Loài động vật 'siêu nhân' không đóng băng dù sống dưới 0 độ C

Những loài động vật dưới đây sở hữu khả năng vô cùng 'siêu phàm', cơ thể chúng tự sản sinh ra các chất chống đông tự nhiên giúp chúng có thể sinh sống ở âm độ C.

 Bọ cánh cứng dẹt vỏ cây đỏ có khu vực sinh sống từ North Carolina đến vùng Cực Bắc. Chúng sống bên dưới lớp vỏ cây và cơ thể được cấu tạo có chủ đích để sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt nhất giữa mùa đông.

Bọ cánh cứng dẹt vỏ cây đỏ có khu vực sinh sống từ North Carolina đến vùng Cực Bắc. Chúng sống bên dưới lớp vỏ cây và cơ thể được cấu tạo có chủ đích để sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt nhất giữa mùa đông.

Loài bọ này có thể chống chọi được nhiệt độ lạnh cóng đến mức -150 độ C. Chúng có thể vượt qua tình trạng lạnh cùng cực này bằng cách ép ra bớt 30-40% lượng nước trong cơ thể và duy trì phần nước còn lại bằng cách sử dụng các protein chống đông cứng giữa lớp màng tế bào.

Ếch rừng có cơ thể chống lại sự tấn công của cái lạnh bằng cách sản sinh ra các chất chống đông lạnh ngập cơ thể, giữ cho chúng khỏi bị đóng băng. Ếch rừng chôn mình dưới một lớp lá cây và thường cả một lớp tuyết. Chúng có thể sống sót lâu tới 2 tuần với hơn 60% cơ thể đóng băng.

Bọ Upis có thể sống sót khi bị đông đá ở nhiệt độ -76 độ C. Chúng tống hết nước ra khỏi các tế bào của mình, ngăn chặn sự nứt vỡ tế bào nguy hiểm do các tinh thể đá phình rộng gây ra.

Bướm đêm sâu róm Bắc cực sống sót qua cái lạnh bằng cách chơi trò chờ đợi. Tim của chúng ngưng đập, việc hô hấp tạm dừng và cơ thể sâu bướm tạo ra các chất chống đông tự nhiên giống như glycerol để bảo vệ các tế bào của chúng trước các tinh thể băng.

Gấu nước (Tardigrade) có thể gần như sống sót ở nhiệt độ khi các nguyên tử vật chất ngưng chuyển động. Chúng có thể chống chịu được nhiệt độ -273° C trong phòng thí nghiệm.

Gấu nước cũng được ghi nhận sống sót qua nhiệt độ cao tới 150° C, trên cả điểm sôi của nước. Không những vậy, chúng còn sống sót không bị tổn thương gì qua trạng thái khô quắt lại.

Bò xạ hương sống ở Bắc Cực từ rất lâu, từ thời kỳ băng hà cách đây khoảng 200.000 năm. Với bộ lông dày hai lớp, lớp đầu tiên là bộ lông dày màu xám đen bên ngoài, và lớp lông lót ở phía bên trong giúp chúng có khả năng chịu lạnh rất tốt tới mức nhiệt độ xuống tới âm 40 độ.

Trong suốt mùa hè, bò xạ hương sống ở các khu vực ẩm ướt, như các thung lũng sâu và di chuyển lên các vùng núi cao hơn vào mùa đông. Thức ăn của chúng bao gồm cỏ liễu Bắc cực, địa y và rêu dưới lớp tuyết.

Cá mập khổng lồ Greenland sống ở vùng nước sâu trong khu vực Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực. Những con cá mập khổng lồ này không chỉ sống sót trong làn nước lạnh căm, mà còn có tuổi thọ dài nhất so với bất cứ loài có xương sống nào trên hành tinh – trung bình từ 300 đến 500 năm tuổi.

Cá mập khổng lồ Greenland có nhịp trao đổi chất cực kỳ chậm giúp kiểm soát nhiệt độ và kéo dài tuổi thọ, và chúng cũng có thể là loài cá mập lớn nhất, có thể đạt tới 6,4m chiều dài và nặng khoảng 1.000kg. Bởi thế nên loài cá mập này cũng rất chậm chạp, thường chỉ săn những con mồi đã đi ngủ.

Chim Sheathbill tuyết là loài chim trông giống bồ câu, trắng phau và dũng cảm; đây là loài chim bản địa duy nhất sống trên bề mặt Nam Cực và là loài duy nhất sinh sản tại đây.

Chúng dành rất nhiều thời gian cho việc nhảy lò cò từ chân này sang chân kia nhằm giảm sự lạnh giá từ bề mặt băng tuyết. Hơn nữa, Chim sheathbill tuyết còn sở hữu một lớp lông cực dày mịn giúp chúng giữ nhiệt tốt.

Hải cẩu Weddell là loài sống ở cực Nam xa xôi nhất so với bất kỳ giống hải cẩu nào khác, và dành hầu hết thời gian sống bên dưới lớp băng Nam Cực, nơi chúng có thể săn mồi và tránh bị cá voi sát thủ bắt.

Nước biển Nam Cực thực ra ấm hơn so với không khí trên bề mặt (vốn có thể giảm xuống -70 độ C), vì vậy đặc biệt trong những trận bão mùa đông dữ dội, hải cẩu sẽ giữ ấm bằng cách lặn xuống biển.

Mời các bạn xem video: Top 10 loài động vật sống lâu nhất hành tinh. Nguồn: Yan News

Thùy Dung (T.H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/loai-dong-vat-sieu-nhan-khong-dong-bang-du-song-duoi-0-do-c-1525936.html