Loài chó và sự thay đổi quan niệm từ miếng ăn sang 'người bạn' trung thành

Trong tất cả các loại động vật nuôi, hiếm có loài vật nào lại thân thiện với con người như loài chó. Nói không hề quá từ bao đời nay con chó là bạn bè thật sự của con người. Ngoài chức năng giữ nhà, bảo vệ chủ, con chó còn là trạng thái cảm xúc gần gụi gắn với những biến động gia đình và của từng thành viên.

Nhưng cũng từ rất lâu thịt chó là một nguồn thực phẩm có giá trị trong dân dã và đó là một thứ ẩm thực đạt đến tầm nghệ thuật về chế biến và hưởng thụ. Chẳng đã có sự cảm thán đến mức thông thuộc thành chân lý cho rất nhiều người dân: “Sống trên đời ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không?”.

Trong đời mỗi người chí ít cũng một lần tiếp xúc gần gụi hay đã từng nuôi chó. Ngôi nhà hiện tại của tôi là nhà mặt đất xây nhiều tầng. Loại nhà này ít có điều kiện nuôi chó nếu không có sân vườn. Nếu quá thích thú thì những chủ nhân này chỉ nuôi chó cảnh. Là những loại có kích thước nhỏ. Tôi cũng có lần được tặng một con Phốc chỉ nặng chừng 2 kí lô nhưng phải đem cho vì không biết huấn luyện dạy dỗ nó. Con Phốc không nghe lời chủ và phóng uế bừa bãi. Thất bại nhưng đi đến đâu gặp chó, tôi đều rất thích và hay chơi với chúng.

Dạo chiến tranh, đơn vị cao xạ pháo của tôi có điều kiện hành quân xe pháo nên tiểu đội nào cũng nuôi chó. Tôi nuôi một con chó ta lông trắng tuyền đặt tên là Bạch Tuyết. Nó cực khôn và tình cảm. Thường thì ban ngày nó rời trận địa đi săn ở ngoài đồng, tối đến về doanh trại và cố thủ ở lán ngủ làm nhiệm vụ canh gác. Đến lúc đơn vị di chuyển đi B, chủ trương không mang chó theo. Thế là trước ngày lên đường đồng loạt chó nuôi trong đơn vị bị thịt. Tất nhiên con Bạch Tuyết của tôi không nằm ngoài số phận. Tôi thương nó lắm. Trước hôm lĩnh án, tôi tắm cho Bạch Tuyết rất kỹ chơi với nó cả đêm. Sự quấn quýt khiến tôi không nỡ để nó bị giết thịt. Sáng ra, tôi xua nó đi cùng tôi ra thị trấn dẫn vòng vèo rất xa bằng xe đạp và tôi trốn nó với hy vọng nó sẽ không tìm được đường về thành chó hoang. Nhưng không, khi tôi về đến đơn vị thì Bạch Tuyết đã bị treo ngược để tìm tia cắt tiết. Tôi trốn vào lán không dám nhìn. Đến bữa ăn dù thịt Bạch Tuyết lẫn với thịt một con chó khác, tôi cũng không đụng đũa. Vốn là người đa cảm, tôi thật khó chịu đựng nổi cảm giác ăn thịt người bạn nhỏ của mình.

Sau này vào chiến trường B, tôi cũng nuôi một con chó trắng khác vẫn cái tên Bạch Tuyết ấy. Số phận con chó này khác trước, tôi buộc phải chủ động giết nó vì một lý do đặc biệt, tôi đã viết thành truyện ngắn “Bạch Tuyết và một chú lùn”. Tựu trung dù số phận khác nhau nhưng Bạch Tuyết đều là những nỗi ám ảnh trong tôi cả mấy chục năm trời không thể nào quên được khi chúng tôi phải chia tay nhau.

Phố thịt chó Nhật Tân cả dãy quán dần dần biến mất.

Con chó với mỗi gia đình đều là mối quan hệ mật thiết nhất là với trẻ nhỏ. Nuôi chó giống nhau nhưng người thành phố ít khi tự tay giết thịt chó. Nhà ở nông thôn, vườn tược rộng rãi nên chó được nuôi nhiều và chủ nhân giết thịt chó cũng nhẹ nhàng hơn về cảm xúc. Một số làng quê, chó không chỉ bị giết thịt ở những khi có việc cần liên hoan mà còn là món ăn bắt buộc trong lễ tết hoặc cúng giỗ. Con chó trong chừng mực nào đó còn là sự kiêng kỵ mê tín cao hơn là tâm linh. Chả thế mà người ta khi gặp việc gì xúi quẩy không được như ý hay tìm ăn thịt chó với lý do giải đen. Vì tin vào sự đen đỏ nên dịp cuối tháng âm là dịp dân mê thịt chó tìm ăn. Tuyệt nhiên đầu tháng là kiêng kị chẳng mấy ai dám ăn thịt chó.

Một thời Hà Nội, thịt chó là đặc sản là mốt. Thế nên mới có phố thịt chó lừng danh ở dọc đê Nhật Tân. Người người ăn thịt chó. Nhà nhà tận hưởng món thịt dễ kiếm này. Chó không chỉ được chế biến ăn ở quán mà còn được bán dưới dạng thịt sống, ai mua chủ quán sẽ ướp tẩm gia vị về chỉ việc nấu chín. Thời đỉnh cao của thịt chó, cả Hà Nội, hàng thịt chó chặt có ở tất cả các chợ. Lúc đó, tôi nhớ có thân quen với một cô có mẹt thịt chó bán ở chợ Châu Long. Ngày cô bán đôi con chỉ vãn trưa là hết. Bao giờ cô cũng để phần tôi cái đầu chó luộc. Đầu chó phần óc ngon tuyệt và thịt má thì giòn. Khách quen nên chủ mẹt chặt dôi tay cho hưởng khoanh cổ đầy đặn. Ăn đầu chó vì nó rẻ hơn những bộ phận khác. Hai thực khách ít tiền chỉ một cái đầu chó với đĩa bún nắm thêm bát mắm tôm đã no nê đã là đại tiệc của thời bao cấp. Mọi quán bia hơi đều có hàng thịt chó bán kèm. Chưa kể phố thịt chó Nhật Tân, ở các con phố Hà Nội đều có những quán thịt chó tấp nập thực khách.

Nhưng rồi như mọi phong trào, mốt ăn thịt chó lắng xuống. Phố thịt chó Nhật Tân cả dãy quán dần dần biến mất. Người dân cũng ít ăn thịt chó đi. Đặc sản giờ là hải sản... Thịt chó lại trở về với sự bình dân xưa cũ. Từ kinh nghiệm của tôi thời thịt chó lên ngôi là vì lúc đó nguồn thực phẩm chưa phải dồi dào. Thịt chó ăn no lâu vì nhiều đạm và cũng dễ ăn và rẻ. Khi đời sống đi lên được nâng cao thì dĩ nhiên người dân có những sự lựa chọn khác. Cũng thêm cả lý do này thịt chó bổ, nhiều đạm nên dễ gây sự cố ở những căn bệnh như gút, tiểu đường, mỡ máu...cần phải kiêng khem. Ai bị gút xem, chỉ cần tẩn một chầu thịt chó túy lúy là biết mặt nhau ngay, chân sưng đau buốt ngay tắp lự.

Người ăn thịt chó tuy không còn rầm rộ thành phong trào như trước nhưng mức độ tiêu thụ thịt chó vẫn vào hàng khủng khiếp. Thế nên mới có những hộ kinh doanh mới nuôi chó thịt kiểu công nghiệp như gà, lợn...Tệ nhất là nạn bắt trộm chó. Có hẳn đội quân bắt chó trộm chuyên nghiệp và hậu quả lan sang cả tính mạng con người. Không ít kẻ trộm chó bị dân bắt quả tang vì tiếc thương những con chó cưng họ nuôi bỗng nhiên không cánh mà bay nên đòn thù ập xuống khiến kẻ trộm chó mất mạng. Cũng có những kẻ trộm manh động để tẩu thoát đã chống lại người đuổi bắt khiến chủ chó oan gia đổi bằng mạng sống.

Thời đại văn minh, treo chó đã thui la liệt nhe răng trắng ởn ở cửa hàng bán thịt chó khiến cho sự phản cảm thật nặng nề cho người dân, nhất là trẻ em và người ngoại quốc. Đây cũng là lý do mỹ cảm văn hóa cần được tính đến trong món ẩm thực này.

Hà Nội đưa ra văn bản khuyến cáo và động viên người dân giảm ăn tiến tới không ăn thịt chó. Nhiều người ủng hộ. Tôi từng có thời mê thịt chó nhưng quãng chục năm trở lại đây đã ngừng hẳn. Thi thoảng giỗ chạp, hội đám gặp cỗ có thịt chó tôi cũng chỉ ơi hời qua quýt đụng đũa cốt lấy lòng chủ tiệc chứ trong lòng tịnh không còn tơ tưởng đến món ăn này nữa.

Giới trẻ hiện nay văn minh hơn những thế hệ trước cũng có cái nhìn tích cực về việc nuôi và thịt chó. Họ không mấy hứng thú thậm chí ngăn cản việc hạ sát con vật nuôi trung thành này. Tôi cũng vậy. Ủng hộ việc không ăn thịt chó nhưng thực sự tôi thấy phân vân về đề nghị trong vài năm tới cấm bán thịt chó trong nội đô. Làm gì cũng phải dựa trên cơ sở luật không phải cứ thích cấm là cấm. Chế tài hiện nay từ các nghị định, thông tư của chính phủ và thành phố mới chỉ khuôn ở việc đăng ký nuôi, tiêm phòng, cấm thả rông, nếu thả phải có xích và rọ mõm cùng những quy định về hình phạt với chủ chó nếu để cho chó gây tổn hại người khác ở mức độ nghiêm trọng liên quan đến tính mạng.

Đồng ý với việc không giết thịt chó. Nhưng trước hết hãy làm nghiêm những chế tài đã định. Kế đó phải là sự tuyên truyền, vận động của một quá trình để người dân đồng hành cùng chủ trương trên bằng ý thức thay đổi quan niệm về loài vật tinh khôn và trung thành này./.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/loai-cho-va-su-thay-doi-quan-niem-tu-mieng-an-sang-nguoi-ban-trung-thanh-d2055321.html