại cây chịu được loại nấm này.

Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm một loại cây có thể sinh trưởng chung với loài nấm đó“, ông Dan Omdal nói.

Hà Phương

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-gioi/loai-sinh-vat-khong-lo-nhat-trai-dat-bao-phu-dien-tich-rong-77km2-trong-luong-gap-200-lan-ca-voi-xanh-1823303.html