Loại sách công nghệ giáo dục: Hội đồng thẩm định đi ngược tinh thần đổi mới?

Việc sách công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại bị hội đồng thẩm định sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo loại ngay từ vòng một đang khiến dư luận xôn xao. Bộ sách đang được triển khai ở 49 tỉnh thành trên cả nước, với trên 931.000 học sinh, trong đó rất nhiều tỉnh vùng sâu vùng xa, nhưng hội đồng lại khẳng định sách quá khó, hàn lâm, quá tải.

Sách công nghệ giáo dục quá khó?

Chia sẻ với báo chí, Giáo sư Trần Đình Sử, thành viên hội đồng thẩm định cho biết, sách công nghệ giáo dục bị loại vì vừa thừa, vừa thiếu.

Cụ thể, chương trình mới yêu dạy học sinh lớp 1 theo bốn tiêu chí đọc, viết, nghe, nói, còn sách giáo khoa của Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ yếu dạy âm, chữ, quy tắc chính tả. Trong khi đó, sách lại có nhiều nội dung quá tải, vượt yêu cầu với học sinh lớp 1 như dạy kiến thức về ngữ âm tiếng Việt, cấu trúc ngữ âm của từ tiếng Việt, các khái niệm âm đầu, âm đệm, âm cuối, âm đôi. Chương trình mới chỉ yêu cầu học sinh lớp 1 phân biệt chính tả c –k, g- gh, nhưng sách giáo khoa của Giáo sư Hồ Ngọc Đại phân biệt chính tả cả về ngữ âm, ngữ nghĩa, vượt lên ở lớp 2, 3, 4.

Giáo sư Mai Ngọc Chừ, một thành viên khác của hội đồng thẩm định, cho biết, trong các trang sách của giáo sư Hồ Ngọc Đại đều có các thành ngữ, tục ngữ như “thế chẻ tre”, “bé xé ra to”, “ “củ rủ cù rù”, “vắt chanh bỏ vỏ”, ngữ liệu có cả tác phẩm “Nam quốc sơn hà”, “Bình Ngô đại cáo”, là quá tải với lớp 1.

Ông Chừ cũng cho biết, trong hội đồng có 5 thành viên là giáo viên dạy lớp 1 và các giáo viên đều cho biết để dạy công nghệ giáo dục, giáo viên phải vất vả, dành nhiều thời gian để tìm hiểu những nội dung quá cao trên.

“Sách phải chuẩn của chương trình giáo dục phổ thông mới, phải đủ, không được thiếu, cũng không được thừa. Chúng tôi không phủ nhận tư tưởng của anh Đại. Tôi chỉ có lời khuyên anh Đại là nên theo chương trình mới của Bộ để viết lại,” Giáo sư Trần Đình Sử nói.

Thẩm định xơ cứng và xa rời thực tiễn

Trước ý kiến của hội đồng thẩm định sách giáo khoa, Giáo sư Hồ Ngọc Đại khẳng định, bộ sách của ông đã có lịch sử 50 năm và trong những năm qua, ông đã chỉnh sửa rất nhiều lần. Cũng theo Giáo sư Hồ Ngọc Đại, việc hội đồng nói sách của ông quá khó là mang tính chủ quan theo kinh nghiệm giáo dục cũ. “Với thời của các vị là cao, nhưng với trẻ con nó chấp nhận được. Cái gì trẻ con làm được, vui vẻ thì sao lại bảo quá sức? Quá sức là do ấn tượng về nghiệp vụ sư phạm quá thấp của anh. Sách của tôi tôi viết mấy chục năm, tôi đã tính hết. Cái gì nghe được thì tôi nghe. Tôi đã điều chỉnh rồi chứ không phải không. Đó là bản in cuối cùng của tôi”, Giáo sư Hồ Ngọc Đại khẳng định.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại khẳng định, bộ sách của ông đã có lịch sử 50 năm và trong những năm qua, ông đã chỉnh sửa rất nhiều lần.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại khẳng định, bộ sách của ông đã có lịch sử 50 năm và trong những năm qua, ông đã chỉnh sửa rất nhiều lần.

Cũng theo Giáo sư Hồ Ngọc Đại, hiện bộ sách có đến 931.000 học sinh của 49 tỉnh thành trên cả nước theo học, điều đó cho thấy bộ sách được học sinh và giáo viên chấp nhận chứ không phải quá khó như kết luận của hội đồng.

Đây cũng là quan điểm của ông Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo ông Nguyễn Kế Hào, những tiêu chuẩn thẩm định của Bộ là quá xơ cứng, kinh nghiệm và xa rời thực tiễn.

“Hội đồng có hai Giáo sư chưa từng dạy lớp 1, chưa dự giờ công nghệ giáo dục. Có 5 giáo viên nhưng không biết trong số đó có bao nhiêu người dạy công nghệ giáo dục. Và họ kết luận là chương trình khó. Tại sao không đi hỏi 931.000 học sinh, hàng nghìn giáo viên đã và đang dạy công nghệ giáo dục trong hàng chục năm qua?”, ông Hào đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Nguyễn Kế Hào, nói sách công nghệ giáo dục chú trọng ngữ âm là đúng nhưng nếu nói sách không đáp ứng yêu cầu dạy học sinh nghe, nói, đọc, viết là sai. Bộ sách đã hai lần chữa cháy cho ngành giáo dục, giúp khắc phục tình trạng học sinh học xong không biết đọc, biết viết.

“Còn việc không cho sách có nội dung vượt chương trình là điều rất xơ cứng và sai lầm. Tinh thần của chương trình giáo dục mới là có tính mở để phù hợp với nhiều đối tượng học sinh. Chương trình chỉ yêu cầu chuẩn tối thiểu. Nhưng thẩm định sách lại không cho vượt yêu cầu chuẩn là đã đi ngược với tinh thần đổi mới. Khi áp các sách vào một khung chung thì tư tưởng ‘một chương trình, nhiều sách giáo khoa’ chỉ là trên giấy, còn thực tế vẫn chỉ là một bộ sách giáo khoa”, ông Nguyễn Kế Hào phân tích.

Từ việc sách giáo khoa công nghệ giáo dục bị loại, ông Hào cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải xem lại các tiêu chí chọn sách đã đưa ra trong Thông tư 33 (thông tư hướng dẫn thẩm định sách giáo khoa).

“Hội đồng sẽ thẩm định theo quy định của Thông tư 33, nên người chịu trách nhiệm là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc sửa cũng không khó vì hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của Bộ trưởng”, ông Hào kiến nghị.

Tuyết Mai

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/giao-duc/loai-sach-cong-nghe-giao-duc-hoi-dong-tham-dinh-di-nguoc-tinh-than-doi-moi-155255.html