Loài cây đã làm nên tên tuổi một vùng đất

Có một loài cây đã làm nên tên tuổi huyện Bắc Hà, một huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai nằm chót vót nơi thượng nguồn sông Chảy, đó là cây mận tam hoa.

Năm 1989 lần đầu tiên tôi theo đoàn công tác của Ban Định canh định cư Trung ương lên Bắc Hà do ông Cư Hòa Vần làm trưởng đoàn. Men theo dòng sông Chảy rồi ngược dốc Trung Đô, con đường lên Bắc Hà ngày ấy nhỏ và hẹp lại khấp khểnh ngồi trên xe cứ ngỡ ngồi trên lưng ngựa.

Chợ mận

Thị trấn Bắc Hà nhỏ xíu, ngày ấy chủ yếu là những ngôi nhà cấp bốn thấp lè tè, duy nhất dinh thự của Hoàng A Tưởng là bề thế được xây dựng theo kiến trúc phương Tây kết hợp kiến trúc của người Tày. Bởi chủ nhân khu dinh thự là ông Hoàng A Tưởng là dân tộc Tày.

Ngày ấy Bắc Hà nghèo xơ xác, nhìn lên núi vào mùa khô chỉ thấy một màu nâu xỉn bởi những thân ngô khô, mùa hạ thì ngập tràn màu xanh của ngô, diện tích ngô gấp mấy lần diện tích ruộng. Người dân Bắc Hà ăn ngô là chính, ngô được xay ra rồi đồ trong những chiếc hông lớn ăn cả ngày, gọi là mèn mén. Tôi đã từng ăn mèn mén chan với nước canh rau cải và thịt chuột rừng hun khói ngon chưa từng thấy.

Người dân Bắc Hà sẽ mãi mãi nghèo nếu không có cây mận tam hoa, cây mận đã làm thay đổi một vùng đất, làm rạng danh cho huyện Bắc Hà.

Người có công mang cây mận tam hoa về Bắc Hà đó là ông Vũ Đức Lợi - Trưởng trại Rau quả Bắc Hà. Năm 1972 đoàn công tác của Trại rau quả sang Quảng Ninh tham quan các mô hình trồng cây ăn quả ôn đới ở huyện vùng cao Hoành Bồ. Thấy cây mận tam hoa quả to, vỏ đỏ khi chín, ruột đỏ ăn giòn, ngọt lại có vị hơi chua nên ông rất khoái. Không tiện xin, ông bảo mấy người cùng đoàn “bí mật” chặt trộm mấy cành giấu phía sau xe, sau khi mang về tới Bắc Hà thì cắt những mắt cây ghép với gốc mận địa phương.

Mới đầu chẳng ai tin cây mận tam hoa lại phù hợp với mảnh đất Bắc Hà, đầu tiên trồng trong Trại, sau khi cây ra quả, người ta mới thật tin cây mận tam hoa sống và phát triển trên đất Bắc Hà. Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Hà năm sau đó các đại biểu được phát 1 cây mận mang về nhà trồng. Điều kỳ lạ, chỉ sau ba năm những cây mận cho quả, khi mang ra chợ bán, giá cao ngất ngưởng gấp mấy lần ngô, lúa. Từ đó người dân mới tập trung phát triển cây mận tam hoa, họ phá bỏ vườn tạp để trồng mận, mận thay thế các nương ngô leo tít tận các sườn núi, len lỏi xuống các thung lũng, nhiều diện tích lúa kém hiệu quả cũng được trồng mận. Mùa xuân cao nguyên Bắc Hà trắng muốt màu hoa mận trắng như tuyết phủ. Bắc Hà còn gọi là cao nguyên trắng.

Trong vườn mận tam hoa Bắc Hà

Cây mận đã mang lại lợi ích to lớn cho người dân, nên không một gia đình nào ở Bắc Hà là không trồng mận, màu xanh của mận phủ khắp các triền núi từ thị trấn Bắc Hà đến Tả Chải, Na Hối, Bản Phố rồi lên tận Thải Giàng Phố, Lầu Thí Ngài… Năm 1998, toàn huyện có trên 2.100ha mận tam hoa, sản lượng 13.000 - 15.000 tấn.

Nhờ thế, nên kinh tế huyện Bắc Hà phát triển mạnh nhất các huyện vùng cao Lào Cai. Theo thống kê từ những năm 1980 đến năm 2000, tỷ trọng thu nhập từ mận tam hoa chiếm tới 40 - 75% tổng thu nhập của nhiều hộ nông dân. Bởi thế, nhiều hộ nông dân trở nên giàu có, ví như gia đình các ông Sìn Diu Pà, Sùng Cồ Si, Vàng Văn Pao, Nùng Lùng Phủ… nhiều năm thu 150 - 200 triệu từ vườn mận. Người ta không chỉ bán quả, nhiều hộ ươm cây giống bán khắp nơi, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang… đâu đâu cũng trồng mận tam hoa.

Do phát triển không theo quy hoạch, lại bán cây giống vô tội vạ cho khắp các tỉnh miền núi phía Bắc. Vì thế Bắc Hà không còn chiếm vị trí độc tôn về cây mận tam hoa. Từ năm 2000 giá mận xuống tới mức thảm hại, lúc chính vụ chỉ bán được với giá 200 đồng/kg, nhiều hộ dân chẳng thèm hái để mận rụng đầy gốc. Tôi đã từng đứng dưới gốc cây mận cho thu hơn 200kg mỗi vụ của gia đình ông Sùng Cồ Si ở Na Hối, khi giá mận xuống quá thấp ông buộc lòng chặt cây mận đó làm củi. Từ năm 2003 người dân bắt đầu chặt mận do bán không được giá và cây mận cũng đến thời kỳ già cỗi, thoái hóa. Năm 2010 diện tích mận tam hoa chỉ còn 521ha, trước nguy cơ cây mận bị xóa sổ, năm 2011 Lào Cai tiến hành cải tạo chất lượng giống mận tam hoa nhằm tìm lại vị thế của cây mận tam hoa Bắc Hà.

Ông Sùng Cồ Si bên cây mận cho thu 200 kg/vụ

Bắc Hà hiện nay có khoảng 500ha mận tam hoa, trong đó có 350ha đang cho thu hoạch, năng suất 10 tấn/ha, sản lượng năm 2018 ước 3.500 tấn, giá bán từ 15.000 - 30.000 đồng/kg, giá bán xô trung bình tại vườn là 17.000 đồng/kg. Năm nay mận tam hoa Bắc Hà vừa được mùa lại được giá, mận ngon giá lẻ tại chợ lên tới 50.000 - 60.000 đồng/kg, tổng thu từ cây mận tam hoa ước khoảng 60 tỷ đồng. So với những cây trồng khác trừ cây lê Tai nung 6 thì không cây nào cho thu nhập cao như cây mận tam hoa.

Mặc dù thời hoàng kim của cây mận tam hoa đã lùi vào quá khứ, nhưng chất lượng mận tam hoa của Bắc Hà vẫn ngon nhất các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, để lấy lại vị trí số một của cây mận tam hoa trên vùng núi phía Bắc, Bắc Hà cần làm một cuộc cách mạng là thay thế toàn bộ những cây mận già cỗi, những cây mận chất lượng thấp bằng những cây giống gốc, cây đã được tuyển chọn do Trại nghiên cứu và sản suất rau quả Bắc Hà cung cấp giống.

Phố xá Bắc Hà đã đổi thay một phần nhờ cây mận tam hoa

THÁI SINH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/loai-cay-da-lam-nen-ten-tuoi-mot-vung-dat-post220624.html