Loài rắn có nọc cực độc khiến 2 người An Giang nguy kịch

Chàm quạp là một trong những loài rắn cực độc tại Việt Nam. Nó có thể làm tê liệt hệ thần kinh của con mồi và khiến tim ngừng đập chỉ trong vài phút.

Sau 6 ngày nhập viện, tình trạng 2 bệnh nhân ở An Giang bị rắn độc rắn khi đi cắt sả còn khá nặng do rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Hai bệnh nhân đang được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ chăm sóc và điều trị tích cực.

"Sát thủ" trong bụi sả được xác định là rắn chàm quạp - một trong những loài cực độc thuộc họ rắn lục, khá hiếm gặp tại Việt Nam.

Sát thủ ẩn mình trong lá khô

Rắn Chàm quạp hay rắn lục Malaysia, rắn lục nưa, khô lục nưa... (tên khoa học Calloselasma rhodostoma) thuộc họ rắn lục.

 Rắn chàm quạp nằm cuộn tròn và có màu sắc gần giống lá khô nên khó phát hiện. Ảnh: Flickr.

Rắn chàm quạp nằm cuộn tròn và có màu sắc gần giống lá khô nên khó phát hiện. Ảnh: Flickr.

Chúng có màu nâu hay đỏ nâu dài khoảng dưới một mét, đầu hình tam giác, dọc theo sống lưng có nhiều hình tam giác màu nâu đối xứng giống cánh bướm. Hoa văn trên thân này cùng với màu sắc như lá khô nên khiến người dân khó phát hiện.

Rắn chàm quạp thường nằm cuộn tròn trong lá cây khô, cây gỗ già, bụi cây... nên rất khó phát hiện. Điểm nổi bật của loài vật này là sau khi cắn người, chúng thường nằm yên tại chỗ, không di chuyển.

Nọc rắn chàm quạp chiếm tỷ lệ 19,4% các trường hợp rắn độc cắn nhập Bệnh viện Chợ Rẫy, gây tử vong cao và thường gặp ở vùng trồng nhiều cây cao su và cây điều thuộc các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, núi Cấm (An Giang) và khu vực núi đá vôi Nam bộ như Kiên Lương, Hà Tiên (Kiên Giang).

Tai nạn do rắn chàm quạp cắn thường xảy ra nhiều vào mùa mưa và bệnh nhân trong độ tuổi lao động. Theo thống kê của Bộ Y tế, các trường hợp bị tai nạn do rắn chàm quạp cắn là nông dân (65%), công nhân cao su (15%), học sinh (10%), công nhân (5%), lái xe (2,5%) và người đi du lịch (2,5%).

Nọc rắn chàm quạp nguy hiểm thế nào?

Theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, bệnh nhân sau bị rắn chàm quạp cắn sẽ cảm thấy rất đau. Vùng bị cắn sưng nề và lan nhanh gây hạch vùng (80%), chảy máu vết cắn (77.5%). Vùng tổn thương có bóng nước (62,5%) thường xuất hiện muộn hơn do sưng nề nhanh và nhiều.

Các bóng nước đa dạng, có nhiều máu bên trong nên khi vỡ gây chảy máu liên tục. Hoại tử ít gặp (17.5%) nhưng thường hoại tử sâu các cơ do tình trạng chèn ép khoang dẫn đến phải cắt cụt chi.

Bệnh nhân 52 tuổi gặp biến chứng rối loạn đông máu - giảm tiểu cầu nặng do nọc rắn chàm quạp. Ảnh: T.P.

Sau khi bị rắn chàm quạp cắn, bệnh nhân thường có cảm giác mệt, ngất, nôn, đau bụng, tiêu chảy và tụt huyết áp. Các triệu chứng xuất huyết tự nhiên chậm hơn từ 30 phút đến vài ngày sau.

Xuất huyết là triệu chứng khá điển hình khi nhiễm độc chàm quạp. Bệnh nhân có thể xuất huyết da niêm, chảy máu răng lợi, xuất huyết tiêu hóa trên, tiểu máu, bệnh nhân nữ có ra huyết âm đạo, thậm chí hôn mê do xuất huyết não.

Phụ nữ có thai thường có biểu hiện lâm sàng rất nặng như dọa sẩy thai gây xuất huyết ồ ạt, thai chết lưu do xuất huyết sau bánh nhau... Khi rơi vào tình trạng nhiễm độc toàn thân, bệnh nhân có thể bị rối loạn đông máu và (hoặc) rối loạn các xét nghiệm về chỉ số đông máu, rối loạn tim mạch, suy thận cấp.

Khi bị rắn chàm quạp cắn, bệnh nhân cần rửa sạch vết cắn và băng ép bằng băng thun từ vị trí bị cắn đến gốc chi (có thể băng ép toàn bộ chi). Phương pháp băng ép bất động chỉ áp dụng cho các trường hợp rắn hổ cắn vì nạn nhân có thể tử vong nhanh do gây nhiễm độc thần kinh, không khuyến cáo áp dụng với họ rắn lục.

Tuy nhiên khi bị cắn, bệnh nhân khó xác định loài gì nên có thể ứng dụng được cho tất cả các trường hợp bị rắn cắn để đảm bảo cứu mạng trước mắt.

Tại cơ sở y tế, qua xét nghiệm và lâm sàng, nếu bệnh nhân không có triệu chứng nhiễm độc, bác sĩ sẽ tiếp tục ghi nhận sự tiến triển các triệu chứng trong vòng 12 giờ. Nếu có dấu hiệu nhiễm độc, huyết thanh kháng nọc rắn được chỉ định ngay lập tức.

Nếu không có huyết thanh kháng nọc rắn chàm quạp, bệnh nhân có thể được điều trị triệu chứng trong khi chờ nọc rắn được thải trừ như thở máy, hồi sức tim mạch, tiêm phòng uốn ván, kháng sinh, truyền dịch, truyền máu, phẫu thuật cắt lọc và ghép da.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết chàm quạp là loài rắn độc nguy hiểm. Theo số liệu thống kê năm năm 2017 và năm 2018, số bệnh nhân bị rắn chàm quạp cắn điều trị dao động trên 100 người.

Nọc rắn chàm quạp khiến nạn nhân tử vong trong thời gian ngắn nếu không nhập viện kịp thời. Ảnh: Spiderum.

Số lượng này chỉ đứng sau bệnh nhân bị rắn lục cắn. Trung bình mỗi năm, khoa Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận khoảng 100 trường hợp. Bệnh nhân bị rắn chàm quạp cắn hiếm khi tử vong nếu được sơ cứu đúng cách và đến bệnh viện kịp thời.

Theo tiến sĩ Lê Quốc Hùng nọc rắn hổ thường gây độc nhanh hơn nên tỷ lệ tử vong cao hơn do không tới bệnh viện kịp. Tuy nhiên, chàm quạp cũng là một trong những loài cực độc.

Bất cứ rắn độc nào cắn cũng nguy hiểm nếu không chữa kịp, do đó, khi bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành đều cần được xử trí và theo dõi sát tại bệnh viện như là một trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nạn nhân được sơ cứu đúng cách và nhập viện sớm, hiệu quả điều trị càng cao.

Các chuyên gia nhấn mạnh việc cột ga-ro vết thương không mang lại hiệu quả, nó có thể gây thiếu máu nuôi phía chi bên dưới dẫn đến hoại tử. Việc cắt lể, nặn máu hay hút nọc độc có thể gây nhiễm trùng, chảy máu tại chỗ và tăng hấp thu nọc độc. Tương tự, việc đắp lá hay rễ cây càng khiến vết thương có nguy cơ nhiễm trùng.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loai-ran-co-noc-cuc-doc-khien-2-nguoi-an-giang-nguy-kich-post1194821.html