Loài giáp xác khổng lồ dưới đáy đại dương

Các nhà khoa học tại Đại học Aberdeen (Scotland) đã công bố phát hiện loài động vật giáp xác khổng lồ ở vùng biển sâu ngoài khơi New Zealand.

Động vật giáp xác “siêu khổng lồ” tại rãnh Kermadec, vùng biển New Zealand. Ảnh: BBC.

Động vật giáp xác “siêu khổng lồ” tại rãnh Kermadec, vùng biển New Zealand. Ảnh: BBC.

Theo kênh Stv.tv (Scotland), động vật giáp xác siêu khổng lồ ('Supergiant' crustacean) này thuộc nhóm động vật giáp chân hai loại (amphipod), được tìm thấy tại độ sâu khoảng 7.000m thuộc rãnh Kermadec, vùng biển phía bắc của New Zealand.

Các nhà khoa học cho hay mẫu vật động vật giáp xác “siêu khổng lồ” bắt được trên tàu có chiều dài cơ thể 28cm và kích thước lớn nhất của loài này ghi hình được tới 34cm; trong khi động vật giáp chân hai loại bình thường chỉ đo được 2-3cm.

“Sinh vật này tồn tại trên Trái đất đây ư? Chưa bao giờ tôi nghĩ loài động vật giáp xác này có thể lớn đến như vậy!”, nhà nghiên cứu Alan Jamieson, làm việc tại Phòng thí nghiệm hải dương thuộc ĐH Aberdeen bày tỏ sự ngạc nhiên.

Loài này sống tại độ sâu khoảng 7.000m. Ảnh: mirror.co.uk

Thông tin trên BBC cho biết, cái tên “siêu khổng lồ” được đặt lần tiên cho loài giáp xác này khi các nhà khoa học bắt được những mẫu vật lớn ở khoài khơi bờ biển Hawaii, Mỹ vào những năm 1980. Loài này cũng có thể được tìm thấy ở vùng biển Nam cực, nhưng chúng phát triển chiều dài cơ thể chỉ khoảng 10cm.

“Loài giáp xác này to lớn và dễ thấy nhưng lại không phát hiện chúng trong một thời gian dài, điều này là một minh chứng cho chúng ta thấy chưa biết nhiều về những khu vực ẩn chứa sự sống độc đáo nhất của New Zealand” , Tiến sĩ Ashley Rowden, công tác tại Viện Nghiên cứu Quốc gia về Nước và Khí quyển ở New Zealand nói trên BBC.

Loài giáp xác này có chiều dài tới 34 cm.

Trong những năm gần đây, các nhà khoa học rất ngạc nhiên về sự sống phong phú dưới những rãnh sâu nhất của đại dương các khu vực từng được cho là quá tối, lạnh lẽo, có áp lực rất lớn và khó loài nào có thể tồn tại.

Ngoài động vật giáp xác “siêu khổng lồ”, họ còn phát hiện một sinh vật giống tôm, gọi là động vật giáp xác chân đều (isopods) và loài cá snailfish sống tại độ sâu khoảng 7.700 m trở xuống.

Theo Huỳnh Phương/Vietnamnet

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/loai-giap-xac-khong-lo-duoi-day-dai-duong/20210206093636495