Loài khủng long nào sẽ xuất hiện ở 'Thế giới khủng long 2'?

Bên cạnh những cái tên quen thuộc như Velociraptor, Apatosaurus, T-Rex…, 'Jurassic World: Fallen Kingdom' còn giới thiệu loài khủng long đột biến cực kỳ đáng sợ có tên Indoraptor.

Chris Pratt chào khán giả Việt Nam Tài tử người Mỹ gửi lời chào tới khán giả Việt Nam nhân dịp "Jurassic World: Fallen Kingdom" ra mắt từ 8/6.

Apatosaurus: Đây là một trong những sinh vật lớn nhất từng xuất hiện trên Trái Đất với trọng lượng lên đến 35 tấn. Nó sở hữu chiếc cổ dài, cộng thêm đuôi có thể khiến tổng chiều dài cơ thể lớn hơn cả hai chiếc xe buýt cộng lại. May mắn thay, Apatosaurus là giống khủng long cực kỳ hiền lành, chỉ ăn thực vật. Tuy chẳng làm hại ai bao giờ, nhưng nếu trở nên hoảng loạn khi bị tấn công hoặc gặp nguy hiểm, chúng sẽ dễ dàng nghiền nát nhiều loài khủng long ăn thịt nhỏ con hơn như Ceratosaurus hay Allosaurus.

Triceratops: Từ “ceartops” trong cái tên Triceratops theo tiếng Latin có nghĩa là “mặt sừng”, dùng để ám chỉ ngoại hình cực kỳ đặc biệt của loài sinh vật có ba chiếc sừng trên đầu. Chúng xuất hiện ở cuối kỷ Phấn trắng với hàm răng to, dài, dùng để nhai thực vật. Triceratops thường di chuyển theo đàn với tốc độ nhanh nhất đạt được là 56 km/h. Triceratops từng xuất hiện nhiều lần trong bộ ba phim Jurassic Park đầu tiên, mà nổi bật nhất là cảnh tiến sĩ Grant cùng Sattler và Malcolm gặp gỡ chú khủng long ba sừng bé con đang lâm bệnh.

Stegosaurus: Stegosaurus có bộ khung xương nổi lên trên lưng giống như những phiến đá sắc nhọn. Chúng cũng là loài động vật ăn cỏ hiền hòa, nhưng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng nếu bị kích động. Loài khủng long có chiều dài 9 m, với hai não bộ nằm ở đầu và đuôi. Chiếc đuôi của chúng có nhiều gai nhọn sắc bén, dùng để tấn công kẻ thù, và được điều khiển bởi não sau. Nhược điểm duy nhất của Stegosaurus là không có khả năng chạy nhanh. Loài khủng long lần đầu xuất hiện trong tập The Lost World.

Ankylosaurus: Có ngoại hình na ná loài rùa ngày nay, nhưng giống khủng long có kích thước lớn hơn rất nhiều, với một lớp giáp dày, đầy gai nhọn. Điểm nổi bật nhất của Ankylosaurus là quả chùy rất cứng ở ngay đuôi, dùng để tự vệ khi bị những loài ăn thịt khác tấn công. Chúng xuất hiện lần đầu trong Jurassic Park III, và có nhiều đất diễn hơn ở Jurassic World.

Pteranodon: Đây là một trong những loài sinh vật tiền sử hiếm hoi có cánh, với sải cánh có thể dài đến 6 m. Điều thú vị là Pteranodon thực tế không được xếp vào hàng khủng long, và thú vị hơn nữa là chúng không hề có răng. Pteranodon chủ yếu bắt cá rồi nuốt thẳng vào bụng. Các nhà làm phim Hollywood đã bỏ qua chi tiết đó, và biến chúng thành loài sinh vật săn mồi hung tợn bậc nhất trên màn ảnh. Trong Jurassic World, các Pteranodon thậm chí còn tấn công cả trực thăng và bắt du khách lên không trung để cắn xé.

Gallimimus: Gallimimus là một trong những “vận động viên điền kinh” nhanh nhất của thế giới khủng long với tốc độ cao nhất đạt được lên tới 96 km/h. Cách di chuyển chúng y hệt như loài gà ngày nay. May mắn là với tốc độ khủng khiếp như vậy, chúng lại không có răng. Gallimimus chỉ có thể ăn thực vật, trứng hoặc những loài côn trùng, động vật bé nhỏ.

Compsognathus: Tên của loài khủng long theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “thanh lịch” hoặc “thanh nhã”, bởi kích thước của chúng chỉ bằng cỡ một con gà tây. Với kích thước tí hon như thế, Compsognathus rất dễ bị coi thường. Song, điều nguy hiểm nằm ở chỗ chúng luôn đi săn theo bầy. Sự liều mạng của loài sinh vật thể hiện rõ ở việc sẵn sàng tấn công một sinh vật lớn hơn gấp nhiều lần nếu áp đảo về mặt số lượng. Con người chắc chắn là miếng mồi béo bở dành cho Compsognathus.

Velociraptor: Đây là một trong những loài khủng long thông minh nhất với bộ não lớn hơn bình thường. Có kích cỡ tương đương con người, lại sở hữu tốc độ di chuyển nhanh chóng, Velociraptor luôn nằm trong danh sách các loài săn mồi nguy hiểm nhất thời cổ đại. Chúng là một trong những biểu tượng của loạt phim khủng long và xuất hiện trong tất cả các tập phim. Ở Jurassic World, Velociraptor được “nâng tầm” và huấn luyện bởi nhân vật chính Owen Grady (Chris Pratt). Nổi bật nhất trong số đó là Blue, và chính sinh vật khiến Owen quyết định trở lại hòn đảo Isla Nublar để giải cứu khi một núi lửa phun trào. Chú Velociraptor tên Blue chắc chắn đóng vai trò hết sức quan trọng ở Jurassic World: Fallen Kingdom tới đây.

Carnotaurus: Loài thú săn mồi có dáng đi khá giống với T-Rex, nhưng lại mang kích thước nhỏ bé hơn. Điểm đặc biệt của chúng là cặp sừng trên đầu. Carnotaurus sở hữu hàm răng sắc nhọn, đôi chân cơ bắp, nên khó có con mồi nào sống sót nổi sau khi bị chúng săn đuổi. Ở trailer của Jurassic World: The Fallen Kingdom, khán giả thấy cảnh một con Carnotaurus đuổi theo các nhân vật chính, và nếu không có T-Rex thì họ chắc chắn đã trở thành mồi ngon cho nó.

T-Rex: Tyrannosaurus - hay còn gọi là T-Rex - là loài khủng long nổi tiếng nhất và thường xuyên xuất hiện trong các tập phim điện ảnh Jurassic Park / World. Theo tiếng Hy Lạp, “tyranno” có nghĩa là bạo chúa, nên đây cũng là biệt danh của loài sinh vật trong văn hóa đại chúng. “Khủng long bạo chúa” thuộc loài ăn thịt đi bằng hai chân, với hộp sọ lớn và cái đuôi khá nặng. Nó được cho là một trong những loài động vật trên cạn có lực cắn mạnh nhất. Ở Jurassic World, T-Rex đã hợp sức với Blue và một con Mosasaurus để đánh bại khủng long lai Indominus.

Indoraptor: Đây là loài khủng long đột biến mới, chuẩn bị có lần ra mắt trong loạt phim khủng long. Theo lời giới thiệu của một nhân vật trong Jurassic World: Fallen Kingdom, Indoraptor chính là “loài sinh vật nguy hiểm nhất từng đặt chân lên Trái đất”. Nó có chiếc đầu hơi giống của T-Rex, nhưng bộ móng vuốt lại sắc lẹm như của Velociraptor. Với kích thước nhỏ hơn Indominus của tập trước, Indoraptor có thể dễ dàng len lỏi vào những ngóc ngách để truy đuổi con mồi. Con quái vật của Jurassic World: Fallen Kingdom thậm chí còn có thể giả chết để đánh lạc hướng những ai đang mưu toan chống lại nó.

Hiếu Trịnh
Ảnh: Outnow

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/loai-khung-long-nao-se-xuat-hien-o-the-gioi-khung-long-2-post848011.html